Cú hích kinh tế từ FTA Việt Nam-EU

QUỐC HƯNG 06/08/2015 10:35

Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) vừa chính thức kết thúc toàn bộ các nội dung cơ bản của Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Đàm phán FTA Việt Nam-EU được khởi động từ tháng 6.2012 với mục tiêu hướng tới một hiệp định toàn diện về mở cửa thị trường và phát triển bền vững. Sau 14 lần đàm phán, Việt Nam-EU chính thức đạt được thỏa thuận về nguyên tắc FTA vào ngày 4.8.2015. Tại buổi họp báo, Đại diện của Phái đoàn EU tại Việt Nam, bà Delphine Malard cho biết, các nhóm đàm phán tiếp tục làm việc với nhau để hoàn tất văn bản trên phương diện pháp lý. Sau đó, hiệp định này sẽ được trình lên Nghị viện EU và Quốc hội Việt Nam để phê chuẩn. Theo dự kiến, FTA Việt Nam - EU chính thức được ký kết trong năm nay. Như thế, 99% dòng thuế tại nhiều sản phẩm sẽ được bãi bỏ, mở ra các cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam và EU tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho hàng hóa và dịch vụ, đem lại lợi ích cho cả hai bên.

bà Cecilia Malmstrom- Ủy viên EU,  phụ trách thương mại khẳng định cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam và EU sẽ tăng trưởng.
bà Cecilia Malmstrom- Ủy viên EU, phụ trách thương mại khẳng định cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam và EU sẽ tăng trưởng.

EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai và là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2014, tổng kim ngạch hai chiều Việt Nam - EU đạt hơn 36,8 tỷ USD, tăng gấp 9 lần so với năm 2000. Con số này tương đương 10% tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các quốc gia không phải là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Ngoài ra, EU cũng là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam. Tính đến hết năm 2014, đã có 23 nước trên tổng số 28 nước EU đầu tư vào Việt Nam với trên 2.000 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đạt 37 tỷ USD. Các nhà đầu tư EU có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ.

Thông cáo chung của Ủy ban EU khẳng định, hơn 31 triệu việc làm của EU phụ thuộc vào xuất khẩu. Vì thế, việc tiếp cận dễ dàng hơn một thị trường đang tăng trưởng và phát triển nhanh, như Việt Nam với 90 triệu người tiêu dùng, là một thông tin rất tốt đẹp. Ngược lại, thị trường rộng lớn EU với 27 nước thành viên được đánh giá là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam. Đây là thị trường của 500 triệu dân, chiếm 22% GDP của toàn cầu sẽ “chờ đón” hàng hóa từ Việt Nam.

Các chuyên gia kinh tế phân tích thị trường đặt rất nhiều kỳ vọng với thỏa thuận vừa đạt trên sẽ giúp rót thêm các nguồn vốn đầu tư từ EU vào thị trường Việt Nam. Bà Cecilia Malmstrom - Ủy viên EU, phụ trách thương mại nói, đây là FTA đầu tiên mà EU ký với một quốc gia đang phát triển - Việt Nam.  Do đó, thỏa thuận trên sẽ “đề ra một kiểu mẫu hiện đại, hoàn hảo hơn cho các thỏa thuận tự do thương mại giữa EU với những nước đang phát triển khác, cũng như tạo ra một tiêu chuẩn tốt cho quan hệ mậu dịch giữa EU - ASEAN”.

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG