Tình người nơi biển khơi

XUÂN KHÁNH 14/08/2015 08:54

Ngày 11.8, vài ngày sau khi trở về từ vùng biển Trường Sa, thuyền trưởng Lê Đức Rí và 46 thuyền viên tàu cá QNa-94545 ở thôn Bình Tân, xã Bình Minh (Thăng Bình) được UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã dũng cảm cứu tàu cá Quảng Ngãi bị nạn trong sóng dữ.

CHIỀU 12.8, tại nhà của thuyền trưởng Lê Đức Rí ở thôn Bình Tân, chúng tôi chứng kiến cuộc trùng phùng đầy xúc động của ngư dân Quảng Ngãi bị nạn với ân nhân của mình.

Gần 10 giờ “vật” sóng dữ cứu bạn

Ngư dân Lê Đức Rí cho biết, do cùng hành nghề câu mực khơi nên giữa hai tàu cũng có biết nhau từ trước. Chiều 16.6, ông Đỗ Mai Tấn (xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) chủ tàu QNg-95429 cũng là thuyền trưởng, qua bộ đàm đã thông báo cho ông Rí biết tàu mình bị chết máy. Lúc này 2 tàu chỉ cách nhau vài hải lý. Biển lúc đó có gió lớn và mưa. Tối hôm đó ông Tấn tiếp tục liên lạc và cho ông Rí biết máy tàu vẫn chưa sửa được. Khuya, bất ngờ biển nổi lốc xoáy đánh chìm tàu QNg-95429. Ông Tấn đã kịp thời điện đàm báo cho ông Rí biết tin trước khi tàu chìm hẳn. Nhận tin tàu bạn gặp nạn, ông Rí họp khẩn 46 thuyền viên trên tàu, thống nhất đi cứu bạn.

Thuyền viên tàu QNa-94545 và QNg-95429 gặp nhau ngày 12.8 tại nhà ông Lê Đức Rí. Ảnh: XUÂN KHÁNH
Thuyền viên tàu QNa-94545 và QNg-95429 gặp nhau ngày 12.8 tại nhà ông Lê Đức Rí. Ảnh: XUÂN KHÁNH

Do thời tiết quá xấu nên đến khoảng 3 giờ sáng 17.6, tàu ông Rí mới đến được nơi tàu bị nạn. Tuy nhiên, vùng biển vị trí tàu ông Tấn bị chìm sóng rất to và gió rất mạnh nên ông Rí phải cho tàu mình giằng neo nơi biển động nhẹ hơn, cách tàu gặp nạn khoảng 100m. Sau đó, thuyền viên tàu ông Rí mới bơi thúng đi cứu nạn. “Mình phải giằng neo tàu ở xa, vì nếu đến gần lỡ sóng gió đánh chìm tàu mình luôn thì anh em hai tàu cùng chết hết. Nói thật, lúc đó anh em đi cứu bạn cũng trong tâm thế cái chết cập kè. Hình dung mà xem, cái thúng chai chút xíu làm sao chống chọi nổi sóng đang cấp 8, cấp 9” - thuyền trưởng Rí chia sẻ. Ngư dân Trần Hoa (38 tuổi, thôn Bình Tân) kể: “Sóng to quá, bốn năm anh em trên chiếc thúng thay phiên nhau chèo. Chỉ cách có trăm mét mà phải mấy chục phút, có thúng mất cả tiếng đồng hồ mới đến nơi tàu anh Tấn chìm. Từ 3 giờ sáng, đến gần 11 giờ trưa chúng tôi mới cứu hết 32 ngư dân tàu Quảng Ngãi gặp nạn”.

Ngư dân Trần Trung (phải) bên ngư dân Nguyễn Tấn Sương - một trong 47 ân nhân của mình.
Ngư dân Trần Trung (phải) bên ngư dân Nguyễn Tấn Sương - một trong 47 ân nhân của mình.

