Tự chữa táo bón bằng phương pháp đơn giản
Táo bón có thể gặp ở mọi lứa tuổi với tỷ lệ khoảng 30% dân số, và tỷ lệ này ngày càng có xu hướng gia tăng trong giai đoạn hiện nay đã gây nên những ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống cũng như công việc hằng ngày.
Tập thể dục thường xuyên là cách để chăm sóc sức khỏe. Ảnh: A.T |
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến táo bón, trước hết phải kể đến những sản phụ mang thai ở những tháng cuối, hoặc những người bị động thai đang điều trị dẫn đến “ngại” rặn khi đi cầu. Nhiều hơn là các nguyên nhân cơ năng như rối loạn co bóp của cơ trơn thành ruột gặp trong những người ít vận động, mắc bệnh nặng cần phải nằm lâu (tai biến), suy nhược cơ thể, dùng thuốc dài ngày…
Điều trị táo bón có nhiều phương pháp, bên cạnh việc sử dụng thuốc thì tự điều trị cũng cần được quan tâm, tuy nhiên để đạt được hiệu quả như mong muốn thì cũng khá phức tạp, đòi hỏi người bệnh phải có đủ kiến thức, đủ tính kiên trì và phải thực hiện trong một thời gian khá dài.
Trước hết phải nói đến chế độ sinh hoạt hằng ngày, buổi sáng phải tập thể dục, tránh làm việc kéo dài trong cùng một tư thế mà vận động toàn thân sau mỗi giờ làm việc. Tích cực tập thể dục cho bụng bằng các động tác có liên quan đến cơ vùng bụng (cúi gập người, tập thở bụng…), bên cạnh đó, mỗi sáng thức dậy nên uống khoảng 300ml nước trong. Sau đó dùng 1 hoặc 2 bàn tay úp lại đặt phía bên phải dưới rốn khoảng 2cm, xoa từ dưới lên trên, sang ngang rồi xuống dưới, thực hiện khoảng 30 vòng (xoa dọc khung đại tràng theo chiều nhu động). Trong những ngày đầu có thể chưa đi đại tiện được, nhưng nếu thực hiện những hướng dẫn trên một cách tích cực và kiên trì thì việc đi đại tiện sẽ trở nên dễ dàng và đều đặn hơn. Ngoài ra chúng ta có thể dùng nắm đấm phía mu tay kích thích vùng cùng cụt, vì ở đây có hệ thần kinh chi phối vùng đại tràng.
Chế độ ăn phải đảm bảo có nước (canh, thực phẩm lỏng….), thức ăn phải có đủ chất xơ: như rau củ quả, tăng cường sinh tố hàng ngày, mỗi lần thấy đói thì nên ăn nhẹ bằng trái cây, tránh ăn nhiều đạm, mỡ, chú ý các thức ăn có tác dụng nhuận trường như: rau đay, rau mồng tơi, rau lang, bí đỏ, mướp, chuối…
Phải uống đủ nước (khoảng 1,5 - 2 lít mỗi ngày), tăng cường các loại nước trái cây, nên hạn chế uống nước ngọt có phẩm màu, cà phê, hoặc nước có cồn (rượu bia), hạn chế hút thuốc lá.
Nếu táo bón lâu ngày, phân thiếu nước sẽ gây ra một khối phân cứng đóng ở trực tràng gây tình trạng tắc nghẽn, nếu cố gắng đi cầu thì có nguy cơ rách hậu môn gây chảy máu, nhiễm khuẩn. Nếu bị bệnh trĩ hoặc nứt hậu môn làm khó đi đại tiện thì chúng ta hãy ngâm hậu môn vào nước muối ấm và loãng ngày 1 lần, mỗi lần 15 - 20 phút, điều này giúp làm dễ đi cầu hơn và có thể hỗ trợ điều trị các bệnh hậu môn kể trên.
Phải dùng thuốc hợp lý, theo chỉ định của bác sĩ, chú ý các thuốc có thể gây táo bón như các thuốc giảm đau gây nghiện, thuốc dãn cơ trơn, các thuốc chống động kinh, chống trầm cảm… Một sai lầm của nhiều người là khi có triệu chứng đau bụng là đi mua thuốc uống (thường là thuốc dãn cơ trơn) và có thể vô tình không biết là cơn đau này là do táo bón. Vì thế nếu có đau bụng lâm râm, điều đầu tiên phải nghĩ đến là vấn đề đại tiện, trong bệnh viện cũng vậy, vấn đề lưu thông đường tiêu hóa được lưu tâm trước tiên đối với tất cả bệnh nhân mắc bệnh về tiêu hóa.
Bs. DƯƠNG CHÍ LỰC
(Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam)