Ký ức không dễ lãng quên

NAM KHA 21/08/2015 08:44

Đã 40 năm trôi qua nhưng với nhiều người từng ở Ban Tài Mậu khu 5, những chiến công và kỷ niệm xưa chẳng thể phai mờ. Những cựu binh tài mậu ngày ấy đã biết vượt qua gian khổ, thương yêu nhau, sống và chiến đấu với khát vọng hòa bình…
Theo dòng lịch sử

Ông Ngô Đình Tẩn, một cựu binh của Ban Tài Mậu khu 5 ngày ấy như lạc vào cơn mộng mị của quá khứ. Ông nói những buồn vui, gian khổ có thể sẽ quên đi theo năm tháng tuổi già nhưng ký ức hào hùng, bi tráng thời chiến trận ngày nào đâu dễ lãng quên. Ký ức rời rạc, chắp vá bỗng hiện ra hình ảnh những ngày trên chiến khu đầy ắp tình người…

Ban Kinh - Tài ra đời năm 1961. Năm 1967, Khu ủy khu 5 tổ chức lại bộ máy ngành Kinh - Tài, tách một số tiểu ban thuộc Kinh - Tài để thành lập ban riêng như sản xuất, lương thực, giao vận, dân y, tài mậu và Ban Tài Mậu lại tổ chức ra nhiều tiểu ban như tài chính, mậu dịch, ngân tín, chi viện. Tiểu ban cung cấp (X24) trước thuộc Ban Kinh - Tài nay thuộc Ban Tài Mậu. Ban Tài Mậu khu 5 là tên gọi chung của nhiều ngành tài chính, mậu dịch và ngân hàng thời chiến tranh. Ban Tài Mậu khu 5 lúc đầu được phôi thai từ những bộ phận nhỏ lẻ. Sau Nghị quyết Trung ương 15 (khóa II), ban mới chính thức được thành lập ở chiến khu Trà My nhằm phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ, góp phần trực tiếp đưa cuộc kháng chiến sang bước ngoặt mới.

Nhà lưu niệm Ban Tài Mậu khu 5 khánh thành vào chiều 20.8.2015.  Ảnh NAM KHA
Nhà lưu niệm Ban Tài Mậu khu 5 khánh thành vào chiều 20.8.2015. Ảnh NAM KHA

Hoạt động tài mậu thay đổi theo thời cuộc. Bắt đầu từ sự giản đơn, nguồn thu chủ yếu do quyên góp và chi viện của trung ương, quản lý thu - chi là chính, sau tiến đến lo hậu cần, cung cấp tài chính cho lực lượng chiến đấu rồi tự túc sản xuất lương thực, thực phẩm. Ban, ngành nào cũng tổ chức vài điểm sản xuất lúa, khoai sắn… nuôi heo gà, đánh bắt cá sông, thú rừng để sống. Nhiều cơ sở sản xuất ra đời, kể cả một cơ sở sản xuất giấy. Ông Tẩn nói lịch sử chiến trận 10 hay 15 năm không thể kể hết trong cuộc gặp gỡ, nhưng chắc chắn rằng nếu như Tiểu đoàn 10 An ninh khu 5 chịu trách nhiệm bảo vệ cho sự an toàn tính mạng bộ máy lãnh đạo khu 5 trong kháng chiến thì những người làm tài mậu cũng chịu trách nhiệm và hoàn thành xuất sắc việc đảm bảo an toàn về vật chất, đời sống và phương tiện làm việc cho bộ máy lãnh đạo khu 5. Họ thực sự là những chiến sĩ hậu cần xuất sắc, góp phần cho cuộc kháng chiến thành công...

