3 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư: Vẫn lo với tai nạn giao thông
Sau khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh đã giảm cả 3 tiêu chí, tuy nhiên vẫn còn nhiều nỗi lo khi nguy cơ cao xảy ra tai nạn vẫn hàng ngày hiển hiện trên đường.
Lực lượng cảnh sát giao thông Công an Quảng Nam kiểm tra phương tiện tham gia giao thông. Ảnh: C.TÚ |
Cuối tuần qua, đoàn công tác của Đảng ủy Công an Trung ương do Trung tướng Tô Thường - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”. Theo Trung tướng Tô Thường, con số phát hiện 175.649 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT) từ năm 2012 đến nay là chưa phản ánh đúng thực chất tình hình. Thượng tá Phan Thanh Hồng - Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cũng thừa nhận rằng thực tế trường hợp vi phạm ATGT nhiều nhưng phát hiện, xử lý còn thấp. Nguyên do chủ yếu là lực lượng mỏng (hơn 200 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông thực thi nhiệm vụ trên 7.000km đường bộ, chưa kể đường thủy nội địa...), trang thiết bị chuyên dụng và điều kiện làm việc còn hạn chế nên chưa kiểm soát được toàn bộ hoạt động của người, phương tiện tham gia giao thông.
Giảm 3 tiêu chí
Ngày 4.9.2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW. Đến ngày 17.1.2013, Tỉnh ủy xây dựng Chương trình hành động số 21-CTr/TU về triển khai Chỉ thị số 18-CT/TW để chỉ đạo các cấp ủy đảng, sở, ban ngành, hội đoàn thể tổ chức thực hiện nhằm đạt các chỉ tiêu, yêu cầu đặt ra. UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản về việc triển khai thực hiện. Các tổ chức cơ sở đảng, ngành, hội đoàn thể ở địa phương tổ chức quán triệt nội dung của Chỉ thị số 18-CT/TW, Chương trình hành động số 21-CTr/TU đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện. Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy, UBND các cấp phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra bằng việc lồng ghép báo cáo tình hình, kết quả thực hiện thông qua giao ban định kỳ hay hội nghị chuyên đề. Qua đó đánh giá tình hình trật tự ATGT để có biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, kiểm điểm trường hợp sai phạm để giáo dục chung.
Từ năm 2013 đến nay, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan thành viên tổ chức 32 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa. Tiến hành 76 lượt tuyên truyền trực tiếp ở khu dân cư, cơ quan, đơn vị trường học với hơn 47.500 lượt người tham dự. Biên soạn, in và phát 27.500 tờ rơi, tờ gấp, tài liệu, 164 đĩa CD; lắp đặt 7 bảng điện tử tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT trên quốc lộ 1 và một số điểm nút phức tạp; công bố số điện thoại “nóng” để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân. Tổ chức phát động phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”; xây dựng mô hình “Đoạn - tuyến sông văn hóa - an toàn”. |
Dưới sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng và điều hành từ phía chính quyền, công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về trật tự ATGT được đẩy mạnh. Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh - Trương Khuê cho biết, hoạt động tuyên truyền được lồng ghép hiệu quả với các phong trào, cuộc vận động như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Xây dựng gia đình văn hóa, tộc họ văn hóa, thôn bản văn hóa”. Nhiều địa phương, đơn vị sáng kiến thực hiện các mô hình hiệu quả như “Đoạn đường tự quản”, “Toàn dân tham gia bảo đảm ATGT và trật tự đô thị”, “Tổ nhân dân tự quản ATGT”, “Xứ họ tiên tiến, gia đình công giáo gương mẫu”... Xây dựng và quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực vận tải, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn được tăng cường. Giải pháp nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự ATGT có chuyển biến tích cực. Hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm ngày càng phát huy hiệu quả. Bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tai nạn giao thông từ năm 2013 đến tháng 6.2015 trên địa bàn tỉnh giảm cả 3 tiêu chí. Trong đó, tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 730 vụ, làm chết chết 467 người, bị thương 716 người (giảm 674 vụ, 113 người chết, 789 người bị thương); đường sắt xảy ra 11 vụ làm chết 10 người (giảm 2 vụ, 3 người chết).
Vẫn còn nỗi lo
Công tác đảm bảo trật tự ATGT đã chuyển biến tích cực khi tai nạn giao thông bước đầu được kìm chế và giảm đi. Tuy nhiên, diễn biến của vấn nạn này vẫn còn cho thấy sự phức tạp, số người thương vong còn rất cao và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng. Nguyên nhân trọng tâm vẫn xuất phát từ một số cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành chưa thực sự quan tâm đến công tác đảm bảo ATGT. “Vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về trật tự ATGT. Cơ quan hành pháp đã gửi thông báo về nơi quản lý cán bộ, đảng viên vi phạm nhưng khâu kiểm điểm, giáo dục, xử lý và phản hồi kết quả xử lý chưa được thực hiện đầy đủ theo quy định” - Đại tá Trương Quang Vinh, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban ATGT tỉnh nói. Trong khi đó, việc thành lập đoàn kiểm tra theo chuyên đề thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW và Chương trình hành động số 21-CTr/TU tại các tổ chức cơ sở đảng chưa được triển khai. Bí thư Đảng ủy phường Tân Thạnh (TP.Tam Kỳ) Trình Minh Đức thẳng thắn thừa nhận, sự phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể ở địa phương chưa đồng bộ, thiếu thường xuyên; có nơi coi đó là nhiệm vụ của ngành công an; một bộ phận cán bộ, nhân dân e dè, chưa phản ánh kịp thời thực trạng mất ATGT.
Quan trọng nhất, nguy cơ tai nạn giao thông chủ yếu do người tham gia giao thông chưa tự giác chấp hành pháp luật, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, phóng nhanh, vượt ẩu, uống rượu bia khi tham gia giao thông... Điều đáng lưu tâm, đối tượng vi phạm tập trung phần lớn ở độ tuổi thanh thiếu niên. Trong khi đó, hạ tầng giao thông tuy được quan tâm nâng cấp, sửa chữa nhưng vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển, gia tăng của các loại phương tiện. Một bộ phận doanh nghiệp vận tải nhỏ hoặc tư nhân bỏ ngỏ khâu đầu tư đảm bảo chất lượng an toàn của phương tiện; thờ ơ quản lý, giáo dục đạo đức và trách nhiệm người lái xe; thường xuyên áp dụng cơ chế khoán thời gian xe chạy hoặc khoán doanh thu... gây áp lực khiến tài xế vi phạm tốc độ, vượt ẩu, tranh giành khách.
CÔNG TÚ