Chiến sĩ công an đi vào huyền thoại

PHƯƠNG NAM 18/08/2015 14:54

(QNO) - Vào ngành công an năm 17 tuổi, 23 tuổi được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, Đại tá Nguyễn Thanh Hùng (SN 1953, quê quán xã Quế Phú, huyện Quế Sơn) đi vào huyền thoại về lòng dũng cảm của người chiến sĩ công an.

Đại tá, Anh hùng LLVT Nguyễn Thanh Hùng (áo xanh bên phải) và Đại tá Phạm Trường Dân - Phó Giám đốc Công an tỉnh tại buổi gặp mặt cán bộ chiến sĩ An ninh Quảng Đà ngày 26.3.2015.
Đại tá - Anh hùng LLVT Nguyễn Thanh Hùng (áo xanh bên phải) và Đại tá Phạm Trường Dân - Phó Giám đốc Công an tỉnh tại buổi gặp mặt cán bộ chiến sĩ An ninh Quảng Đà ngày 26.3.2015.

Đánh địch tận sào huyệt

Ngay từ ngày đầu đứng trong hàng ngũ công an, Nguyễn Thanh Hùng được cấp trên đánh giá cao về sự gan dạ, dũng cảm với nhiều lần xông thẳng vào sào huyệt địch để chiến đấu. Một trong những thành tích nổi bật của anh là trận tiêu diệt tên ác ôn Phạm Súy ở huyện Quế Sơn. Từ năm 1970, người dân trong vùng có câu: “Nhất Súy, nhì Vân, tam Tân, tứ Tòng”, ám chỉ 4 tên Súy, Vân, Tân, Tòng khét tiếng không ai bằng, trong đó tên Súy nguy hiểm nhất. Những tên này đều được Nguyễn Văn Thiệu tặng thưởng “Anh dũng bội tinh” về thành tích chống cộng. Riêng Súy là một tên Quốc dân đảng, Liên đoàn trưởng bảo an chỉ huy bọn lính dưới quyền đánh phá phong trào cách mạng ở Quế Sơn rất quyết liệt, gây cho ta nhiều tổn thất. Trong khoảng thời gian dài, hoạt động của cách mạng tại vùng trung Quế Sơn bị giảm sút, việc đi lại giữa vùng rừng núi về đồng bằng của lực lượng cách mạng không thực hiện được.

Được cấp trên giao nhiệm vụ tiêu diệt tên Súy, anh Hùng rất vinh dự và quyết tâm cao độ. Qua 9 tháng kiên trì nằm vùng, xây dựng cơ sở, anh đã nắm được quy luật hoạt động, đặc điểm tâm lý và nhận dạng đối tượng. Ngày 22.5.1974, cơ sở báo tin Súy vừa đi càn về, đang ăn uống tại một quán cơm, anh Hùng liền cải trang thành lính ngụy để tiếp cận tên ác ôn.

Vốn đa nghi, khi thấy anh Hùng, Súy liền sai tên Hiệu, đại đội phó đến kiểm tra giấy tờ. Trong khoảnh khắc đó, anh Hùng suy nghĩ, phải tiêu diệt gọn cả tên Súy lẫn tên Hiệu. Khi tên Hiệu đến, anh Hùng giả vờ lấy giấy tờ rồi xoay người, rút nhanh khẩu súng và hướng nòng súng đúng tầm đạn “xuyên táo” cả 2 tên. Một tiếng nổ vang lên, tên Hiệu gục ngay tại chỗ, tên Súy bị thương nặng. Anh Hùng tiếp tục bắn 3 phát súng về phía tên Súy rồi mới rút lui. Cái chết của tên Súy và Hiệu đã làm nức lòng nhân dân Quế Sơn. Còn bọn ngụy quân, ngụy quyền và những tên ác ôn thì hoang mang, không dám đàn áp, bắn giết đồng bào như trước. Thành tích của anh Hùng đã góp phần to lớn trong việc thúc đẩy phong trào cách mạng ở địa phương phát triển.

Tháng 3.1975, anh Hùng được phân công về địa bàn Thăng Bình phối hợp với an ninh huyện mở hành lang thông thoáng cho bộ đội hành quân tấn công tại quận lỵ Thăng Bình. Đêm 23.3.1975, địch tập trung lực lượng bao vây phân đội của anh Hùng. Trận đấu diễn ra quyết liệt, anh Hùng bị thương nhưng vẫn bình tĩnh chỉ huy đơn vị chặn đánh các mũi tiến công của địch, tạo điều kiện cho 2 tiểu đoàn bộ đội tiến xuống vùng đông Thăng Bình tham gia chiến dịch tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 giành thắng lợi.

“Khắc tinh” của tội phạm hình sự

Sau ngày giải phóng, anh Hùng tiếp tục công tác trong ngành công an và được bổ nhiệm giữ nhiều chức vụ lãnh đạo chỉ huy như Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Trưởng phòng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp... Dù cương vị nào anh cũng giữ vững lập trường chính trị, phát huy đức tính tốt đẹp của người chiến sĩ công an nhân dân, thông minh, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Đại tá Nguyễn Thanh Hùng đã tham gia chiến đấu 21 trận, diệt 345 tên địch; riêng bản thân anh Hùng đã chỉ huy chiến đấu 29 trận, diệt 108 tên địch. Ngày 6.6.1976, anh Hùng được Hội đồng Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi vừa tròn 23 tuổi. Anh là một trong những cán bộ đầu tiên của ngành công an được phong tặng anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Hầu như tất cả những tên tội phạm cộm cán đều không thoát khỏi sự truy đuổi của anh. Một trong những vụ án nổi bật mà anh đã tham gia là vụ truy bắt Nguyễn Minh (còn gọi là Minh “bớt”, SN 1950, thôn 5, Quế Phước, Quế Sơn). Minh “bớt” là một ngụy quân khét tiếng ngang tàng thời chống Mỹ. Sau ngày giải phóng, dù đã được đưa đi cải tạo và tạo công ăn việc làm nhưng Minh “bớt” vẫn không hướng thiện.

Đầu năm 1980, Minh cùng đồng bọn trộm cắp tài sản bị Công an huyện Quế Sơn bắt giữ và buộc bồi thường cho bị hại. Do không có tiền trả, Minh rủ đồng bọn đi trộm cướp tài sản. Bọn chúng cướp súng đạn của cán bộ xã để làm phương tiện hành động. Đặc biệt, chúng gây bạo loạn, giết 11 người dân vô tội rồi cố thủ trên núi. Dù các đối tượng manh động, liều lĩnh, đang ẩn nấp trên cao nhìn xuống, khả năng bắn tỉa rất tốt nhưng anh Hùng vẫn không do dự. Sau thời gian mai phục, anh cùng đồng đội bắt được Minh “bớt”, đem lại bình yên cho nhân dân.

PHƯƠNG NAM

PHƯƠNG NAM