Nhập cư trái phép ở châu Âu: Chưa có hồi kết
Liên minh châu Âu (EU) vừa đưa ra các con số kỷ lục liên quan đến cuộc khủng hoảng về người nhập cư trái phép vào “lục địa già”.
Con số mới nhất của EU cho thấy chỉ trong tháng 7, số người nhập cư bất hợp pháp vào “miền đất hứa” EU là 107.500 người, gây ra tình trạng mất an ninh và khủng hoảng nhân đạo trầm trọng tại khu vực. Cơ quan EU phụ trách các vấn đề an ninh và biên giới ngoài EU là Frontex ghi nhận con số người nhập cư của tháng 7 mới đây tăng 70.000 so với tháng trước đó. Như vậy, trong 7 tháng đầu năm nay, số người nhập cư trái phép vào khu vực là gần 340.000 người, tăng 123.500 so với cùng kỳ năm ngoái, cùng 2.440 người khác thiệt mạng. Giám đốc Frontext - Fabrice Leggeri khuyến cáo: “Vấn nạn trên trở thành tình trạng khẩn cấp, đòi hỏi các nước thành viên EU phải nỗ lực để giúp đỡ các nước trong khu vực trước áp lực rất lớn khi đương đầu với dòng người nhập cư trái phép khổng lồ”.
Nhiều người nhập cư trái phép theo đường hầm Channel vào lãnh thổ Anh. (Ảnh: slate) |
Cơ quan tỵ nạn Liên hiệp quốc thông báo chỉ trong một tuần qua, có đến 20.843 người trốn chạy chiến tranh, khủng bố từ các nước Syria, Iraq, Afghanistan đổ vào Hy Lạp, thay cho điểm đến trước đó là Italia, do nguy hiểm tính mạng và an ninh tại Italia đã được thắt chặt hơn. Như vậy, tính từ tháng 2 đến nay, dòng người di cư trái phép đổ vào Hy Lạp lên tới 160.000 người. Trong khi đó, Hy Lạp đang trong tình trạng vỡ nợ, khó khăn tài chính, bất ổn xã hội nên chính phủ nước này kêu gọi sự giúp đỡ từ EU. Đặc biệt, khủng hoảng người nhập cư trái phép gây rúng động chính trước nước Anh trong khoảng ba tuần trở lại đây khi làn sóng người di cư tìm cách vượt biên trái phép thông qua đường hầm Channel, nối giữa Anh và Pháp gia tăng.
Nhiều nước EU đang phải đối phó với dòng người nhập cư bất hợp pháp đang gia tăng kỷ lục, đồng thời tìm ra các giải pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn vấn nạn này. Hôm qua (20.8), Anh và Pháp công bố biện pháp mới nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư trái phép, bao gồm tăng cường lực lượng an ninh cả hai bên đường hầm, lắp đặt hệ thống camera giám sát và nhiều thiết bị an ninh khác nhằm bảo vệ lối vào đường hầm từ phía cảng Calais (Pháp). Đây là nơi dòng người nhập cư từ các nước châu Phi thường tập trung tại đây để tìm cách vào lãnh thổ Anh thông qua đường hầm Channel. Tại Đức - nền kinh tế hàng đầu của châu Âu cũng là nơi có nhiều trại tỵ nạn nhất trong khu vực dành cho những người di cư trái phép vào châu lục. Chỉ riêng năm nay, Đức sẽ tiếp nhận đến 750.000 người, tức khoảng ¾ tổng số người di cư trái phép tỵ nạn.
Cách đây hơn một tuần, Ủy ban EU phê chuẩn khoản hỗ trợ 2,4 tỷ euro trong vòng 6 năm cho các nước EU đối phó với làn sóng người di cư bất hợp pháp tăng cao.
QUỐC HƯNG