Một số từ người Quảng Nam không dùng
Trong quá trình điền dã, chúng tôi phân loại nhóm từ (tạm chia) mà vì lý do này hay lý do kia người Quảng Nam không sử dụng. Ngoài số này, hàng loạt từ khác mà chúng tôi góp nhặt được nhưng chưa kịp phân loại. Tuy nhiên, phải có một công trình chuyên ngành hơn, kiểu như tự điển Quảng Nam, mới có thể liệt kê được hết số vốn từ người Quảng dùng và không dùng.
Hát sắc bùa, một loại hình biểu diễn đặc sắc của Quảng Nam. Ảnh: Báo Đà Nẵng |
Nguyên tắc dấu ngã cuối câu: Ngữ điệu của dấu ngã trong các từ như: bỗ bã, buồn bã, bừa bãi, nỡm, hãm, vẽ! (chuyện), hãi, chết giẫm... nếu dùng phải uốn cong âm của thanh ngã khá mạnh ở cuối âm, âm vút lên cao về cuối và điều đó tạo nên một ngữ điệu đặc trưng biểu cảm nhiều hơn nghĩa của từ. Tiếng Quảng Nam thì gần như không có thanh ngã trong hệ thống thanh điệu, mọi thanh ngã đều được phát âm như thanh hỏi. Có thể chính vì không biểu đạt được âm sắc của số từ có dấu ngã ở cuối nên hầu như người Quảng Nam bỏ hẳn cách dùng các từ này, cũng như các mẫu câu có từ này. Một ví dụ khác, người Huế khi muốn nói sự gì đó phiền nhiễu thường dùng từ mệt cuối câu với một ngữ điệu khá đặc biệt, ký âm thì mệt là âm thấp về cuối, trong những ngữ cảnh đối thoại phiền nhiễu người Huế nói cao lên về cuối khiến từ mệt nghe như mết bao hàm nghĩa như “đâm mệt hí”, “mệt hí”, “mệt quạ” (quá thành quạ kéo dài). Những sắc thái biểu cảm độc đáo này của ngôn ngữ thanh điệu tiếng Việt được người các miền, nhất là phương ngữ I và II sử dụng khá nhuần nhuyễn tạo nên sự sinh động nhất định trong giao tiếp; chỉ riêng Quảng Nam chúng tôi không ghi nhận sự uốn cong âm ở bất cứ trường hợp nào, nếu có chỉ là sự nhấn mạnh, gằn giọng được gặp khá phổ biến.
Những từ biểu cảm được người vùng khác sử dụng khá sinh động đã hoàn toàn vắng dùng ở Quảng Nam như: mẫn cảm, đa cảm, nhạy cảm, cảm động, xúc động, trào dâng, tinh tế, chìm đắm (trạng thái), hoài cảm, khoái cảm, cảm nhận, bẽn lẽn... hàng loạt từ biểu lộ tình cảm mặc dù người Quảng Nam đều có thể nghe hiểu nhưng không được dùng; nếu phải diễn tả người Quảng Nam thường nói “cảm thấy...”, “nghe thấy...”, “thấy răng răng ấy”, “thấy vui vui, thấy buồn buồn...”. Có thể nói đây là điểm then chốt để ta có thể truy ra tính cách Quảng Nam có một quan hệ nào đó với vốn từ họ sử dụng, với sự diễn đạt trong giao tiếp.
Có những từ rất phổ thông, nhiều người hẳn bất ngờ khi biết người Quảng Nam không dùng đến, và rõ ràng điều đó là vô cùng bất lợi trong diễn đạt bất cứ điều gì, như: vất vả, chế giễu, hẵng, kẻo, lắm điều, lắm mồm (có dùng lắm chuyện), lần lữa, xem (thay thế bằng coi trong mọi trường hợp vì thế xem như mất hẳn), lẩn (lẫn dấu ngã có dùng nhiều nhưng lẩn dấu hỏi này như lẩn khuất, lẩn lút, lẩn mẩn, lẩn quất... thì không thấy dùng, có dùng lẩn trốn), heo may, cái này - (thay bằng cái ni nhưng không nói này anh kia ơi), ranh con, nhãi ranh, rắp ranh, trẻ ranh, chết rấp, rữa (chín rữa, thối rữa, chảy rữa, hoa tàn nhị rữa...), nát rượu, sàm sỡ, sàm nịnh,... lười (rất bất ngờ khi nhận ra từ khá phổ biến này lại được thay thế bằng các từ làm biếng, nhác...). Khi không có lười ta cũng sẽ không có các cụm từ hay mẫu câu mà người vùng khác sử dụng, vì thế làm biếng, nhác không thay thế được: lười chảy thây, chây lười...
Các đại từ xưng hô phổ biến nếu thiếu sẽ là một chướng ngại rất lớn trong giao tiếp như: các cụ, các bác, ơ cái nhà bác này, các anh các chị, các bác ạ.
