Ưu tư lý luận phê bình trẻ
Lần đầu tiên kể từ năm 1975, Hội nghị những người trẻ viết lý luận, phê bình (LLPB) văn học, nghệ thuật (VHNT) toàn quốc đã được mở. Hội nghị do Hội đồng LLPB VHNT Trung ương tổ chức, diễn ra ở hai khu vực - tại Vũng Tàu vào ngày 23.7 và tại Hà Nội vào ngày 5.8, với sự tham dự của hơn 100 cây bút LLPB trẻ (dưới 45 tuổi) trên cả nước.
Lực lượng LLPB VHNT trẻ hiện nay vẫn còn thiếu và yếu. Trong ảnh: Một số hoạt động liên quan đến LLPB do Hội VHNT Quảng Nam tổ chức. Ảnh: P.C.A |
Người trẻ “đi vắng”
Ở hai điểm Hội nghị, PGS-TS.Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng LLPB VHNT Trung ương đều nêu ra một ý giống nhau trong phần mào đầu. Đó là: Người viết LLPB VHNT trẻ ở nước ta đang cực kỳ khan hiếm. Bằng chứng: Một tháng trước khi tổ chức hội nghị, Hội đồng LLPB Trung ương đã có văn bản gửi hội VHNT các tỉnh, thành phố trong cả nước yêu cầu mỗi nơi đề cử 2 đại biểu dự hội nghị. Tuy nhiên, chỉ trừ các thành phố lớn và những nơi có các trường đại học lớn đứng chân, hầu hết địa phương còn lại đều cho biết tìm được người chuyên viết LLPB VHNT đã khó, tìm ra người viết LLPB dưới 45 tuổi (trẻ) thì càng khó. Kết quả là, nhiều nơi không tìm ra người trẻ để cử đi hoặc chỉ cử được một người, lại chưa phải là người làm LLPB chuyên nghiệp.
Đồng tình với nhận định trên, TS. Phan Tuấn Anh (Đại học Huế) cho biết thêm, rằng những người trẻ làm LLPB chuyên nghiệp như anh hiện rất... cô đơn, vì có quá ít bạn đồng trang lứa. Lứa LLPB trẻ hơn thì càng hiếm, do chương trình ở bậc đại học hầu như không hướng đến việc đào tạo ra những người làm LLPB trong khi hầu hết các bạn sinh viên cũng không sẵn sàng trở thành một nhà LLPB. Từ sự hụt hẫng, thiếu vắng ấy, PGS-TS. Phan Trọng Thưởng, Viện trưởng Viện Văn học tỏ ra lo lắng khi cho rằng hiện tượng người trẻ “đi vắng” đã và đang tạo nên dấu hiệu về một sự đứt gãy thế hệ trong hoạt động LLPB.
“Nỗi sợ” mang tên phê bình...
Theo PGS. Nguyễn Thị Hoa Tranh (Đại học KHXHNV Thành phố Hồ Chí Minh), việc thiếu vắng người trẻ trên “mặt trận” LLPB VHNT, ngoài lý do mất cân đối trong khâu đào tạo thì còn một lý do nữa: Người làm LLPB có quá ít sân chơi, lao động trí tuệ cực nhọc nhưng thù lao thì quá “bèo”. Nhà LLPB Phạm Ngọc Hiền (Đại học Sài Gòn) thì đưa ra so sánh cụ thể hơn: “Bỏ ra một ngày để viết một bài báo đơn thuần có thể nhận được khoản nhuận bút chừng một triệu đồng, trong khi một bài LLPB có khi mất cả tháng trời mới viết xong nhưng không dễ tìm ra chỗ để in, mà nếu may mắn được in thì cũng chỉ được trả năm, bảy trăm ngàn đồng là cùng. Người ta sợ, né LLPB là vì vậy”.
Trong khi đó, theo nhà nghiên cứu Trần Hoài Anh, “nỗi sợ mang tên phê bình” nơi những người trẻ là ở chính họ. Có những người trẻ yêu, say mê làm LLPB nhưng do thiếu trải nghiệm, phông văn hóa còn mờ, tầm tri thức còn hạn chế... đã ngăn cản bước chân của họ. Ngoài ra, đây đó vẫn còn có hiện tượng mất dân chủ, quy chụp, thiếu công tâm trong hoạt động LLPB... đã khiến cho những người trẻ làm LLPB e ngại. Còn theo TS. Phan Tuấn Anh, người trẻ không dám theo nghiệp LLPB là bởi lĩnh vực này “sòng phẳng một cách nghiệt ngã”. Anh nói: “LLPB là một nghề nguy hiểm. Trong khi sáng tạo văn chương thường được đánh giá hay hoặc dở thì LLPB được nhìn nhận đúng hoặc sai. Dở thì không chết ai, nhưng sai thì chắc chắn là chết đứng luôn”.
Ở một hướng khác, PGS. Đào Duy Quát, Phó Chủ tịch Hội đồng LLPB VHNT Trung ương, cho rằng LLPB trẻ hiện nay “đáng sợ” ở chỗ việc ứng dụng, khai thác các khuynh hướng phê bình mới trên thế giới vào Việt Nam chưa nhuần nhuyễn và thiếu chọn lọc. Cạnh đó, hiện tượng phê bình báo chí với những biểu hiện thương mại hóa lấn át phê bình chuyên nghiệp đang trở nên phổ biến hơn. Nhà LLPB Nguyễn Hòa, Vụ trưởng Vụ LLPB Báo Nhân Dân, thì nói thêm: “Bản lĩnh nghề nghiệp, khả năng nói không với PR ở khá nhiều nhà LLPB trẻ chưa cao. Người ta sợ, không tin vào LLPB nữa một phần là vì lý do đó...”.
PHAN CHÍ ANH