Một thời đạn bom…

Không trực tiếp đọ súng, đối mặt với kẻ thù tại các chiến tuyến, nhưng trong sự bao vây, đánh phá ác liệt về mọi mặt của địch, nên thực tế, Ban Tài Mậu khu 5 cũng phải đối mặt nhiều mất mát, hy sinh. Với cán bộ tài mậu, nơi đâu cũng là mặt trận. Khi tổ chức lao động, sản xuất trong hậu cứ vẫn có thể hy sinh vì bom mìn. Phút bình yên nếu có vẫn có thể ngã xuống chỉ vì nước độc, thú dữ, sốt rét rừng và lũ thác ào ạt đổ xuống bất ngờ. Khi gùi hàng, cõng đạn, thu gom lương thực, thuốc men, lần tìm về cơ sở đồng bằng, càng dễ bị hy sinh nếu phải đụng độ với bọn biệt kích, thám báo. Kinh nghiệm “trận mạc” đã giúp những người ở Ban Tài Mậu luôn là những chiến sĩ khôn khéo, gan góc, sẵn sàng chịu đựng những tổn thất bất ngờ. Vũ khí của họ chính là gùi, cõng, mang hàng “đôi vai trăm cân mà chân vẫn dồn”. Họ là những chiến sĩ chiến đấu xuyên cả hai mặt trận kinh tế và giáp chiến. Chiến tranh khốc liệt, gian nan nguy hiểm đều phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, bằng xương máu của nhiều cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Ban Tài Mậu. Con số thống kê chưa đầy đủ gần 130 đồng chí, đồng đội đã hy sinh, mất tích và trên 250 người mang thương tật suốt đời. Riêng X24 có quân số bình quân 300 người/năm đã hy sinh hơn 120 người, thật sự là một tổn thất lớn.

Những người trở lại đều có chung tâm trạng. Họ không thể nào quên được những cô gái da tái mét, đội mũ tai bèo dưới mưa, nép vào một bụi cây, một bãi tha ma để ăn những bát cơm đẫm nước mưa. Nhưng chiến trường ngày ấy luôn sáng lên một tình cảm thương mến giữa mọi người như trong một gia đình. Ông Đỗ Ngọc Min (nguyên cán bộ Ban Tài Mậu khu 5) nói ngày ấy, việc sản xuất tự túc, tự cấp chỉ giải quyết được một phần hậu cần tại chỗ. Nhưng kết quả không như mong muốn. Vùng giải phóng luôn bị địch càn quét, phá hoại sản xuất, cắt đứt nguồn cung cấp. Miền núi, căn cứ bị rải chất độc hóa học, sản xuất gặp khó khăn, có lúc đói cơm, lạt muối phải dùng đến hàng hóa để đổi lương thực, thực phẩm cho kháng chiến. Những ngày tháng ăn sắn và nấu cơm chín toàn thuốc trừ sâu. Cơm nấu chín phải bới ra thau để bốc bớt mùi nồng. Nhiều người nói không ăn thì chết đói, còn ăn thì cũng chết mà chết từ từ.

Bà Võ Thị Hạnh - chiến sĩ vận tải X24 nhớ những con người mảnh khảnh nhưng sức chịu đựng vô cùng lẫm liệt. Nhiều người bị thương nằm giữa rừng 3 ngày, không được chăm sóc nhưng vẫn sống, nhiều người bị nước lũ cuốn trôi, mất tích trên sông Trà Nô (Phước Gia, Phước Trà - Hiệp Đức) hay chết dọc đường tải hàng. Một cựu binh khác là ông Huỳnh Trung Hiếu kể, những nguyên tắc và quy định là bí mật, chính xác, sẵn sàng chấp hành lệnh của cấp trên, việc điều động hầu như không có quyết định bằng văn bản. Mỗi đơn vị phải lo việc sản xuất tự túc, mang cõng lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng. Thanh niên tuân theo phong trào 3 khoan (khoan yêu, khoan cưới, khoan con). Ông Min nói có lẽ những con người ngày ấy đã sống cảm thấy hạnh phúc vì đã biết thương yêu và có những… giấc mơ đẹp. Không ít cuộc tình đã đơm hoa kết trái trên chiến khu. Bất giác ông Min đọc hai câu thơ mừng cưới hai đồng đội ngày ấy “Hạnh phúc đơm hoa trên tuyến lửa/Tương lai kết trái giữa mùa xanh”…

