Nghịch lý quản lý khoáng sản

TRẦN NGUYỄN 05/08/2015 09:09

Tài nguyên khoáng sản đang tiếp tục bị xâm hại do chính những lỗ hổng trong quản lý.

Bản đồ quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản Quảng Nam đến năm 2025 đã công bố, nhưng công tác quản lý nhà nước còn bất cập. Tình trạng lén lút khai thác trái phép tài nguyên, hủy hoại môi trường sinh thái chưa có dấu hiệu giảm. Nhiều nơi dai dẳng “cơn sốt vàng” như Phước Sơn, Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Hiệp Đức, Phú Ninh; thiếc ở Bắc Trà My; băm nát cát sỏi lòng sông Vu Gia, Thu Bồn… Sự thật là có bao nhiêu vùng cấm là có bấy nhiêu điểm “vàng tặc”. Theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh, những cánh rừng nguyên sinh thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, rải rác dọc biên giới Việt - Lào được khoanh định là vùng cấm, song thực tế những nơi này là “vùng đất sinh tồn” của giới thổ phỉ. Chưa bao giờ, sông suối thượng nguồn bị cày nát, chặn dòng và nhiễm độc nguồn nước như hiện nay.

Hầu như địa phương miền núi nào cũng dành chi phí, lực lượng cho công việc truy quét, đẩy đuổi đối tượng hủy diệt môi trường, nhưng xem ra “cuộc chiến” này vẫn chưa cân sức. Điển hình như, quanh khu vực mỏ vàng Bồng Miêu (Phú Ninh), nhiều năm nay chính quyền luôn bất lực với “vàng tặc”, dù có thời điểm huy động lực lượng công an chốt chặn thường xuyên. Đầu tháng 8, để cắt đứt đường đi của đối tượng khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn chỉ đạo các ngành chức năng cắt đứt 2 tuyến đường “tử huyệt”. Đó là tuyến đường mòn từ dốc Chữ A, xã Tam Lãnh (Phú Ninh) đến núi Kẽm, xã Trà Kót (Bắc Trà My) do Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu mở đường để thăm dò vàng trước đây và tuyến đường đất mới san ủi trái phép dài hơn 1,5km từ xã Tam Trà (Núi Thành) sang xã Trà Kót (Bắc Trà My). Cách đây vài tháng, các công trình dự án trọng điểm đã sử dụng trôi nổi nguồn cát sỏi không rõ nguồn gốc, buộc lãnh đạo tỉnh phải chỉ đạo các ngành chức năng rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khai thác, mua bán, sử dụng vật liệu xây dựng thông thường không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thực tế việc “ưu ái” cấp mỏ khoáng sản cho các dự án lớn, trong khi lại thiếu thẩm định, thận trọng đánh giá tác động môi trường, cấp phép không phù hợp với quy hoạch… đã bộc lộ thêm lỗ hổng trong quản lý tài nguyên khoáng sản hiện nay.

Vì sao tồn tại dai dẳng nạn xâm hại tài nguyên? Lãnh đạo một huyện miền núi thẳng thắn cho rằng, đối tượng tận thu tài nguyên khoáng sản đủ mọi thành phần như doanh nghiệp, dân địa phương lẫn ngoài tỉnh. Trong khi đối phương chủ động, dùng mọi mánh khóe, thủ đoạn đối phó thì chúng ta can thiệp bằng biện pháp hành chính. Bộ máy chính quyền tuyên chiến không nổi vì chỉ dựa vào sức mạnh của dân, dân thấy ích lợi trước mắt nên “bắt tay” với đối tượng phi pháp. Trên thực tế, nhiều địa phương rất lúng túng xử lý các phương tiện máy móc giá trị lớn của đối tượng khai thác khoáng sản.

TRẦN NGUYỄN

TRẦN NGUYỄN