Phát âm khác, không chuẩn, thấy khó nên không dùng như: hau háu được phát âm là hay háy; bải hoải được phát âm là bửa huởi;...
Một số từ có nguyên âm kép được phát âm như nguyên âm đơn như uô-u, nên các từ nguyên âm kép gần như biến mất trong từ vựng Quảng Nam như muộn từ thay thế là trễ, thế nhưng cũng mất đi một số từ âm muộn như: muộn màng, giải muộn, sầu muộn, sớm muộn, phiền muộn.
Ở đây có lẽ trong phát âm người Quảng Nam không phân biệt được hai âm mụn và muộn. Vì đã có mụn trong lên mụn, nổi mụn nên các âm muộn phải bị vứt bỏ!
Tương tự, trong các trường hợp lùn và luồn, người Quảng Nam vứt bỏ âm luồn và tìm từ thay thế như: luồn kim - xỏ kim, luồn cúi - nịnh bợ, buồi - c..., hoặc mất hẳn như luông tuồng, luống công...
Mặc dù buồn là cùng âm với bùn nhưng vì từ buồn là một từ quá phổ biến, không dùng không được, tuy vậy người Quảng Nam vẫn tìm cách né tránh các từ đi kèm với buồn hoặc nghĩa khác như: buồn cười, buồn bã, buồn phiền, buồn bực, buồn đi ngoài, buồn tình, buồn miệng, không buồn nhúc nhích.
Vì có hưu nên hươu rất ít dùng, thành ngữ hứa hươu hứa vượn, tán hươu tán vượn hầu như rất ít dùng.
Phụ âm cuối ng-n, hầu hết bỏ dùng như khoan và khoang, ngoại trừ động từ khoan, danh từ cái khoan, giếng khoan ra hầu hết từ dính đến hai âm này đều ít được dùng như khoan dung, khoan thứ, lúc khoan lúc nhặt, khoan nhượng, khoan thai, hay khoang tàu, khoang bụng, khoang rỗng... vì thế dễ đưa đến lỗi chính tả khi phải cố dùng (còn có khoán - khoáng; băn khoăn - băng khoăng; kiên - kiêng).
Số từ tránh dùng do có phụ âm v (mọi phụ âm v được chuyển thành d) như vêu vao (không thể nói dêu dao)...
Vai trò của mẫu câu
Cũng như việc dùng thành ngữ, tục ngữ, các mẫu câu giúp người nói không chỉ biểu đạt được nhiều điều ngoài số từ được dùng, nói được những nghĩa bóng khó diễn đạt đơn giản mà còn giúp cho việc nói nhanh, nói gọn; trong lúc dùng thành ngữ hoặc mẫu câu có sẵn thì người nói đã tranh thủ được thời gian để nghĩ cho ý sau, câu sau. Vì thế mà diễn đạt lưu loát. Người Quảng Nam có dùng thành ngữ, tục ngữ dĩ nhiên ít hơn người miền khác, nhưng đặc biệt số mẫu câu thì thiếu trầm trọng. Chính điều này khiến mọi diễn đạt đều rất khó khăn, mỗi lần nói như mỗi lần sáng tạo mẫu câu, ghép nối các từ mới... hay nói cách khác, thực sự như một người nước ngoài nói tiếng không phải tiếng mẹ đẻ của mình. Dĩ nhiên, khi quan sát trẻ em hay các mẹ các chị ở chợ, những câu giao tiếp thông thường thì không khó; thế nhưng khi hỏi đến, cần phải diễn đạt điều gì đó phức tạp hơn như diễn đạt tình cảm, mô tả sự vật với những hình dung từ phức tạp thì mọi người đều cảm thấy rất khó khăn.
Một số mẫu người Quảng hầu như không dùng: Cho lắm vào; vừa phải thôi; hơn bao giờ hết; bỏ quá cho; khí không phải; sốt cả ruột; hẵng biết thế; hiềm một nỗi; đừng khi dễ; đẹp lòng đẹp dạ; chén cái đã; vừa phải thôi nhé; con cái nhà ai; thảo nào; mặc xác tớ; dở hơi; kinh chết đi được; chứ làm sao; cần quái gì; chối được nào; cái nhà bác này; phải tay ông; khổ thân mày chưa; của đáng tội; phải tội mất; nói cho bõ ghét; bác cứ khéo vẽ!; Em hầu bác một chén; Em thay chồng em vậy; mải mê thế kia; cô khái tính quá đấy; làm thế ôi lắm; xấu hổ chết đi được; thú vị quá; bác cứ quá lời, của nợ, đồ dở hơi...
Người Quảng thường nói: “Cái này cái nọ”, “nói chung là”, “cứ rứa”, “nói trớt quớt”, “coi như là”, “cũng như là”...
HỒ TRUNG TÚ