Những hy sinh thầm lặng

Nhiều chiến sĩ Tài Mậu khu 5 nhớ về những tháng năm cơ cực, nhưng hào hùng, bi tráng ấy bằng cái nhìn lạc quan pha lẫn chút xót xa. Nhưng có một điểm chung là họ nhớ về quá khứ để yêu hơn hiện tại…

Cựu binh Tài Mậu khu 5 về thăm chiến khu xưa. Ảnh: NAM KHA
Cựu binh Tài Mậu khu 5 về thăm chiến khu xưa. Ảnh: NAM KHA

Ông Nguyễn Thảo - cựu binh Tiểu ban chi viện, tiếp nhận viện trợ từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam:

“Đói trên lưng tiền, gạo vẫn vui…”

Chiến tranh ác liệt. Vùng giải phóng không đáp ứng kịp và đầy đủ nên đòi hỏi sự trợ giúp từ bên ngoài. Hệ thống kho rải rác cả tuyến đường đông, tây Trường Sơn. Hàng hóa được vận chuyển bằng xe đạp thồ gồm trang phục, máy móc, thuốc men, y dụng cụ. Các kho hàng phải di chuyển liên tục để bảo quản hàng, tránh bị bắn phá và những người ở Ban Tài Mậu khu 5 đã ra binh trạm 559 để giải quyết chuyển hỏa tốc tiền miền Nam, Mỹ kim, vàng vào phục vụ chiến dịch. Tiểu ban chi viện liên tục cử cán bộ đi theo xe áp tải hàng từ binh đoàn 559 về đến nơi tập kết của kho an toàn. Những người vận chuyển cả ngày đêm nhiều tháng liền trên những cánh rừng đầy chất độc hóa học, cây cối chỉ còn trơ lại gốc và đất đá bị xới tung. Thiếu gạo, thiếu cả sắn phải củ nưa, rau rừng nhưng vẫn hoàn thành nhiệm vụ. Những người ở Ban ngân tín hy sinh khi cần, quyết tâm bảo vệ tiền để không ướt, thất lạc, đưa tiền đến tận nơi theo đúng địa chỉ đã quy định để các địa phương đổi tiền ra lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh.

Những người làm Kinh - Tài hoạt động gian khổ và hiểm nguy như những chiến sĩ ngoài mặt trận. Họ phải đấu trí, đấu lực, phải mưu trí dũng cảm để hoàn thành nhiệm vụ. Không có giám sát chặt chẽ, nhất là những người làm Kinh - Tài trong vùng địch kiểm soát, không biên lai, biên nhận. Chỉ dựa vào tinh thần tự giác và lòng trung thành cách mạng. Họ đi vận động quyên góp, móc nối cơ sở nhận hàng, nhận tiền, tăng gia sản xuất, thu mua, vận chuyển lương thực hàng hóa, thuốc men, tự bảo quản. Không để mất mát, tư lợi, không tham ô bớt xén của công. Có nhiều người gùi, cõng cả trăm ký gạo trên vai mà đành chịu đói, phải xin sắn khoai của đồng bào để ăn…vì đó là của tập thể!

Ông Đỗ Ngọc Min - nguyên cán bộ Ban Tài Mậu khu 5:

“Ngày ấy, không đố kỵ, so đo, tính toán”

Năm 1968, đời sống cán bộ, chiến sĩ và nhân dân khó khăn, không có lương thực, không có muối để ăn, không cả thực phẩm. Quân trang, quân dụng không đủ cung cấp. Cơ quan khu ủy và các cơ quan dân chính đảng khu 5 cũng khó khăn không kém, di chuyển thường xuyên, có năm chuyển đến 2 hay 3 lần. Ngày ấy, chỉ cần một bữa no hay một lon sữa bò hòa đến vài lít nước cho những con người đói đến vàng mắt đã trở thành một bữa tiệc thịnh soạn, còn hơn cả sơn hào, hải vị bây giờ.

