Người vẽ phố trong cõi nhớ
Có một người dường cầm cọ vẽ từ thuở “tóc thơ còn vương trên đài trán” cho đến khi đã ngoài 60 - tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận” (tuổi 60 - tuổi nghe việc gì tai cũng thuận), làm đủ thứ việc, cũng đã hơn mười lần chuyển chỗ ở, bước “mấy lần đò”, việc chi rồi cũng gắn với nghiệp “làm đẹp”, làm chi vẫn không ngoài việc “vẽ”. Từ vẽ biển hiệu quảng cáo, biểu trưng hàng hóa những năm 70 - 80 thế kỷ trước cho các nhà buôn, hiệu buôn ở phố, đến vẽ trang trí lồng đèn, mặt nạ đồng thời với “vẽ tranh” sau này - khi đã có tiếng là “họa sĩ” của Hội An, của Quảng Nam. Người đó là anh Lê Văn Luyến, họa sĩ Lê Văn Luyến, hay anh em thường gọi tắt là Lê Luyến.
Họa sĩ Lê Văn Luyến sinh năm 1952 tại Hội An, có cha gốc Quảng Bình - cùng làng với Tướng Giáp. Trước 75 anh không thoát khỏi việc mặc áo lính chế độ cũ - dù là lính “vẽ” - theo nghĩa đen. Anh vẽ tranh, vẽ phông, trang trí các sân khấu biểu diễn nghệ thuật. Sau này anh cũng nhờ nghiệp vẽ mà bươn chải mưu sinh trong những năm khó nghèo thời bao cấp, làm hợp đồng, làm cộng tác viên cho ngành văn hóa thị xã, rồi cho phường Sơn Phong - nơi cuối đời anh “neo đậu”. Có thể nói, họa sĩ Luyến sống “đắm đuối” với phố, với những ngõ rêu, những mái ngói nâu trầm, với từng ngọn nắng, cơn mưa, với những cuộc đời lao nhọc dù giới trí thức hay bình dân của phố và anh vẽ bằng cái nhìn nội cảm với chính phận đời mình trong tương quan “đời phố”. Vẽ với anh như một bản năng trời phú.
Là người yêu hội họa, thế hệ chúng tôi sau anh 8 - 9 tuổi thật khó quên những chữ “bảng hiệu” của anh, có chữ biển hiệu anh viết đã hơn 40 - 50 năm mà chủ hiệu mỗi lần tu sửa vẫn nhờ anh “làm như cũ”. Người Hội An xa quê mỗi lần về là nhận ra “chữ ni là chữ của ông Luyến” (trong đó có dòng chữ “Phố cổ Hội An” tiếng Việt kèm tiếng Anh trong các tờ rơi, panneau, affiche… du lịch, bìa đặc san kỷ niệm 50 năm trường Trần Quý Cáp…). Khó mà miêu tả cái “bắt mắt” của cor chữ riêng anh, một cor chữ vừa chân phương, nghiêm cẩn lại vừa thanh thoát, mềm mại, gọi mời.
Cũng là phố đó thôi nhưng trong cái nhìn trẻ, màu phải rực rỡ, hình phải táo bạo, đôi khi phải xô lệch, tung tẩy mới bày biện được nội tâm hưng phấn bên trong người vẽ… Mình già rồi nhưng không bảo thủ, ngay cả như bạn nói - tranh mình chất chứa nhiều hoài niệm, nhưng dần dà bảng màu cũng sáng hơn, mạnh mẽ hơn, không thể cứ mãi “đường xưa lối cũ” mà “cày”… (Họa sĩ Lê Văn Luyến) |
Lê Văn Luyến khởi đi từ tự học, lặng lẽ với những buồn vui đời mình, tranh anh dung dị với những góc phố riêng, khi thì một mái cổ liêu xiêu đẫm nắng chiều, vài khóm hoa ngày chưa xa bờ giậu, khi thì một ngõ về trong im ắng có cảm tưởng hun hút gió, một hẻm khuya, giếng nước, những mảng tường tróc lở “như nhiên”… Anh có một bảng màu trầm lạnh, thanh đạm, phô bày bên trong như một người luôn giấu ký ức chờ ai đó đánh thức. “Mà chẳng phải có chi ghê gớm đâu, mình luôn chú ý đến cảm xúc thật “ép - phê” của hình, của màu, của đường nét, bố cục đó thôi, tranh phải có điểm nhấn” - anh tâm tình theo kiểu rủ rỉ. Thật lạ, tranh phố của anh không có địa chỉ cụ thể góc nào, đường nào mà tranh nào cũng “rặt” Hội An. Cầm chắc rồi, chắc anh chẳng xa lạ gì với Picasso “Vẽ là yêu trở lại”, hiện thực ở anh là cái nhìn tâm tưởng, một cái nhìn chắt lọc thời gian, giàu hoài niệm và cũng thật nhiều hy vọng níu giữ bóng dáng cái đẹp dù mỗi ngày càng nhận ra nó khá mong manh, dễ vỡ.
