Nộp hồ sơ xét tuyển đại học: Khổ… vì ở tỉnh lẻ
Rất nhiều phụ huynh và thí sinh đang phân vân, lo lắng khi chọn trường nộp hồ sơ xét tuyển đại học năm nay, đặc biệt là những trường hợp ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa vì thiếu thông tin và đi lại cách trở…
Phân vân, lo lắng
Anh Phạm Xuân Diệu (ở Điện Phương, Điện Bàn) mấy ngày qua phải thường xuyên điện thoại gọi nhờ bạn bè, người thân khắp nơi tư vấn giùm con gái của mình nên nộp hồ sơ vào trường nào. “Phải nói là rất vất vả, vì điểm thi đại học của cháu không cao, sợ nộp trường nào vượt điểm chuẩn thì rớt nguyện vọng 1. Coi vậy chứ không dễ gì để xét nguyện vọng 2” - anh Diệu nói.
Rất nhiều phụ huynh nôn nao, lo lắng khi đến thời điểm này, sau 2 tuần công bố điểm sàn đại học, rất nhiều trường vẫn chưa đưa ra điểm chuẩn xét tuyển vào trường. Năm nay, vừa thi tốt nghiệp vừa lấy điểm xét tuyển đại học, các thí sinh đỡ áp lực hơn, nhưng đến lượt chọn trường thì cả phụ huynh lẫn học sinh đều như rơi vào “ma trận”. Đối với học sinh ở các thành phố lớn, các em được dự những ngày hội tư vấn tuyển sinh từ các trường đại học trước khi thi lẫn sau khi có kết quả, còn học sinh ở tỉnh lẻ đành phải ngậm ngùi theo dõi qua các phương tiện truyền thông. Chưa kể, có rất nhiều em ở các huyện vùng sâu, vùng xa, tiếp cận internet rất khó khăn nên các thông tin tuyển sinh hầu như đều phải nhờ người thân ở thành phố, hoặc chọn theo kiểu may rủi.
Thí sinh nữ từ Tiên Phước qua Bắc Trà My thi tuyển. Những thí sinh này rất khó khăn mới tiếp cận được internet. Ảnh: LÊ QUÂN |
Nhiều phụ huynh cho rằng, với quy định tuyển sinh năm nay, học sinh phổ thông ở tỉnh lẻ là người chịu thiệt thòi và vất vả hơn cả. Với hình thức thi đại học như các năm, thí sinh chỉ phải tập trung ở thành phố 3 - 4 ngày để thi, sau đó đợi kết quả từ các trường đại học. Năm nay, sau khi tập trung để thi tuyển (đầu tháng 7), các em trở về nhà đợi điểm thi. Sau khi có điểm, các em lại quay ngược lên thành phố hoặc các địa phương có trường đại học để nộp hồ sơ tuyển sinh đại học tại trường đó. Sau một thời gian đợi chờ, nếu đậu, các em về quê để hoàn thành các thủ tục tại địa phương và lại ngược lên thành phố để nhập học. Đối với các thí sinh không vào được đại học - tức rớt nguyện vọng 1, các em lại phải đi “kiếm chỗ” nộp hồ sơ cho các nguyện vọng 2, 3. “Ăn dầm nằm dề” ở thành phố là tình trạng của nhiều bậc phụ huynh ở quê khi có con tham gia thi tuyển năm nay. Có thể gửi hồ sơ bằng đường bưu điện, nhưng phần đông phụ huynh và học sinh lại muốn trực tiếp đến trường đại học để nộp, bởi “để coi số lượng đông không mà còn biết thay đổi nguyện vọng”.
Chọn trường “vừa sức”
Chọn trường “chắc ăn” dựa theo điểm chuẩn của các trường đại học vào năm ngoái là tâm lý chung của các bậc phụ huynh. Đối với thí sinh, hiện tại những em ở ngưỡng điểm 15 - 18 đều nơm nớp lo âu, và thực tình không biết nên chọn trường nào, ngành nào để có thể đậu đại học. Chuyện thích ngành nào, trường nào hoặc có năng lực ở ngành nào không quan trọng bằng bây giờ nộp trường nào để đậu, đó là tâm lý của phần đông học sinh. Với các thí sinh có kết quả thi tuyển đại học cao, khoảng chừng 20 điểm trở lên, lại cũng đắn đo không biết nên chọn trường nào với điểm thi này. Không chỉ vậy, cán bộ ở các trường đại học cũng phải làm việc vất vả hơn các năm trước khi phải vừa tham gia tư vấn cho phụ huynh đến “tham khảo” vừa hướng dẫn cách thức đăng ký xét tuyển ở trường.
Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà, chuyên gia tư vấn tuyển sinh của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho biết, những trường năm ngoái lấy điểm thấp, năm nay thí sinh phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm sàn của trường đó từ 1,5 - 2 điểm mới đạt ngưỡng an toàn. TS.Hà khuyên thí sinh nên lập một danh mục các trường có đào tạo ngành mà mình muốn học, sắp xếp thứ tự điểm từ cao xuống thấp. Trên cơ sở kết quả điểm có được, thí sinh nên nộp hồ sơ vào các trường vừa sức với mình. Hạn chót nộp hồ sơ vào các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc là ngày 20.8. Thiết nghĩ ngay ở thời điểm này, phụ huynh và học sinh ở Quảng Nam cần có sự tư vấn từ các nhà quản lý giáo dục để họ nắm rõ hơn về quy định tuyển sinh năm nay, cũng như biết cách để chọn trường phù hợp, nhất là đối với thí sinh ở những địa phương còn khó khăn, chưa thể tiếp cận rộng rãi với internet.
LÊ QUÂN