Tuổi trẻ Điện Bàn và hướng đi mới
Nắm bắt được nhu cầu mới của thanh thiếu nhi, Thị đoàn Điện Bàn đã chủ động tìm kiếm mô hình cho hoạt động phong trào Đoàn, duy trì ổn định tổ chức là tấm lòng, là sự sẻ chia với những lợi ích thiết thân của thanh thiếu nhi.
Nhiều cách làm mới
Điện Bàn là điểm sáng trong việc đa dạng các hình thức tuyên truyền, giáo dục về truyền thống vẻ vang của quê hương anh hùng, mảnh đất có truyền thống hiếu học, khoa bảng từ ngàn đời nay. Giáo dục của Đoàn gắn với địa chỉ đỏ, qua gương điển hình, qua các công cụ tuyên truyền. Phó Bí thư Thị đoàn Đặng Hữu Tú cho biết, công tác truyền thông luôn được đơn vị triển khai qua nhiều kênh tuyên truyền trực quan, qua các buổi giao lưu, đối thoại; đặc biệt là việc xây dựng bản tin điện tử hàng tuần và chuyên mục truyền hình thanh niên hàng tháng. “Với chuyên mục truyền hình thanh niên, Điện Bàn là đơn vị cấp huyện đầu tiên trong cả nước làm được việc này”- anh Đặng Hữu Tú nhấn mạnh.
Trước đó, Điện Bàn cũng là đơn vị cấp huyện đầu tiên trong cả nước tổ chức riêng chương trình huấn luyện “Học kỳ trong quân đội” nhằm rèn kỹ năng cho các em học sinh. Với thanh niên, để tập hợp các bạn yêu thích kỹ năng, đơn vị thành lập Câu lạc bộ “Sao Bắc Đẩu Điện Bàn” (trực thuộc Hội Liên hiệp thanh niên thị xã). Anh Tú cho biết, với 31 thành viên, câu lạc bộ hiện là lực lượng nòng cốt trong việc tham mưu tổ chức các hoạt động như hội trại, trại huấn luyện và làm báo cáo viên cho trên 20 lớp tập huấn kỹ năng nghiệp vụ. Mới đây nhất, nhằm giúp đỡ các bạn thanh niên xa quê có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, đơn vị đã thành lập và ra mắt Ban Liên lạc tuổi trẻ Điện Bàn tại TP.Hồ chí Minh. Anh Hữu Tú nói: “Để tổ chức được chương trình này, cán bộ cơ quan Thị đoàn đã lên ý tưởng, tiền trạm, khảo sát các điều kiện thật cụ thể hàng tháng trời”.
Tuổi trẻ Điện Bàn trao quà cho các gia đình chính sách. Ảnh: T.NGÂN |
Trong phong trào tình nguyện, tuổi trẻ Điện Bàn cũng đã có nhiều cách làm mới. Lúc thì tình nguyện tại các huyện miền núi, khi thì hành trình “Vì biển đảo quê hương” và vươn ra tình nguyện quốc tế tại huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông (Lào). Anh Nguyễn Ngọc Tuấn - nguyên Bí thư Thị đoàn cho biết điều đáng mừng là qua các phong trào đã xác lập được tính thường xuyên trong tinh thần tình nguyện của thanh niên, đồng thời phát huy vai trò của các cá nhân tiêu biểu trong tham gia tình nguyện, chính họ là cảm hứng, là chất xúc tác để những câu chuyện tình nguyện thật sự lan tỏa.
Hướng đến cộng đồng
Trong những ngày đầu tháng 8 này, ngay từ sáng sớm, hàng chục đoàn viên của khối Cẩm Sa, phường Điện Nam Bắc trong màu áo xanh tình nguyện đã tập trung và lên kế hoạch về việc quyên góp, thu gom phế liệu từ các hộ dân trên địa bàn. Kế hoạch nhằm gây quỹ thực hiện cho các đợt phát cháo từ thiện tại các bệnh viện.
Các đoàn viên của phường Điện Nam Bắc đi thu mua phế liệu. Ảnh: Q.TUẤN |
Mặc cho trời nắng gắt, những bóng áo xanh vẫn chia nhau ở mọi ngả đường trong khối vận động thu gom những vật dụng phế thải có giá trị. Đủ mọi phế phẩm từ chai nhựa, vỏ bia, bao xi măng, giấy bìa các tông,… dù là do người dân ủng hộ hay bới nhặt được từ các thùng rác trong khu chợ để lại thì những đoàn viên đầy nhiệt huyết này vẫn không hề ngại ngần. Bà Nguyễn Thị Cúc - một hộ dân tại khối Cẩm Sa, phường Điện Nam Bắc bộc bạch: “Thấy tụi nhỏ làm được như vậy cũng rất mừng, tôi và mọi người ở đây đều hết sức ủng hộ những hành động thiết thực này. Dù không đáng là bao nhưng từ những hành động ý nghĩa này sẽ giúp nhiều mảnh đời vơi bớt khó khăn hơn”.