Mấy năm gần đây, anh vừa sáng tác tranh tham gia triển lãm với anh chị em hội viên chi hội mỹ thuật (Hội văn học - nghệ thuật Quảng Nam) dự các kỳ triển lãm toàn tỉnh, khu vực, vừa vẽ lồng đèn, trang trí các chương trình sự kiện văn hóa - nghĩa là vẫn như xưa - việc gì cũng thể hiện hết “bản năng vẽ” của mình. Anh “về” với tranh cổ động, nhận được giải thưởng toàn quốc với đề tài “Gia đình văn hóa” (2010) giải ba toàn quân về đề tài “Đường Trường Sơn” (2014), có tranh được chọn triển lãm về đề tài “Biển đảo”.
Tranh của Lê Văn Luyến. |
Khi hỏi anh nhận định về tranh của thế hệ trẻ, đặc biệt những người làm mỹ thuật trẻ của Quảng Nam, anh không ngớt dành cho họ nhiều thiện cảm. “Già mà không thay đổi, không chuyển động theo thời cuộc thì khó “chia sẻ” với lớp trẻ - nhất là với cảm quan đương đại. Cũng là phố đó thôi nhưng trong cái nhìn trẻ, màu phải rực rỡ, hình phải táo bạo, đôi khi phải xô lệch, tung tẩy mới bày biện được nội tâm hưng phấn bên trong người vẽ… Mình già rồi nhưng không bảo thủ, ngay cả như bạn nói - tranh mình chất chứa nhiều hoài niệm, nhưng dần dà bảng màu cũng sáng hơn, mạnh mẽ hơn, không thể cứ mãi “đường xưa lối cũ” mà “cày”…” – Lê Luyến ưu tư.
Trong bối cảnh mà hội họa “giá vẽ” hay bị chê cũ - người viết bài này chia sẻ với anh một điều rằng “cái gì đẹp sẽ chẳng bao giờ cũ, chỉ sợ cái mới chưa thực sự là cái đẹp”. “Chúng ta đều mong mỏi ngày càng có nhiều tác phẩm “sắp đặt”, “trình diễn”, “nghệ thuật thị giác”, “mỹ thuật đa phương tiện”… đẹp, giàu thẩm mỹ để tương thích cuộc sống mới mẻ, phù hợp với công chúng hiện tại trong bối cảnh toàn cầu hóa văn hóa… thế nhưng chỉ sợ “làm chưa tới”, có khi cực đoan, tác phẩm rơi vào bí hiểm, không ai hiểu” - như anh đã nói.
Hỏi anh như thế vì biết rằng anh khá “chịu chơi’ với lớp trẻ, ít nhất trong sự “chuyển động” của mỹ thuật đất Quảng nói riêng, cả nước nói chung. Thì anh cùng một số anh em năm nào cũng tham gia vẽ “body-art” (vẽ thân thể) trong các dịp lễ hội Halloween mà một số khách sạn lớn ở Hội An, Đà Nẵng có lời mời đó sao. Anh nói “vấn đề là phạm vi hóa trang còn hạn hẹp, chỉ vẽ mặt, và màn trình diễn chỉ khu trú một số khu vực, một số đoạn phố mà chưa thực sự là lễ hội “body-art” đường phố. Mình vẫn mong loại hình này sẽ phổ biến để du khách biết thêm, sống thêm với ‘‘tay nghề”, tác phẩm “vẽ thân thể” của người đất Quảng”.
Anh có người con trai theo nghiệp vẽ, đang có nhiều giải thưởng trong tỉnh, toàn quốc - họa sĩ Lê Nguyên Chính. Khi được hỏi “anh có hạnh phúc không?” thì anh cười hiền “vừa hạnh phúc, vừa lấn cấn, giá như không cùng giới vẽ, đánh giá nhau… thoải mái hơn”. Làm chi có chuyện “giá như” anh ơi, nhà có nhiều “nghệ sĩ” càng vui…
Đến thăm thì anh đang vẽ, vẽ mực Nho trên lồng đèn bọc lụa trắng, mỗi sản phẩm, phố mỗi khác với hàng chục kiểu dáng như thể phố từ tâm tưởng, ký ức anh “bày” ra, phố nào cũng trầm tư, cũng náo hoạt, giàu chất “thủy mạc” mới lạ. Anh nói “lồng đèn xuất cảnh đây, vẽ không kịp”. Chẳng khi nào anh nói “lấy ngắn nuôi dài”, để tâm phân biệt giữa mỹ nghệ và mỹ thuật.
Đang thủ thỉ chuyện trò, như sực nhớ điều chi, anh đứng dậy bảo tôi “Đông cứ ngồi chơi, đợi mình chút xíu, mình đi mua cháo, đang chăm ông già, quá 90 rồi, nằm một chỗ…”. Thì ra, mọi việc cứ “sự sự vô ngại” như rứa, chẳng một kể lể, phân bua, đa sự.
Chia tay anh. Chiều lây phây cơn mưa muộn. Có giọng trầm khàn. Có tiếng guitar bập bùng. Anh hát tiễn - một bài hát Phú Quang phổ thơ “…Đưa em vô quán thời gian - trăm ly ký ức, uống làn hương xưa - đưa em vào quán không mùa…”. Dường có ai đó thầm nói vào tai tôi rằng “Gừng vẫn còn cay”…
PHÙNG TẤN ĐÔNG