Nghĩ suy trước thềm năm học mới
Thời của ông bà chúng ta, trẻ con lớn lên trên tay bồng tay bế của mẹ, của chị, đứa lớn trông đứa bé, tự nhiên như cây cỏ, không chương trình, không tiêu chuẩn, kỹ năng. Cũng dĩ nhiên, con cái của chúng ta ngày nay sẽ đón nhận một nền giáo dục mầm non khác với chúng ta đã từng. Các cháu không chỉ đến lớp để có người trông giữ, mà còn với mục đích được thụ hưởng những thành tựu tiến bộ nhất của khoa học tâm lý cũng như của các chương trình giáo dục mầm non nước nhà.
Lễ khai giảng năm học 2014-2015 ở Trường THPT Trần Cao Vân - TP.Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Để nâng cao chất lượng quản lý và hoạt động của các trường mầm non sao cho sát sườn với xu hướng của thời đại, Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều tiêu chí, quy chế, quy định như: Thông tư 45/2011/TT-BGDĐT quy định về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục trường mầm non; quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình công nhận phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, hướng dẫn đánh giá ngoài trường mầm non… Mục đích cuối cùng của công tác này là hướng đến sự phát triển toàn diện nhất có thể cho các cháu trong lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Tuy nhiên, trên thực tế, khi chúng ta đang mãi tích cực đầu tư, phấn đấu để đạt các chuẩn giáo dục đề ra trên mảnh đất quen thuộc là các trường mẫu giáo công lập thì vẫn còn rất nhiều điều bị bỏ ngỏ ở các nhóm trẻ tư thục, dân lập - một loại hình mới được tự phát hình thành. Thực trạng này khá phổ biến ở các địa phương trong cả nước. Công bằng mà nói thì nhiều năm qua, sự hiện diện của các cơ sở giáo dục ngoài công lập chiếm một vai trò không hề nhỏ đối với sự nghiệp giáo dục. Đơn cử như vấn đề thực hiện tiêu chí huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp, khi mà số lượng trường lớp công không đủ để đáp ứng. Đó là chưa kể, các cơ sở nuôi dạy trẻ dân lập ra đời đã giải quyết được một lượng đáng kể số lao động và đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh. Có phụ huynh đi làm cả ngày đến tối mịt mới về, có người vì việc làm không ổn định, không phải ngày nào cũng đem con đến gửi nhà trẻ hoặc có ngày chỉ gửi một buổi (ngày nào không gửi trẻ thì không phải đóng tiền), có phụ huynh cần gửi con để đi làm trong khi tuổi cháu bé chưa đủ để vào các trường công lập… Với hình thức tổ chức theo quy mô nhỏ, gia đình, những nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập dễ dàng linh động tháo gỡ được hàng tá rắc rối kiểu như vậy của cuộc mưu sinh. Vậy nên, số lượng các cơ sở này cũng tăng đáng kể trong thời gian qua. Mặt tích cực của loại hình giáo dục mầm non này thì đã rõ, nhưng mặt hạn chế cũng bộc lộ rất nhiều vấn đề, như chuyên môn nghiệp vụ của người trông giữ trẻ. Cơ sở vật chất phù hợp với điều kiện phát triển toàn diện của trẻ. Vấn đề an toàn vệ sinh, vệ sinh thực phẩm…
Đầu tư cho giáo dục là đầu tư “có lãi” nhất, rằng chỉ có thể suy nghĩ một cách nghiêm túc đến việc phát triển bền vững, đến tương lai thông qua hành động trong hiện tại. Vậy thì, thật không công bằng cho những trẻ em, vì những lý do bất đắc dĩ nào đó, không được dự phần vào chương trình giáo dục hiện đại của hệ thống trường lớp công lập, chuyên nghiệp nên đã mất cơ hội được tạo điều kiện cho quá trình giải phóng năng lực bản thân, trong khi cha mẹ các cháu vẫn phải trả tiền hàng tháng cho các dịch vụ nuôi dạy trẻ tư nhân. Thêm vào đó, thông tin, phản ánh về các vụ bạo hành trẻ bị phát giác ở nhiều nơi trong cả nước đã đặt ra cho những người có lương tâm mối quan ngại đặc biệt về mức độ an toàn cho các cháu phía sau cánh cửa nhà trẻ tư nhân.
Cần làm gì để đẩy lùi những nguy cơ gây hại đến sức khỏe, tâm lý, tư duy, năng lực hành vi của trẻ nhỏ ở lứa tuổi mầm non và để giúp trẻ học tập tự tin, hòa đồng, phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo? Câu hỏi trên dường như ngày càng nhức nhối hơn khi nhà chức trách thống kê con số 100 trẻ em tử vong do bạo hành trong năm 2014 trên cả nước. Còn bao nhiêu trường hợp đau lòng như thế chưa được phanh phui? Cần phải làm gì đó để ngăn ngừa hành động tội lỗi từ những kẻ mạo danh giáo dục, khoác áo bảo mẫu mà tâm địa bất nhân, cục cằn. “Tuổi thơ dữ dội” của các em rồi sẽ hắt cái bóng mờ xám phẫn uất lên những mảng màu tươi sáng của tương lai; trôi dạt về đâu nếu không có sự nâng đỡ, can thiệp của những tấm lòng nhân ái? Ở Hội An, thành phố đã chóng triển khai các biện pháp thắt chặt kỷ cương ngay sau đợt tổ chức giám sát từ đầu năm 2014; phát huy vai trò, vị trí của Ban chỉ đạo quản lý các cơ sở giáo dục mầm non tư thục của thành phố (thành lập từ năm 2008) trong việc triển khai công tác quản lý, kiểm tra điều kiện và nội dung hoạt động giảng dạy, nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ tại các cơ sở này. Để duy trì hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, các nhóm trẻ độc lập một cách bài bản nhất, thành phố giao cho Phòng GD-ĐT chủ trì mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng chăm sóc trẻ cho đối tượng công dân, tổ chức hoạt động giữ trẻ tại các nhóm trẻ, nhà trẻ và các lớp mẫu giáo tư thục trên địa bàn; về lâu dài, sẽ tăng cường quản lý hoạt động này thông qua hệ thống chính quyền cấp cơ sở và ban quản lý của thành phố. Các lớp học này nhằm phổ biến, bồi dưỡng cho người trực tiếp làm công tác nuôi dạy trẻ các kiến thức về pháp luật, những quy định của Nhà nước có liên quan cũng như phương pháp, kỹ năng chuyên môn cơ bản của ngành sư phạm.
Trách nhiệm của tất cả chúng ta là gìn giữ cho con trẻ một môi trường an toàn nhất về thể chất và tinh thần để các em vươn lên như những mầm chồi khỏe khoắn, là tình yêu, niềm tin đầy tự hào của gia đình và xã hội. Vậy nên, để kéo dài tình trạng trường lớp thiếu chất lượng thêm ngày nào, là ngày ấy chúng ta còn mang tội lớn với tương lai. Hy vọng, với những nỗ lực chung của nhà quản lý và những người tâm huyết với nghề nuôi dạy trẻ, Hội An có quyền nghĩ xa hơn, đến một nền giáo dục phát triển bền vững và toàn diện.
THÁI THỊ LIỄU CHI