Bên hai xe phế liệu thu gom được trong buổi sáng, anh Đàm Quang Tín - Phó Bí thư Chi đoàn khối Cẩm Sa, phường Điện Nam Bắc cho biết: “Tuy thời tiết oi bức nhưng với sự ủng hộ nhiệt tình của người dân cho hoạt động nên tất cả đoàn viên đều cảm thấy rất vui vẻ và tăng thêm động lực làm việc. Số tiền thu được từ hai buổi thu gom phế liệu vào khoảng 1,5 triệu đồng, đủ để trang trải một phần kinh phí cho các hoạt động từ thiện sắp chuẩn bị”. Đó chỉ là hoạt động của một trong 4 chi đoàn trực thuộc đoàn phường Điện Nam Bắc, trong những ngày tiếp theo các đơn vị còn lại cũng sẽ ra quân để thực hiện phong trào này.
Được biết, phong trào hiến máu tình nguyện cũng là một trong những “ưu điểm” của phong trào đoàn phường Điện Nam Bắc. Sáu tháng qua, các đoàn viên của đoàn phường đã hiến được 15 đơn vị máu, hiến máu cấp cứu 6 đơn vị máu ngay tại các bệnh viện, có lần khi bệnh nhân đang cần gấp máu ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Điện Bàn thì có tới 5 - 6 đoàn viên cùng nhóm máu thuộc chi đoàn lập tức cơ động có mặt và sẵn sàng cho máu cứu bệnh nhân qua cơn nguy kịch.
Ban Chấp hành Đoàn phường cũng đã tổ chức chiến dịch an toàn giao thông từ đầu năm với 60 đoàn viên tham gia. Anh Phạm Phú Quốc, Bí thư Đoàn phường Điện Nam Bắc cho biết: “Việc các chi đoàn thực hiện các phong trào như thu gom phế liệu bán gây quỹ từ thiện hay hiến máu tình nguyện là những hành động hết sức ý nghĩa và cần được nhân rộng. Những hành động nhỏ nhưng cũng giúp được phần nào cho những mảnh đời bất hạnh và chứng minh rằng Đoàn viên thanh niên luôn là rường cột của đất nước”.
Từ đầu năm 2015, Đoàn phường cũng đã tổ chức 7 lượt ra quân tình nguyện với 250 lượt đoàn viên thanh niên và học sinh tham gia dọn vệ sinh nghĩa trang liệt sĩ phường, dọn vệ sinh các trục đường trong phường, bắt điện chiếu sáng cho 400m đường ở khối phố Phong Hồ Tây. Thành lập một đội “thanh niên xung kích” tình nguyện với 16 đoàn viên sẵn sàng giúp đỡ nhân dân khi có thiên tai, dịch bệnh.
Vững phong trào
Với sự chủ động, sáng tạo, nhiều năm liền, Thị đoàn Điện Bàn dẫn đầu thi đua công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi cụm các huyện đồng bằng, được UBND tỉnh Quảng Nam tặng cờ thi đua xuất sắc. “Tỉnh đoàn luôn tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng vào hoạt động của Thị đoàn Điện Bàn. Đây phải là nơi khởi nguồn sáng kiến, cung cấp các mô hình, giải pháp hiệu quả cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi toàn tỉnh; là nơi áp dụng thử nghiệm những chỉ đạo mới của Tỉnh đoàn” - anh Thái Bình, Bí thư Tỉnh đoàn nói. |
Điều mà thanh niên hiện nay, đặc biệt là thanh niên địa bàn dân cư quan tâm, đó là việc phát triển kinh tế theo mô hình trang trại, quy mô vừa và nhỏ. Nắm bắt được mong muốn đó, trong những năm qua, các cơ sở đoàn ở Điện Bàn đã tích cực tổ chức tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích của chương trình vay vốn phát triển kinh tế, thành lập nhiều tổ liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã phát triển kinh tế trong thanh niên. Hiện nay, toàn thị xã có 132 mô hình thanh niên lập nghiệp với số vốn đầu tư hơn 32 tỷ đồng, lợi nhuận hàng năm trên 12 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 500 thanh niên. Qua đó, xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương làm kinh tế giỏi như anh Huỳnh Vinh (Giám đốc Công ty TNHH Nghệ thuật gỗ Âu Lạc), Nguyễn Văn Thảo (chủ cơ sở sản xuất nước uống Thiên Thủy), Lê Văn Thành (chủ trang trại nuôi ếch)… Chị Đặng Thị Bảo Trinh, Bí thư Thị đoàn đánh giá: “Các mô hình này không những giúp nhiều thanh niên có điều kiện đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo thu nhập ổn định, mà thông qua đó đã góp phần, nâng cao hiệu quả tập hợp và đoàn kết thanh niên, củng cố tổ chức Đoàn - Hội của địa phương ngày càng phát triển bền vững”.
Đáng chú ý, là việc duy trì sinh hoạt chi đoàn, chi hội qua mạng xã hội. Những tiện ích của mạng xã hội giúp các cơ sở đoàn - hội cập nhật thông tin, liên lạc với đoàn viên, hội viên, đồng thời hiểu rõ hơn tâm tư tình cảm của các bạn trẻ. Đến nay, 100% cơ sở Đoàn ở địa bàn dân cư thành lập trang trên mạng xã hội facebook cho hoạt động Đoàn thanh niên. Những địa chỉ như: “Câu lạc bộ Tuổi trẻ Điện Phương”, “Câu lạc bộ Kỹ năng thanh niên Điện Thọ”, “Đoàn xã Điện Phước”… không chỉ có đoàn viên thanh niên xã truy cập mà còn thu hút nhiều thanh niên trong toàn thị xã và các địa phương khác vào tìm hiểu, tham gia hoạt động.
THIÊN NGÂN - QUỐC TUẤN