Khơi dậy sức dân
Những năm qua, cả hệ thống chính trị huyện Nông Sơn luôn xác định công tác dân vận phải đi đầu gắn với việc không ngừng phát huy dân chủ ở cơ sở.
Trao đổi với chúng tôi về công tác vận động quần chúng tại địa phương, ông Lê Văn Sanh - Trưởng thôn Tứ Trung II (xã Quế Lâm, Nông Sơn) chia sẻ, nhờ chú trọng phát huy dân chủ ở cơ sở nên nhân dân thôn tham gia bàn bạc, góp ý rất sôi nổi, rộng rãi, từ đó đi đến thống nhất, đồng thuận trong thực hiện các chủ trương, công việc. Đây chính là yếu tố quan trọng giúp địa phương luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao. Để các hoạt động đi vào quy củ, năm 2013, nhân dân đã thống nhất xây dựng quy ước thôn, quy định rõ các nội dung mà mỗi hộ dân phải chấp hành. Trong đó, quy định nếu hộ dân nào vắng họp mà không có lý do thì sẽ bị xử phạt 20 nghìn đồng/lần. Nếu vắng họp 3 lần, dù có lý do chính đáng thì vẫn bị “chấm” một lần vắng họp không có lý do. “Năm nay, thôn chỉ phạt có một hai trường hợp. Nhận thức được nâng cao, bà con chấp hành tốt quy chế hội họp. Nhờ vậy các chủ trương, công việc được ban nhân dân thôn phổ biến, triển khai khá thuận lợi, kịp thời đến người dân” - ông Sanh nói. Còn ông Mai Trính - Bí thư Chi bộ thôn Tứ Trung II thì cho biết, bà con sẽ tự giám sát nhau, không có chuyện hộ này hay hộ kia sẽ tìm cách đối phó với quy ước do chính họ đặt ra. Các tranh chấp, mâu thuẫn cá nhân được thôn hòa giải kịp thời. Tình làng nghĩa xóm ngày thêm gắn kết.
Trong điều kiện của một huyện vừa mới được thành lập (năm 2008), Nông Sơn rất thiếu thốn các nguồn vốn đầu tư cho phát triển, nhất là đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở. Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Nông Sơn xác định tập trung làm tốt công tác vận động quần chúng, loại bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, ra sức phát huy nội lực để đưa địa phương phát triển. Ông Đinh Hữu Thành - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Nông Sơn khẳng định: “Đầu tư xây dựng hạ tầng thì phải giải tỏa, đụng đến đất đai là đụng đến quyền lợi lâu dài của dân. Mà vướng đâu giải tỏa đền bù đến đó thì Nông Sơn không đủ nguồn lực. Nếu không được nhân dân đồng thuận, ủng hộ, hiến hàng nghìn mét vuông đất, hàng nghìn ngày công thì Nông Sơn sẽ không dễ gì đầu tư xây dựng được bộ mặt trung tâm hành chính huyện, các thiết chế văn hóa khang trang, giao thông nông thôn kết nối thông suốt, giao thương thuận lợi như bây giờ”.
Xác định công tác dân vận phải đi đầu, ngay từ đầu nhiệm kỳ, căn cứ vào chương trình toàn khóa, Ban Dân vận Huyện ủy Nông Sơn tập trung xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng năm. Từ đó triển khai đến 39 tổ dân vận ở các thôn. Phong trào “Dân vận khéo” tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần củng cố và tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy trí tuệ, tâm huyết của nhân dân. Theo ông Đinh Hữu Thành, kinh nghiệm của Nông Sơn đối với công tác dân vận là mọi chủ trương, công việc đều được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, đồng thuận trong nhân dân trước khi triển khai thực hiện. Nội dung công việc liên quan đến tổ chức đoàn thể nào thì tổ chức đoàn thể đó phải chịu trách nhiệm tham gia vận động nhân dân thực hiện. Trường hợp nào còn “lấn cấn” thì ghi nhận và có cách tác động trực tiếp... Với cách làm như vậy, công tác vận động quần chúng của địa phương đã có chuyển biến tiến bộ cả về nội dung, phương thức và lực lượng tham gia; từng bước khắc phục tình trạng hành chính hóa trong tổ chức, hoạt động.
HÀN GIANG – VĂN SỰ