Ngang nhiên phá hoại trại ong

TRẦN HỮU 14/08/2015 08:35

Thêm một trại nuôi ong của doanh nghiệp bị người dân địa phương đập phá trái phép, dù các cơ quan chuyên môn đã nhiều lần khẳng định, nuôi ong không gây tác hại đến môi trường.

Thiệt hại nặng

Trong đơn gửi Báo Quảng Nam, ông Lê Lộc Quân, trưởng nhóm nuôi ong mật thuộc Công ty CP Ong mật TP.Hồ Chí Minh trình bày, liên tiếp trong những ngày qua, trại nuôi ong của công ty tại xã Tam Sơn (Núi Thành) bị hàng chục thanh niên ập đến phá hoại tài sản và đàn ong. Cụ thể, lúc 5 giờ 30 phút ngày 8.8, khoảng 40 người kéo đến đuổi, đập phá, xịt thuốc diệt muỗi vào thùng nuôi ong ở 3 trại ong tại Tam Sơn. Ngày 9.8, khoảng 50 người kéo đến đập phá, tiêu diệt đàn ong và nói, nếu không di dời trại ong, sẽ tiếp tục đập phá. Ngày 12.8, nhiều đối tượng tiếp tục đe dọa trại ong. “Nhóm người dân ở nhiều thôn trên địa bàn đến đập phá lều trại, thùng nuôi ong mật, đem thuốc xịt côn trùng vào làm nhiều đàn ong ngoi ngóp. Chỉ vài người dân địa phương không ủng hộ việc làm ăn của chúng tôi mà đến phá rối. Thiệt hại sơ bộ khoảng 30 triệu đồng” - ông Quân bức xúc nói.

Hiện trường trại ong bị đập phá. Ảnh:TRẦN HỮU
Hiện trường trại ong bị đập phá. Ảnh:TRẦN HỮU

Có mặt tại trại nuôi ong của ông Quân tại thôn Đức Phú (xã Tam Sơn), chúng tôi tận mắt thấy nhiều thùng ong mật bị hư hại, bể nát. Tại hiện trường, còn sót lại chai thuốc xịt côn trùng của các đối tượng gây ra. Ông Phạm Đắc Hùng - Trưởng Công an xã Tam Sơn cho biết: “Mấy hôm nay có trên 20 người dân và 15 phụ nữ đến các trại ong nuôi lấy mật để đập phá, làm hư hại một số thùng ong của ông Lê Lộc Quân và ông Hồ Ngọc Hùng. Công an xã gặp gỡ trực tiếp các đối tượng và giải thích cho họ hiểu nên họ đã ra về”.

Ông Lê Lộc Quân khẳng định, nhóm đối tượng bị kích động phá hoại vì họ cho rằng, đàn ong làm thất bát mùa màng. “Nhiều người không có ruộng sản xuất cũng vào đập phá. Từ ngày nuôi ong đến nay, các vụ canh tác lúa của người dân vẫn bình thường, có mất mùa gì đâu. Trại ong được các cơ quan chức năng khuyến khích phát triển” - ông Quân nói thêm.

Đi ngược chủ trương?

Đề cập việc người dân cho rằng, nuôi ong làm hại cây trồng, ông Nguyễn Văn Tân - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh quả quyết: “Con ong không làm hư hại cây trồng hay làm giảm năng suất lúa”. Trong một văn bản do ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT ký (số 999/SNN&PTNT-KT, ngày 17.6.2014) khẳng định, nuôi ong mật là nghề truyền thống có từ lâu tại nhiều địa phương trong cả nước, tạo công ăn việc làm và thu nhập cao cho nông dân. Bên cạnh đó, nuôi ong mật còn có lợi, tạo điều kiện cho cây trồng thụ phấn, thụ tinh, nhất là với các loại cây trồng thụ phấn khác hoa. Việc một số thông tin cho rằng ong mật gây hại cho cây trồng là không chính xác, thiếu thực tiễn và khoa học. Nghề nuôi ong mật được Bộ NN&PTNT khuyến khích phát triển, được đưa vào chương trình khuyến nông Trung ương trọng điểm giai đoạn 2013 - 2020 của Bộ NN&PTNT. “Chính quyền cần tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư nuôi ong mật” - văn bản nêu. Tương tự, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Hoàng Thanh Vân cũng kết luận: “Ong mật là loài vật nuôi đang được khuyến khích nhân rộng, có tác dụng tốt đối với quá trình thụ phấn của cây trồng”.

Quan điểm của lãnh đạo tỉnh và ngành nông nghiệp là khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp nuôi ong mật. Cụ thể, đầu năm 2015, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn đã ký văn bản tạo điều kiện cho doanh nghiệp nuôi ong. Theo đó, đề nghị chính quyền các huyện Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Phước Sơn, Hiệp Đức, Thăng Bình, Quế Sơn, Nông Sơn và Núi Thành tạo điều kiện xem xét cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân triển khai nuôi ong trên địa bàn huyện theo đúng quy định và hướng dẫn của ngành nông nghiệp. Chủ trương của lãnh đạo tỉnh, ngành nông nghiệp là vậy, nhưng chính quyền xã Tam Sơn thì không muốn phát triển đàn ong, ra văn bản buộc các trại ong phải dời ra khỏi địa bàn. Cụ thể, ngày 23.7.2015, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Sơn - ông Lê Bá Tri đã ra “tối hậu thư” bằng văn bản (số 27/UBND) yêu cầu di chuyển trại nuôi ong ra khỏi địa phương. Văn bản này yêu cầu gần 20 trại nuôi ong lấy mật di chuyển ra khỏi địa bàn xã Tam Sơn trước ngày 30.7.2015. Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Huỳnh Hùng - Chủ tịch UBND xã Tam Sơn đưa ra lý do yêu cầu trại ong rút khỏi địa bàn là vì… doanh nghiệp không làm việc, báo cáo với địa phương (!).

Rõ ràng, chính quyền xã Tam Sơn hoàn toàn không ủng hộ phát triển đàn ong. Việc UBND xã Tam Sơn cương quyết buộc các trại nuôi ong di chuyển ra khỏi địa bàn với những lý do hết sức mù mờ là thiếu thuyết phục, đi ngược lại chủ trương phát triển đàn ong của ngành nông nghiệp và lãnh đạo tỉnh. Báo Quảng Nam sẽ thông tin tiếp vụ việc này.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU