Trọn nghĩa vẹn tình

TRIÊU NHAN 04/08/2015 08:22

Tri ân sâu sắc những cống hiến của các bậc tiền bối, anh hùng liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng…, huyện Đại Lộc xác định công tác chăm sóc người có công là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Bí thư Huyện ủy huyện Đại Lộc trao tặng quà cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng quê hương. Ảnh: H.LIÊN
Bí thư Huyện ủy huyện Đại Lộc trao tặng quà cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng quê hương. Ảnh: H.LIÊN

Hệ thống chính trị vào cuộc

Theo thống kê, Đại Lộc có trên 14.000 người hoạt động kháng chiến và có công giúp đỡ cách mạng được tặng thưởng huân chương kháng chiến, huy chương kháng chiến và bằng khen các loại. Toàn huyện có gần 1.100 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hiện có 142 mẹ còn sống), 39 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân… Bà Võ Thị Hồng Nhung - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đại Lộc cho hay, từ sự nỗ lực nhiều năm qua của huyện, hiện có 10.000 hồ sơ chính sách các loại đã được thẩm định và chuyển lên cấp trên giải quyết, đã có hơn 500 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 350 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, 200 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học được Nhà nước công nhận mới và giải quyết chế độ. Phong trào Đền ơn đáp nghĩa được tổ chức hiệu quả, sâu rộng, thu hút sự tham gia của toàn xã hội. Từ nhiều nguồn kinh phí, huyện đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 1.256 ngôi nhà cho gia đình chính sách, trong đó xây mới 643 nhà, sửa chữa 613 nhà với tổng giá trị trên 20 tỷ đồng. Có 7.239 đối tượng chính sách được giải quyết chế độ. Công tác chi trả trợ cấp thường xuyên được thực hiện tốt với 4.237 đối tượng chính sách được chi trả trợ cấp với tổng số tiền trên 73 tỷ đồng/năm. Quỹ đền ơn đáp nghĩa cũng đã được huy động hơn 3,4 tỷ đồng. Cùng với việc chăm sóc về vật chất, việc chăm sóc về tinh thần, sức khỏe cho người có công cũng được quan tâm thông qua việc thực hiện chế độ điều dưỡng với gần 2.000 chỉ tiêu mỗi năm, chế độ bảo hiểm y tế trên 4.000 người…
Trải qua hai cuộc chiến, đối tượng người có công trên địa bàn Đại Lộc được giải quyết hưởng chế độ rất lớn. Trung tá Đặng Thị Thanh - Trợ lý chính sách dân vận, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đại Lộc cho hay, từ năm 2005 tới nay, toàn huyện có gần 1.300 đối tượng được giải quyết hưởng chế độ quân sự theo diện chế độ 290, 188 và 142. Từ năm 2012 đến nay, Cơ quan Quân sự huyện cũng đã tập trung giải quyết chế độ cho quân nhân, người tham gia chiến trường Campuchia, Lào và biên giới đã phục viên xuất ngũ về lại địa phương chưa được nhận chế độ. Từ năm 2009 đến nay, ngành quân sự huyện cũng đã tìm kiếm, quy tập 220 mộ liệt sĩ vào các nghĩa trang. Từ nhiều nguồn trong và ngoài quân đội, ngành quân sự đã xây mới, sửa chữa 71 nhà tình nghĩa, tình thương và nhà đồng đội giai đoạn 2010 - 2015…

Ghi công tiền nhân…

Bên cạnh nỗ lực chăm sóc cho người còn sống, nỗ lực chăm sóc người có công còn thể hiện ở sự trọn tình vẹn nghĩa với người đã khuất. Những năm qua, từ nhiều nguồn, huyện đã đầu tư nâng cấp nhiều công trình ghi công liệt sĩ, bia chứng tích, nhà bia tưởng niệm, đền tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ… trên địa bàn. Bia tưởng niệm, bia chứng tích nằm rải rác trên địa bàn đã được xây dựng là những “địa chỉ đỏ” trong giáo dục truyền thống cách mạng. Việc lấy tên anh hùng, danh nhân, những người con ưu tú của quê hương đặt tên cho những trường học trên địa bàn cũng là sự khắc ghi công đức lớn của người đi trước. Đến nay, toàn huyện quy tập hơn 6.000 hài cốt liệt sĩ đưa vào an táng tại các nghĩa trang địa phương…

Thể hiện rõ nét của sự tri ân còn thể hiện ở dấu ấn những công trình lịch sử. Năm 1995, Đền tưởng niệm Trường An (xã Đại Quang) được khánh thành, là nơi tưởng niệm, tri ân các bậc tiên liệt của huyện từ khi mở đất tới thời kỳ giải phóng. Năm 2009, khu điều trị Bà mẹ Việt Nam anh hùng - thương bệnh binh - cán bộ lão thành cách mạng do nhân dân, cán bộ huyện Đại Lộc đóng góp kinh phí xây dựng trong khuôn viên Bệnh viện Bắc Quảng Nam đã được đưa vào sử dụng, là công trình thể hiện sự tri ân sâu sắc và sự chăm lo cho người có công của Đại Lộc mà không phải địa phương nào cũng làm được. Dịp 27.7 này, Đền tri ân tiên liệt xã Đại Cường cũng được khánh thành, là nơi thờ các vua Hùng, các bậc tiền bối hữu công, các anh hùng liệt sĩ của xã. Công trình được xây dựng với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa, thể hiện nghĩa cử cao đẹp của xã hội trước lớp lớp người đã ngã xuống vì nền độc lập dân tộc.

Có thể nói, những việc làm được dẫu rất nhiều, song trước những nỗi đau, sự hy sinh vô bờ bến của lớp lớp người vì sự nghiệp giải phóng quê hương, đạo lý Đền ơn đáp nghĩa đó cần tiếp tục được phát huy, gìn giữ qua bao thế hệ.

TRIÊU NHAN

TRIÊU NHAN