Sáng kiến phòng chống bão cho cao su
Xã Bình Phú (Thăng Bình) có 42ha cao su, chủ yếu do người dân trồng tiểu điền. Những trận bão cuối năm 2013 gây thiệt hại nặng nề, nhiều diện tích cao su ngã đổ. Từ thực tế này, hai cha con ông Đoàn Nghệ đã có sáng kiến chủ động phòng chống bão cho cao su khá hiệu quả.
Ông Đoàn Nghệ là người đầu tư trồng cao su nhiều nhất xã Bình Phú với 4ha, diện tích cao su này đang trong giai đoạn cho mủ nên mỗi ngày ông Nghệ thu nhập 2,5 - 3 triệu đồng. Nhờ cây cao su, gia đình ông Nghệ và mấy chục hộ dân khác trồng cao su ở vùng quê này có cuộc sống khấm khá. Sau những cơn bão cuối năm 2013, nhiều diện tích cao su của ông Nghệ đã bị hư hại, gãy đổ, không còn khả năng khai thác mủ. Mặc dù bị thiệt hại nặng như vậy song gia đình ông Nghệ và những hộ dân ở Bình Phú vẫn kiên quyết giữ cây cao su bởi đến thời điểm này, chưa có loại cây nào có giá trị kinh tế cao bằng cây cao su.
Cha con ông Đoàn Nghệ giới thiệu kinh nghiệm phòng chống bão cho cao su. Ảnh: V.TRƯỜNG |
Ông Đoàn Nghệ cho biết, những diện tích cao su lớn tuổi được phục dựng sau bão ông đều tỉa nhánh, cắt ngọn không cho cây ra tán rộng. Bởi theo ông, tán rộng, lá dày khi có gió bão cây sẽ cuốn theo gió, kéo theo phần gốc rễ sẽ long theo rồi ngã đổ. Với lứa cao su mới kiến thiết 2 - 3 tuổi, sau khi cây phát triển được 3 tầng lá ông tiến hành cắt ngọn không cho cây vươn cao. Độ cao mỗi cây cao su chỉ cho mức bình quân 3 - 3,5m. Trước đây những diện tích cao su ngã đổ của ông đều cao 4 - 6m. Ông Nghệ cho hay, làm như trên có thể lượng mủ của mỗi cây sẽ giảm còn 70 - 80% nhưng chỉ với cách đó mới có thể bảo vệ được vườn cao su trước diễn biến phức tạp của thiên tai.
con trai của ông Đoàn Nghệ là Đoàn Văn Long đã cùng cha áp dụng các biện pháp phòng chống bão cho cao su như vừa nêu. Thử thách ban đầu, địa bàn vùng núi Bình Phú trong những ngày giữa tháng 9 năm ngoái đã xảy ra vài trận dông lốc, gió lớn thổi qua các vườn cao su. Trong khi nhiều vườn cao su của người dân ở đây nghiêng ngả, bật gốc thì 100% diện tích cao su của cha con ông Nghệ vẫn trụ vững. Anh Đoàn Văn Long cho biết thêm, một kinh nghiệm quý về thời gian cắt ngọn cao su là nên chọn thời điểm khoảng tháng 7, thời điểm đó cây thay lá nên khi cắt ngọn xong cây ít mất sức, khi tiếp tục ra lá mới cũng là lúc cây phát nhánh, thân cây không tiếp tục vươn cao.
Theo ông Đoàn Nghệ, một trong những việc rất quan trọng để phòng tránh bão cho cao su là trồng rừng keo chung quanh làm vành đai bảo vệ cao su. Cạnh đó, ông không chạy theo số lượng, trồng cây cao su với mật độ dày (hiện tại bình quân 500 - 550 cây/ha) tạo nên sức cản gió lớn khiến cây nhanh chóng gãy đổ khi gặp bão. Cao su đang trong thời kỳ khai thác phải khai thác đúng quy trình kỹ thuật, không nên vì lợi ích trước mắt mà khai thác theo kiểu “vắt kiệt” cây cao su. Đối với những vườn cao su đang giai đoạn kiến thiết cơ bản thì tăng cường bón phân để cây chắc rễ, chống chịu được với gió bão…
VÕ TRƯỜNG