Mỹ thuật Quảng Nam: Cuộc chơi với chính mình

SONG ANH 15/08/2015 09:03

Một số nghệ sĩ điêu khắc, họa sĩ xứ Quảng ví mỹ thuật Quảng Nam như cuộc chơi với chính mình. Bởi lẽ thị trường mỹ thuật tại vùng đất giàu có về văn hóa vẫn còn khá im vắng…

Các họa sĩ tại Triển lãm Mỹ thuật Quảng Nam lần thứ Ii (tháng 3.2015).                                                                                                Ảnh: HIỂN TRÍ
Các họa sĩ tại Triển lãm Mỹ thuật Quảng Nam lần thứ Ii (tháng 3.2015). Ảnh: HIỂN TRÍ

Nhân Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung – Tây Nguyên lần thứ XX sắp diễn ra tại Quảng Nam từ 18.8 đến 27.8, chúng tôi thử làm cuộc tìm hiểu về thị trường tranh cũng như các sân chơi chuyên nghiệp cho giới mỹ thuật đất Quảng.  Không tránh khỏi thực trạng đìu hiu chung của mỹ thuật cả nước, dù khởi đi những tín hiệu vui từ lớp người trẻ, nhưng giới hội họa Quảng Nam cũng khá chật vật để tìm cho mình chỗ đứng.

Chưa có thị trường

Tự bỏ tiền túi để sáng tác, có khi mỗi tác phẩm lên đến hàng chục triệu đồng, các tác giả vẫn “chịu chơi” để đi đến cùng với cảm xúc của mình. Chia sẻ về kinh phí đầu tư cho giới mỹ thuật, ông Nguyễn Văn Hàm, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Quảng Nam, thừa nhận, các tác giả tự thân là chính. “Chương trình mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ hàng năm tài trợ cho các Hội VHNT khoảng 400 triệu đồng, chia ra cho nhiều chi hội trực thuộc Hội VHNT. Muốn tổ chức triển lãm thì phải xin thêm ngân sách của tỉnh, như mới Triển lãm Mỹ thuật tỉnh lần II (tháng 3.2015), chúng tôi phải xin kinh phí từ nhiều nguồn. Khác với các bộ môn nghệ thuật khác, mỹ thuật là một cuộc chơi khá tốn kém” - ông Nguyễn Văn Hàm nói. Hiện tại chi hội Mỹ thuật Quảng Nam có 33 hội viên, trong đó có 8 hội viên Trung ương. Với những hội viên thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam, khi có tác phẩm tham gia ở những triển lãm khu vực, quốc gia thì sẽ nhận thêm khoản hỗ trợ từ phía Trung ương. “Tuy nhiên, mọi thứ lại không thấm vào đâu” - ông Hàm chia sẻ.

Nói chuyện tiền bạc với giới nghệ sĩ khá nhạy cảm, bởi lẽ lâu nay, khi đã dấn thân vào cuộc chơi hội họa, họ đã xác định “lấy ngắn nuôi dài”. Mỗi người mỗi nghề để nuôi đam mê. Mỹ thuật Quảng Nam có một “thị trường” khá phát triển tại TP.Hội An, khi một số họa sĩ ở đây mở phòng triển lãm – gallery cá nhân, vừa “kinh doanh” tranh vừa có không gian sáng tác. Gần 2/3 số lượng hội viên của Chi hội Mỹ thuật sinh sống tại Hội An, với các ngành nghề khác nhau, ít nhiều liên quan đến mỹ thuật. Nhưng số lượng gallery của hội viên mỹ thuật Quảng Nam lại đếm trên đầu ngón tay, khi có chưa đến 5 phòng tranh cá nhân. Một họa sĩ chia sẻ, khoảng chừng 10 năm về trước, “bán” tranh có thể sống được, còn bây giờ, rất khó để nói về thị trường tranh tại đây. Và khá thú vị khi phần lớn tranh của các họa sĩ trưng bày tại Hội An đều được bán cho người nước ngoài, người Việt rất ít chơi tranh với phong cách đương đại. Một điều lạ với thị trường tranh tại Hội An, khi những năm gần đây, các họa sĩ người nước ngoài đến phố cổ và tham gia với giới hội họa tại đây bằng những dòng tranh dùng chất liệu cổ truyền của Việt Nam. Họ được đón nhận với thành ý cao từ giới chuyên môn và những người yêu mỹ thuật cả nước. Trong khi đó, các hội viên mỹ thuật sinh sống và làm việc tại các địa phương khác, lại “chơi” nghệ thuật thường xuyên bằng cách hướng dẫn cho các em thiếu nhi tiếp cận mỹ thuật, “luyện gà” cho các hội thi mỹ thuật thiếu nhi hàng năm.

