Rác độc trên đồng ruộng

TRẦN NGUYỄN 18/08/2015 10:22

Phổ biến tình trạng nông dân sử dụng tùy tiện thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), vô tư xả bao bì, chai hóa chất trên đồng ruộng… đã vô tình hủy hoại môi trường sống.

Đi dọc trên đường bê tông dẫn ra cánh đồng lúa giống thuộc khu 2 thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc), đập vào mắt là hình ảnh các chai, vỏ thuốc BVTV vứt nhếch nhác, dù cách đó không xa được trang bị dụng cụ thu gom rác thải nguy hại. Nếu như trước đây thuốc BVTV chủ yếu phục vụ cho cây lúa thì ngày nay được sử dụng phổ biến trên cây trồng, các loại hoa màu. Vì vậy, ruộng canh tác nào cũng ít nhất một lần sử dụng thuốc BVTV. Vào thăm các cánh đồng mẫu lớn ở xã nông thôn mới Tam Phước (Phú Ninh), không khó bắt gặp hình ảnh rác độc vứt bừa bãi. Hiện nay, thị trường tràn lan những loại thuốc độc hại BVTV, nhưng nông dân vẫn tùy tiện sử dụng. Sau khi sử dụng thuốc, phần lớn bà con có thói quen vứt ngay tại ruộng, hoặc xuống các dòng kênh thủy lợi. Đây là nguyên nhân khiến thuốc BVTV trở thành mối đe dọa với môi trường sống và sức khỏe cộng đồng. Kết quả quan trắc gần đây của ngành chức năng cho thấy, một số nơi không xử lý rác thải suốt thời gian dài nên thuốc độc ngấm sâu vào nguồn nước ngầm gây ô nhiễm nặng.

Rác độc trên đồng ruộng. Ảnh: T.NGUYỄN
Rác độc trên đồng ruộng. Ảnh: T.NGUYỄN

Theo ngành nông nghiệp, chỉ tính riêng lượng phân bón hóa học sử dụng bình quân 80 - 90kg/ha, riêng cho lúa là 150 - 180kg/ha, đã làm phát sinh thêm nhiều loại bao bì, túi đựng. Bình quân tổng lượng phân bón vô cơ các loại sử dụng là vào khoảng 2,4 triệu tấn/năm thì sẽ thải ra môi trường khoảng 240 tấn rác thải rắn nguy hại là bao bì, vỏ hộp thuốc các loại. Thực tế, các địa phương đã khắc phục tồn dư thuốc BVTV trên đồng ruộng bằng cách xây dựng các bể thu gom rác thải nhưng vẫn còn rất khiêm tốn, thiếu đồng bộ. Trong khi đó, hệ thống giao thông nội đồng đầu tư hạn chế nên các xe chuyên dụng xử lý môi trường không thể vào để thu gom rác được. Cá biệt một số nơi, do không có kinh phí đầu tư nên bể chứa rác không đạt tiêu chuẩn nên rác thải vẫn gây ô nhiễm ra bên ngoài. Theo Cục Y tế dự phòng về môi trường Việt Nam, mỗi năm có hơn 5.000 trường hợp nhiễm độc hóa chất do thuốc BVTV phải cấp cứu tại các cơ sở y tế và hơn 300 trường hợp bị tử vong. Tại một số huyện miền núi, không ít trường hợp bị ngộ độc do thuốc BVTV. Theo Sở Tài nguyên – môi trường, chính nhờ xây dựng mô hình nông thôn mới, nên chính quyền địa phương rất coi trọng tiêu chí bảo đảm môi trường. Trên đồng ruộng, đặc biệt các cánh đồng mẫu lớn, Nhà nước đã bỏ tiền tỷ xây dựng hệ thống chứa, xử lý rác thải, nhờ thế ít nhiều kiểm soát được. Trong đề án quản lý rác thải nguy hại khu vực nông thôn vừa được UBND tỉnh phê duyệt, thì từ nay đến năm 2020 sẽ được đầu tư đúng mức cho khâu xử lý rác độc trên đồng ruộng.

TRẦN NGUYỄN

TRẦN NGUYỄN