Newton và cuộc cách mạng trong khoa học

NGUYỄN THANH XUÂN 08/08/2015 09:39

Là một nhà toán học và vật lý học, Isaac Newton (1642 - 1727) đưa ra những công trình quan trọng mà ở một mức độ nào đó còn hàm chứa tính triết học, một động lực cho nhiều triết gia ở thế hệ ông và sau này, trong đó có cả Locke và Kant, hai triết gia đã nợ ông rất nhiều về mặt tư tưởng. Công trình chủ yếu của Newton, cuốn Philosophiae Naturalis Principia Mathematica (triết học tự nhiên trong nguyên lý toán học) gồm chứa lý thuyết về lực hấp dẫn và các định luật chuyển động. Công trình sau đó của ông, cuốn Opticks (Quang học), chủ yếu bàn về vật lý quang học nhưng cũng bao gồm những suy luận về cơ học, tôn giáo và đạo đức.

Sự thấu đạt đàng sau vật lý học của Newton chính là việc vũ trụ vận hành theo những nguyên lý được điều khiển theo quy luật. Ý tưởng này được cho là có ảnh hưởng sâu sắc đối với John Locke, người mà tư tưởng triết học của mình có thể được xem là rút ra từ những nguyên tắc vật lý của Newton. Locke quyết hiểu được trí tuệ con người theo một phương cách nhất quán với động lực học của Newton. Kết quả là ông ta đã đưa ra những lý lẽ ủng hộ cho một lý thuyết nhân quả của nhận thức và cho một sự tương phản giữa các phẩm tính chủ yếu và phái sinh của muôn vật. Cũng cùng một kiểu cách tương tự, Kant nhận ra rằng mọi vật trong thế giới hiện tượng đều phải phù hợp với những nguyên lý của Newton, nhưng trật tự này phần lớn lại bị áp đặt bởi cơ chế tâm lý của trí óc. Triết học Kant đã hỗ trợ cho Newton trong cuộc tranh cãi với Leibniz về vấn đề không gian và thời gian được quan niệm là tuyệt đối hay chỉ đơn thuần là những mối liên hệ giữa vạn vật. Cuộc tranh cãi có vẻ như nghiêng phần thắng về phía những người theo thuyết của Newton mãi cho đến khi có sự xuất hiện thuyết vật lý tương đối của Einstein.

Isaac Newton (1642 - 1727)
Isaac Newton (1642 - 1727)

Với việc khẳng định rằng phương pháp của mình là duy nghiệm và dựa trên phương pháp quy nạp hơn là dựa trên thuần lý và loại suy, Newton muốn vạch ra những sai lầm của Descartes. Chính nhờ Newton mà chủ thuyết duy nghiệm mới mở đầu cho một thời kỳ lấn át cả triết học duy lý. Tuy nhiên, Newton cũng nợ với tư tưởng của Descartes, và có vẻ như những suy luận của ông không thể có sự khởi đầu nếu không có công trình do bậc tiền bối duy lý của mình khởi xướng.

Thành tựu lớn nhất của Newton chính là thuyết vạn vật hấp dẫn, mà từ đó ông đã có thể giải thích được những chuyển động của mọi hành tinh, kể cả mặt trăng. Newton chứng minh rằng mọi hành tinh trong thái dương hệ đều chuyển động xung quanh mặt trời. Chuyển động của một vật thể hướng đến mặt trời thì ở mức độ tỷ lệ nghịch cân xứng với bình phương khoảng cách giữa nó: điều này dẫn đến định luật của Newton về lực hấp dẫn phổ quát: “Mọi vật đều hấp dẫn vật khác với một lực tác động cân xứng trực tiếp với tích của khối lượng và tỷ lệ nghịch với bình phương khoảng cách giữa chúng”. Định luật hấp dẫn phổ quát đã cho phép Newton dự đoán mọi chuyển động của các hành tinh, thủy triều, sự di chuyển của mặt trăng và sao chổi. Đó là một thành tựu nổi bật không thể thay thế được cho mãi đến thời Einstein, và dù ngay cả với sự xuất hiện thuyết tương đối của Einstein, thuyết động lực học của Newton vẫn còn giá trị - và thực tế nó vẫn còn được áp dụng do tính hiệu quả của nó cho việc dự đoán sự di chuyển của những vật thể được gọi là “cỡ trung”. Công trình của Newton là một thành tựu và có ý nghĩa của ảnh hưởng sâu rộng trong lịch sử tư tưởng loài người.

NGUYỄN THANH XUÂN

(Theo 100 Essential Thinkers của Philip Stokes, Nxb. Arcturus Publishing Limited, 2012; và Encyclopedia Britannica)

NGUYỄN THANH XUÂN