Lịch sử hội họa xứ Quảng hình thành từ khá lâu, mạnh nhất là dòng tranh cổ động khá phát triển vào những giai đoạn kháng chiến, sau này, những dòng tranh theo phong cách đương đại cũng dần định hình, bắt kịp với xu thế cả nước. Tuy nhiên, từ sau ngày tái lập tỉnh, hơn 15 năm qua, trong khi thị trường tranh tại Đà Nẵng đã có những bước đi dài để kịp các thành phố lớn, trở thành nơi tụ hội khá thường xuyên của giới mỹ thuật cả nước, thì Quảng Nam vẫn chỉ là một tỉnh lẻ, cả trong sự phát triển lẫn quan tâm dành cho mỹ thuật.

Chờ những sân chơi

Tình trạng im vắng của mỹ thuật không chỉ ở riêng Quảng Nam. Ông Vi Kiến Thành, cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm - Bộ VH-TT&DL, cho biết trên thực tế, việc phát triển thị trường mỹ thuật trong nước gặp nhiều khó khăn, dù trong quy hoạch phát triển ngành mỹ thuật đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có nội dung thành lập bảo tàng mỹ thuật đương đại ở Hà Nội và 5 bảo tàng mỹ thuật ở các thành phố lớn. “Thủ tướng vừa ban hành nghị định về mỹ thuật do chúng tôi xây dựng, quy định tất cả công sở nhà nước khi xây dựng công trình văn hóa, công sở, công trình công cộng phải có đầu tư một tỷ lệ nhất định làm đẹp cho công trình bằng tác phẩm mỹ thuật... Tuy nhiên, dù có chính sách gì đi nữa, trong điều kiện phần lớn coi mỹ thuật như “dưa cà mắm muối’ trong một mâm cỗ thì sẽ rất khó để mỹ thuật phát triển” - ông Vi Kiến Thành chia sẻ.

Quang cảnh Lễ trao giải thưởng Mỹ thuật Quảng Nam lần thứ II - năm 2015.                  ẢNh: HIỂN TRÍ
Quang cảnh Lễ trao giải thưởng Mỹ thuật Quảng Nam lần thứ II - năm 2015. Ảnh: HIỂN TRÍ

Khoảng chừng 5 năm trở lại, Quảng Nam được xếp vào danh sách các địa phương có nghệ thuật điêu khắc phát triển của miền Trung khi liên tiếp có những tác phẩm lọt vào vòng chung khảo và đạt giải của sân chơi điêu khắc cả nước. Nhưng cũng như hội họa, khi một bức tranh sơn dầu hoàn thiện mất chừng 10 triệu đồng, thì một tượng điêu khắc thành hình phải mất đến gần 70 triệu đồng. Mọi chi phí đều do tác giả bỏ tiền túi. Mới đây, Bảo tàng Đà Nẵng mua lại một bức tượng đồng của Nguyễn Văn Huy bằng với chi phí khi anh đúc tượng. Một số nghệ sĩ điêu khắc khác của Quảng Nam cũng được các cơ quan văn hóa tại TP. Đà Nẵng ngỏ ý mua lại các bức tượng, phù điêu được giải trong các triển lãm khu vực. Trông người mà ngẫm đến ta, khi Bảo tàng tỉnh Quảng Nam, dù đã đi vào hoạt động với quy mô khá hoành tráng, vẫn chưa có động thái để “giữ” lại những tác phẩm nghệ thuật của “xứ mình”. Hội họa cũng không hơn khi các bức tranh được giải trong các triển lãm của tỉnh hay khu vực đều được bán cho tư nhân hoặc tác giả mang về… cất.

Hơn 15 năm tách tỉnh, Quảng Nam chỉ mới tổ chức được hai lần triển lãm toàn tỉnh. Với Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung – Tây Nguyên sắp tới, Quảng Nam đăng cai lần thứ 3. Tổng số tác phẩm tham dự triển lãm lần này lên đến 204 tác phẩm của 185 tác giả ở các tỉnh nam miền Trung và Tây Nguyên. Hy vọng ở sân chơi với quy mô khá lớn này, Quảng Nam sẽ gặt hái được nhiều thành công, đáp lại kỳ vọng của những người yêu mỹ thuật xứ Quảng.

SONG ANH

SONG ANH