 Nhiệm vụ được phân công không hỏi và không cần biết, cứ đi sẽ tới. Lực lượng thu mua trực tiếp bám tại địa bàn các cửa khẩu, vùng tranh chấp để khơi nguồn, thu mua lương thực, hàng hóa, trực tiếp nhận lương thực ở các tỉnh đồng bằng, đảm bảo nguồn hàng phục vụ cho khu ủy và các cơ quan khu. Để thu mua được hàng, anh em phải luồn sâu vào vùng địch vận động tiểu thương, các nhà buôn, vợ con ngụy quân, ngụy quyền đưa hàng ra vùng giải phóng bán cho ta. Khi mua được hàng còn phải tự bảo quản, cất giấu, không để mất mát, nhất là khi địch càn quét, chờ tối đến giao cho đơn vị vận tải về căn cứ an toàn. Ở vùng căn cứ có bộ phận đi vào làng, nóc đồng bào dân tộc dùng vải, quần áo, muối, đồng hồ… đổi lấy heo gà, lương thực phục vụ kịp thời cho các cơ quan đơn vị. Là người cầm nắm tiền bạc của cách mạng nên ý thức trách nhiệm cao, có lòng trung thành, trung thực, không tham ô, tư túi. Lực lượng vận tải đã gùi cõng hàng trăm ngàn tấn hàng từ cửa khẩu, từ đường 559 về căn cứ phục vụ đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu đời sống cán bộ, nhân viên và các cuộc họp lớn nhỏ. Họ đã bất chấp gian khổ, hy sinh, vượt mưa bom, bão đạn, trèo đèo, lội suối băng rừng, bất kể ngày đêm để vận chuyển hàng hóa với đôi chân trần, vai sắt. Phương tiện vận chuyển bằng đôi vai, gùi cõng là chính, về sau có sử dụng xe đạp thồ, ghe thuyền để vận chuyển nhưng gùi cõng vẫn là chủ yếu. Còn những người làm thủ kho cấp phát hàng hóa vất vả không kém vì phải lo bảo vệ hàng hóa cấp phát kịp thời. Kho tàng luôn di chuyển tránh địch tàn phá. Có người còn một mình nằm giữ kho giữa rừng sâu, luôn bị thú dữ đe dọa…

Bước chân những người làm tài mậu dẫm khắp nơi trên chiến trường. Từ Đông Trường Sơn, Tây Trường Sơn, miền núi, đồng bằng, vùng tranh chấp, vùng địch chiếm gặp không biết bao gian lao nguy hiểm như bom đạn, phục kích, thám báo rình rập, càn quét đến nước lũ cuốn trôi, thú dữ và cái chết rình rập như trở bàn tay vẫn không hề nao núng. Cái đích cuối cùng miễn là lấy được gạo, mắm muối về phục vụ cơ quan. Tất cả đều biết đi làm nhiệm vụ là nguy hiểm tính mạng nhưng không ai từ chối. Người trước ngã, người sau bước tiếp. Trực tiếp nơi chiến tuyến gian khổ ác liệt, đói cơm, lạt muối, chết chóc như trở bàn tay nhưng không một cán bộ chiến sĩ nào đào nhiệm, đầu hàng địch hoặc khai báo, ảnh hưởng tổn thất đến cách mạng. Cuộc sống ngày ấy gian khổ khó khăn lắm, thiếu thốn đủ thứ nhưng vui vẻ, đoàn kết, sẵn sàng đùm bọc, sẻ chia cùng nhau “hạt muối cắn đôi, củ khoai bẻ nửa”. Không đố kỵ, so đo, tính toán.

