Từ mái gươl Aréh

Ghi chép của THÀNH CÔNG – ALĂNG NGƯỚC 15/08/2015 06:49

Trong rất nhiều cuộc đi của chúng tôi về hướng núi, thi thoảng lại nhói lên niềm tiếc nhớ khi ngôi làng mình từng đặt chân đến lặng lẽ biến mất một mái lá, một nếp nhà. Hay tệ hơn, là những gươl làng bị thay thế bởi nhà sinh hoạt cộng đồng bằng bê tông xám ngắt.

Vậy nên, khi trở lại Aréh, ngôi làng của xã Tà Lu (huyện Đông Giang) chỉ cách quốc lộ 14G vài trăm mét, mới thấy trân quý khoảng trời giản dị, yên bình của dân làng từ khi mở đất đến nay…

Aréh – một trong những ngôi làng còn giữ được nét ban sơ truyền thống của người Cơ Tu ở Đông Giang.
Aréh – một trong những ngôi làng còn giữ được nét ban sơ truyền thống của người Cơ Tu ở Đông Giang.

Khoảng trời riêng

P’rao, thị trấn nhỏ nằm trên trục đường Hồ Chí Minh huyền thoại bắt đầu bừng tỉnh bằng những quy hoạch mở rộng đường sá, trụ sở. “Phố núi” đã bắt đầu thức khuya hơn, khi khách du lịch và những dịch vụ kéo theo nở rộ. Ngay cả thôn Đhrôồng cách thị trấn chừng dăm bảy cây số cũng không còn xa lạ với khách Tây, khách ta đến lưu trú, ở lại khám phá văn hóa người bản địa. Riêng Aréh và dân làng vẫn lặng lẽ nép mình ở đó, cách những ồn ào chớm rộ kia chỉ chừng vài trăm mét. Những đứa trẻ vẫn ra thị trấn đi học, nông sản đến chợ sớm ở trung tâm phố huyện và con đường dẫn vào Aréh cũng đã được đổ bê tông, nhưng nhìn sợi khói vương vất trên những căn bếp lợp lá quanh làng, chừng như Aréh vẫn quen với nếp làng ngày cũ.

Ngày cũ, là khoảng chừng 40 năm, kể từ khi dân làng dừng lại lập làng đến nay. Còn trước đó là hành trình du cư, du canh của biết bao nhiêu thế hệ người Cơ Tu dưới những cánh rừng già. Già Alăng Giôr kể, như rất nhiều làng của người Cơ Tu khác, cái tên Aréh được chọn vì đó là tên của ngọn núi nơi làng đóng chân. Đóng chân và dừng lại, như một trang mới của cuộc thiên di qua bao thế hệ, bao nhiêu bận dời làng theo rẫy sau quyết định của vị già làng. Có những căn nhà đã qua hàng chục lần lợp lại, hoặc chen chúc thêm vài nóc nhà khi có cặp vợ chồng nào đó ra ở riêng, nhưng cấu trúc hình cánh cung bao quanh gươl làng vẫn vậy. Và gươl làng còn đó, mái lá vươn cao chính giữa như trái tim của làng. Tôi nhớ, có lần một vị già làng ở Đông Giang từng phản ứng với tôi rằng, các ông được ở nhà xây, được ăn được ngủ mà không bị dột ướt, sao cứ muốn chúng tôi phải ở gươl làng lợp lá? Ai lên rừng lấy lá, ai ngồi đan cả tháng trời để lợp, rồi vài năm sau lại hư hỏng, lại dột, sức đâu mà sửa mãi. Đó là sự gay gắt của ông khi tôi thắc mắc tại sao không lợp lá nhà gươl cho đẹp, cho “truyền thống”. Nghĩ lại, ngay cả tuổi thơ mình cũng sống ở nhà tranh, cũng vách lồ ô đan chằng chịt lỗ để nắng rọi khắp nhà, mà khi có điều kiện hơn, được mấy người muốn dựng lại mái nhà kỷ niệm ấy? Lý lẽ của vị già làng chừng hơi xa xót trong cơn lốc giao thoa văn hóa dữ dội của thời hiện đại, nhưng cứ thấy đâu đó có bóng dáng của mái lá gươl làng, lòng vẫn vui đầy ích kỷ. Như lúc đứng ở làng Aréh, nhìn một nhà gươl rất thật, rất “chuẩn” hiện hữu trước mắt mình, không khỏi giấu được niềm thích thú. Những mái gươl như thế này còn ít lắm. Ít dần như những chiếc váy thổ cẩm, những chiếc khố trong lễ hội truyền thống của người Cơ Tu bây giờ…