Nhường cơm sẻ áo

Vào thời điểm chiến đấu với hiểm nguy để chờ bạn cứu, thuyền viên tàu QNg-95429 chỉ biết bấu víu vào giàn phơi mực. Có ngư dân bị sóng đánh thanh gỗ đập vào người làm gãy xương sườn. Ông Đỗ Mai Tấn nói: “May có tàu cá của anh Rí đến cứu chứ không là thuyền viên tàu tôi “đi” hết. Cha mẹ sinh chúng tôi lần một, anh em tàu anh Rí sinh chúng tôi lần hai. Nhờ các anh mà vợ con chúng tôi không góa chồng, mồ côi cha”. Sau khi qua hiểm nguy, 79 ngư dân của hai tàu đều đuối sức, nhất là 32 ngư dân tàu bị nạn phải ngâm mình nhiều giờ liền trong nước biển lạnh và liên tục bị sóng đánh nhồi. Mặc dù khá mệt, thuyền viên tàu QNa-94545 vẫn cố gắng sơ cứu vết thương, thoa dầu nóng cho thuyền viên tàu bạn, rồi nhường quần áo khô cho mặc. Khi tình hình tạm thời ổn định, phần vất vả nhất là 2 “anh nuôi” Tô Hồng Phương (20 tuổi, thôn Bình Tân) và Lê Đức Sang (23 tuổi, con trai út của ông Rí) bởi phải liên tục nhiều giờ nấu cơm cho cả tàu ăn. Phương nhớ lại: “Nấu xong nồi đầu tiên, mọi người thống nhất nhường cho bạn ăn trước, vì anh em bên ấy ai cũng đã sắp lả đi. Phải nấu 4 nồi, mỗi nồi 12 tô gạo mới đủ cơm cho 79 người ăn, đó là chưa nói đến chuyện nấu thức ăn”. Anh Sang cho biết thêm: “Sóng to làm tàu lắc lư mạnh nên phải hơn cả tiếng đồng hồ mới chín được nồi cơm. Giờ nghĩ lại mới thấy khổ, chứ lúc ấy có nghĩ gì, cứ lo có cơm cho anh em ăn ấm bụng”. Nhớ lại cảnh được 47 ân nhân nhường cơm sẻ áo, ngư dân Trần Trung (46 tuổi, xã Bình Dương, Bình Sơn, Quảng Ngãi) không khỏi xúc động: “Nếu không nhờ anh em tàu Quảng Nam cứu, có lẽ không ai trong chúng tôi còn ngồi được đây. Lên tàu, chúng tôi còn được anh em nhường quần áo khô, nhường ăn cơm trước, xức thuốc, xoa dầu… khiến ai nấy rưng rưng nước mắt. Hoạn nạn giúp nhau đã quý. Cái tình người này ở biển khơi càng quý giá biết bao!”.

Trắng tay sau cứu nạn

Thuyền trưởng Lê Đức Rí cho biết, phí tổn cho chuyến biển của tàu ông hết 500 triệu đồng. Vào thời điểm cứu nạn, tàu đã thu được nguồn hải sản trị giá khoảng 200 triệu đồng. Tuy nhiên, khi cứu nạn, tàu của ông bị sóng đánh rớt hơn 2 tấn mực. Sau đó, để bảo đảm an toàn tải trọng, ông đã phải bỏ thêm mấy tấn mực khô xuống biển cho nhẹ tàu. Ngoài giàn phơi mực bị hư hại, một tua lái bị gãy, hết khoảng 700 lít dầu… ước tính thiệt hại khoảng 200 triệu đồng. Cũng vì thiệt hại, nên sau khi bàn giao 32 ngư dân bạn cho tàu hải quân đưa vào đất liền, tàu ông Rí vẫn ở lại đánh bắt mong kiếm thêm tiền bù thiệt hại. “Nhưng do giàn phơi, vật dụng câu mực cũng như các thiết bị trên tàu bị sóng đánh hư nên cũng không làm được nhiều. Chúng tôi mới chia tiền, tính ra anh em mỗi người được 7 - 9 triệu đồng. Hơn 80 ngày lênh đênh trên biển mà chỉ thu được chừng ấy, ai cũng lỗ nặng” - ông Rí nói.

Ông Rí còn cho biết, sau khi về, tàu ông neo ở cảng Chu Lai, cần khoảng 150 triệu đồng để tu sửa, nhưng chưa có tiền. Tỉnh có tặng bằng khen, nhưng tại thời điểm làm việc với phóng viên vào chiều 12.8, tổng tiền khen thưởng cho cá nhân ông Rí và tập thể tàu QNa-94545 vừa được nhận vào ngày 11.8 chưa tới 4 triệu đồng. Trong khi tổng thiệt hại của tàu khoảng 350 triệu đồng. Gặp ân nhân của mình, ông Tấn ngỏ lời muốn san sẻ một ít tiền nhưng ông Rí và thuyền viên kiên quyết không nhận. “Tàu họ chìm, mất mấy tỷ bạc, mình nhận sao được. Vả lại lúc ấy mình cứu người vì tình, vì nghĩa” - ông Rí nói, nhẹ như không.

XUÂN KHÁNH

XUÂN KHÁNH