Ông Hoàng Minh Trương - nguyên Phó Bí thư Đoàn ủy X.24:

“Xứng đáng được ghi công”

Nhìn nhận một cách trung thực và thẳng thắn, trong giai đoạn vô cùng ác liệt và khó khăn của cuộc chiến tranh, dù có phải hy sinh, đổ máu nhiều nhất, X24 Làng Cung vẫn giữ được đường dây. Tắc hướng này mở ra hướng khác, khơi mạnh luồng hàng hóa về căn cứ.

Toàn bộ quân số của X24 phần lớn được tung xuống đồng bằng, vùng giáp ranh. Một số ít ở lại hậu cứ để tiếp nhận hàng viện trợ từ miền Bắc vào. Giai đoạn 1969 - 1973 là giai đoạn ác liệt nhất ở chiến trường khu 5. Quân địch ra sức càn quét, lấn chiếm vùng giải phóng, chia cắt hành lang địa bàn đồng bằng lẫn trung du miền núi, làm cho việc tiếp nhận, thu mua lương thực, hàng hóa của X24 vận chuyển về căn cứ vô cùng khó khăn. Có lúc cả hai đại đội C1, C3 của X24 lọt vào giữa hai vùng địch chiếm đóng, càn quét chia cắt đội hình, đường đi. Anh em phải lánh trong rừng, ăn cháo cầm hơi ở vùng Sơn - Cẩm - Hà gần cả tuần lễ. Vượt qua vất vả, đói rét, mưa bom, đạn pháo vẫn tươi cười, ca hát để tiếp tục bám địch, mở đường tiếp nhận và vận chuyển về căn cứ. Địch kiểm soát chặt các cửa khẩu Quảng Đà, Quảng Nam, không thể khai thác được hàng hóa thì X24 đã mở ngay luồng hàng mới ở tây Sơn Tịnh, Bình Sơn (Quảng Ngãi), khơi nguồn hàng từ thị xã Quảng Ngãi cung cấp kịp thời cho toàn khu.

Chiến tranh kết thúc, tháng 4.1975, toàn bộ người, hàng hóa của X24 được chuyển về thành phố Đà Nẵng, Hội An, kết thúc sự nghiệp “Vai trăm cân, chân ngàn dặm, chân đồng vai sắt”. X24 - một đơn vị hậu cần có đến 80% nữ, nhiều người đã hy sinh, số còn lại cũng mang thương tật. Gần như độc lập tác chiến trong 10 năm, phục vụ cho bộ máy lãnh đạo khu 5 về vật chất để tồn tại mà lãnh đạo kháng chiến. Thậm chí 120 liệt sĩ của X24, phần lớn mộ họ đã trở thành liệt sĩ vô danh và còn nhiều liệt sĩ mất tích. Số còn lại thương tật trở về, chấp nhận sự mất mát về chế độ và công lao. Hàng chục năm ra đời và hoạt động trên mặt trận hậu cần, hàng trăm ngàn tấn hàng các loại đã qua đôi vai X24. Họ đã vượt qua khó khăn, gian khổ, sự ác liệt của cuộc chiến tranh khốc liệt nhất trong lịch sử Việt Nam như mưa bom B52, tắm mình trong những thảm chất độc hóa học hay dầm mình trong mưa bão, lũ lụt miền Trung. Công sức của họ và đơn vị, chẳng khác gì nào một tiểu đoàn thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mỹ. Theo cuộc khảo sát sơ bộ của Ban liên lạc X24, hơn 1/3 quân số thành liệt sĩ, 1/2 quân số mang thương tật chiến tranh nhưng hiện tại có nhiều anh chị em X24 sống trong cảnh đau yếu, bệnh tật và nghèo khó. Hòa bình, cấp hành chính khu không còn nữa, X24 như đàn chim vỡ tổ bay khắp nơi từ Trung, Nam, Bắc. Thậm chí họp mặt cũng là vấn đề khó khăn do điều kiện tuổi tác và kinh tế. Với những hy sinh thầm lặng, những chiến sĩ tài mậu xứng đáng được ghi công!

NAM KHA

NAM KHA