Chúng tôi theo già làng vào trong gươl. Mát rượi. Sàn được lát gỗ, nhưng là những thanh gỗ được pha mỏng bằng đường kính của một thân cây lồ ô khá cầu kỳ. Bếp lửa vẫn còn ấm. “Làm thế này, để giữ sạch sàn nhà, vì đất bụi được gạt rơi xuống những khe hở hết. Ngày xưa sàn nhà thường được làm bằng tre là vì thế. Mình làm gỗ để lâu hư hỏng, nên theo cách làm của sàn tre ngày xưa” - già làng Alăng Giôr lý giải. Giữa nhà, thân cột chính đã ám khói đen bóng. Gươl làng Aréh từng bị hư hỏng nặng. Xã hỗ trợ được đâu chừng chục triệu đồng, vậy là dân làng cùng nhau đi lấy lá, lấy dây mây về đan lợp, mỗi hộ được giao khoán 60 tấm lá cọ. Riêng gỗ, vì phải thuê người cưa xẻ và đưa về làng, nên họ tình nguyện trích tiền từ nguồn giao khoán bảo vệ rừng của các nhóm hộ, rồi chung sức tu sửa. Chợt nhớ hình ảnh của gươl làng A Sờ. Người dân A Sờ (xã Ma Cooih) còn đông hơn làng Aréh. Nhưng dấu vết của gươl cũ chỉ còn là những cột gỗ mục ruỗng nằm giữa bãi cỏ may ngập đầu gối…

Bên trong gươl làng Aréh.
Bên trong gươl làng Aréh.

Giữa những ban sơ

Làng Aréh tựa lưng vào núi. Cấu trúc cố hữu của những bản làng người Cơ Tu theo lối xưa là thế, một cánh cung đầy bảo bọc. Trong cái vòng kim cô huyền nhiệm ấy, có những mùa đói, những năm tháng giáp hạt nhọc nhằn với sắn, với củ mài, họ vẫn sống và chở che nhau. Ăn chung, ở chung, có được con thú rừng là tiếng ch’gâr (trống) lại ngân vang. Cuộc vui dài suốt đêm, hát lý, nói lý, nhảy múa, chia nhau những miếng thịt đặt trên tấm lá chuối vuông. Giờ vẫn vậy. Trưởng thôn Alăng Dên chỉ cho chúng tôi những chiếc sọ heo rừng, trâu bò giắt đầy trên vách, là “chứng tích” của hàng trăm cuộc vui đã trải qua từ khi lập làng. Trong số đó, có những cuộc vui chung, ghi nhớ lần kết nghĩa của làng Aréh với hai ngôi làng lân cận: Pà Nai và Đhrôồng. Dên kể, Aréh kết nghĩa anh em với làng Pà Nai từ rất lâu. Nhưng với Đhrôồng, là làng mới của những người Cơ Tu thượng từ biên giới Lào chuyển về thì vẫn có một thời gian dài xa lạ. Sự xa lạ ấy bắt nguồn từ ký ức đau buồn của cuộc chiến “têng brâu” (săn máu) kéo dài hàng chục năm khắp các cánh rừng. Năm tháng phần nào phai phôi đi nỗi đau, nhất là khi người Cơ Tu đồng lòng theo cách mạng, nhưng những ám ảnh vẫn còn hiện hữu. Vì ám ảnh, nên khi trai gái giữa hai làng lấy nhau, người Cơ Tu vẫn phải giết một con chó, lấy máu rải lên hàng sỏi để những người làng khác bước qua. Hàng sỏi như một lằn ranh khó chịu trong lòng dân làng Aréh. Vậy là già làng họp, đại diện làng sang Đhrôồng xin kết nghĩa anh em. Lễ kết nghĩa diễn ra vào năm 2002, với đầy đủ dân hai làng. Họ giết bò, uống rượu cần, hát về tình đoàn kết, rằng từ đây không còn xa lạ, không còn thù hằn, cùng về dưới một mái nhà như anh em ruột thịt. “Hồi trước, trai làng Aréh muốn lấy gái làng Đhrôồng phải nộp một con heo trắng, một con gà trắng cho làng, rồi mới được đến nhà sui gia để xin cưới. Giờ thì hết rồi, trai gái yêu nhau, lấy nhau bình thường, không còn khó khăn như trước nữa” - già Alăng Giôr nói.

Chúng tôi ngồi ở gươl, nghe già làng rầm rì kể chuyện. Ông vừa kể, vừa lục tìm ký ức qua những chiếc sọ trâu, sọ heo trên mái nhà. Người già hay chuyện, những người như ông Giôr, gắn bó với khoảng không gian sống của làng mình, càng nhớ rõ và kỹ từng nhà, từng người trong làng qua năm tháng. Cách kể chuyện của ông già cũng lạ, cứ trầm trầm như lối sống giản dị, ban sơ của làng Aréh này. “Lại thêm một mùa rẫy nữa rồi” - ông già vừa nói, vừa chỉ tay về khoảng sân ngoài cửa gươl: một amế địu cháu đang đều tay trộn những hạt lúa đang phơi trên những chiếc nong, vàng ươm…

Ghi chép của THÀNH CÔNG – ALĂNG NGƯỚC

Ghi chép của THÀNH CÔNG – ALĂNG NGƯỚC