Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi): Nhiều điểm mới

CHÂU NỮ 03/08/2015 11:48

Nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của toàn dân trong việc góp ý vào nội dung dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo BLHS sửa đổi. Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành kế hoạch cụ thể về tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân.

Công bố nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức ý kiến nhân dân về dự thảo BLHS sửa đổi. Ảnh internet
Công bố nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức ý kiến nhân dân về dự thảo BLHS sửa đổi. Ảnh internet

Dự thảo BLHS sửa đổi có tổng cộng 443 điều, tăng 99 điều so với BLHS hiện hành. Trong dự thảo, BLHS sửa đổi giữ nguyên 43 điều, bãi bỏ 6 điều, bổ sung 68 điều, sửa đổi 329 điều (trong đó có 51 điều được tách ra từ 20 điều của BLHS hiện hành). Dự thảo BLHS sửa đổi gồm 3 phần và 26 chương, tăng 2 chương.

Nhiều nội dung mới

Theo kế hoạch của Chính phủ, nội dung lấy ý kiến nhân dân về dự thảo BLHS sửa đổi bao gồm toàn bộ dự thảo. Trong đó, trọng tâm những vấn đề cần trưng cầu ý kiến nhân dân bao gồm: trách nhiệm hình sự của pháp nhân và loại tội pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự; về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên và các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội; việc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội; quy định không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình trong một số trường hợp; quy định không giảm án đối với người bị kết án tử hình nhưng được ân giảm xuống tù chung thân; chuyển đổi hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn (Điều 35 và Điều 36 dự thảo); việc thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng những tội danh cụ thể trong các lĩnh vực kinh tế; bổ sung trường hợp xử lý hình sự đối với người trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng; bãi bỏ một số tội phạm và bổ sung một số tội phạm mới.

Theo kế hoạch của HĐND tỉnh, từ nay đến hết ngày 14.9.2015, HĐND tỉnh tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về dự thảo BLHS sửa đổi bằng các hình thức: góp ý trực tiếp; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; góp ý qua cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp; trang tin điện tử của Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh.

Các tài liệu phục vụ tổ chức lấy ý kiến nhân dân đăng tải đầy đủ trên trang thông tin điện tử của Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh tại địa chỉ: “http://qh-hdqna.gov.vn”, thư mục “Trưng cầu ý kiến”. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân được tổ chức rộng rãi, khoa học, công khai, bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm. Ý kiến đóng góp của nhân dân sẽ được tổng hợp đầy đủ, chính xác và nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc.

Trong đó, một số nội dung cụ thể cần lưu ý: bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội phạm. BLHS hiện hành quy định hình phạt tử hình đối với 22 tội danh; dự thảo BLHS sửa đổi dự kiến bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh: cướp tài sản; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh (các Điều 164, 314, 404, 410, 433, 434 và Điều 435). Đồng thời, dự kiến bỏ hình phạt tử hình đối với hành vi phạm tội vận chuyển, tàng trữ trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy quy định tại Điều 194 của BLHS hiện hành. Về các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, BLHS hiện hành không quy định các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội mà chỉ quy định miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình, cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục (khoản 2 Điều 69). Dự thảo BLHS sửa đổi đã bổ sung các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, cụ thể là Khiển trách (Điều 91), Hòa giải tại cộng đồng (Điều 92), Giám sát, giáo dục tại gia đình hoặc giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức (Điều 93).

Ý kiến trái chiều

Có ý kiến tán thành phương án bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh cũng như hành vi phạm tội vận chuyển, tàng trữ trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy trong dự thảo BLHS sửa đổi và đề nghị nếu có quy định hình phạt chung thân không giảm án thì nên rà soát để bỏ thêm hình phạt tử hình đối với một số tội phạm nữa. Bởi vì điều này nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương giảm áp dụng hình phạt tử hình theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Trong khi đó, có ý kiến không đồng tình với việc bỏ hình phạt tử hình đối với các tội: phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh; cướp tài sản, vận chuyển trái phép chất ma túy. Bởi việc duy trì hình phạt tử hình đối với các tội này là để bảo đảm sự răn đe, phòng ngừa chung.

Về các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, có ý kiến cho rằng, việc bổ sung quy định biện pháp thay thế xử lý hình sự như trong dự thảo BLHS sửa đổi là cần thiết để tiếp tục thực hiện chủ trương nhân đạo hóa, tăng tính hướng thiện trong chính sách xử lý hình sự. Ngược lại, có ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành (khoản 2 Điều 69), đồng thời cụ thể hóa các điều kiện để được miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên, giúp các cơ quan tố tụng có cơ sở pháp lý đầy đủ, rõ ràng để áp dụng trên thực tế.

Đối với chuyển đổi hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn (Điều 35 và Điều 36 dự thảo), nhiều ý kiến không tán thành như dự thảo lý giải và cho rằng không nên cùng một lúc áp dụng hai loại hình phạt khác nhau. Nếu người bị kết án không chấp hành hình phạt sẽ bị truy tố về tội không chấp hành án; việc chuyển đổi này sẽ làm xấu hơn tình trạng của bị cáo. Trong khi đó, cũng có ý kiến tán thành dự thảo khi cho rằng, kết quả tổng kết thực tiễn hơn 14 năm thi hành BLHS cho thấy, hình phạt tiền và hình phạt cải tạo không giam giữ tính khả thi không cao, hiệu quả kém, vì thế đã phần nào làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật. Do đó, cần thiết bổ sung cơ chế chuyển phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn trong trường hợp người bị kết án không chấp hành án để bảo đảm tăng tính răn đe, phòng ngừa của hình phạt này. Tuy nhiên, chỉ nên áp dụng hình phạt tiền với tội ít nghiêm trọng và phạm tội do không cố ý, nhằm tránh trường hợp lợi dụng tiền để thực hiện hành vi phạm tội. Thời hạn chấp hành án phạt tiền được thay cho thời hạn kháng án ở cấp sơ thẩm, việc này sẽ giảm bớt công việc của cấp phúc thẩm cũng như giám đốc thẩm, chứ thời hạn nộp phạt 6 tháng kể từ ngày tòa tuyên án như trong dự thảo là quá dài…

CHÂU NỮ

CHÂU NỮ