Chia sẻ lợi ích du lịch ở Trà Nhiêu: Chưa có lối ra!
Đã 5 năm kể từ ngày Làng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu (Duy Vinh, Duy Xuyên) mở cửa đón khách, tuy nhiên câu chuyện chia sẻ lợi ích giữa cộng đồng và doanh nghiệp vẫn là bài toán chưa có lời giải.
Khách đến tham quan Trà Nhiêu nhiều nhưng người dân ở đây hầu như không thu được gì.Ảnh: VĨNH LỘC |
Không có nguồn thu
Tháng 7.2010, Làng du lịch cộng đồng sinh thái Trà Nhiêu chính thức đón khách. Thời gian đầu đã có 7 nhóm sản phẩm chính được triển khai phục vụ khách dựa trên các nghề truyền thống của làng như dệt chiếu, chằm lá dừa nước, vá lưới, đánh bắt thủy sản trên sông; lưu trú khu nhà vườn; tham quan rừng dừa nước, ẩm thực, dịch vụ xe đạp đi quanh làng. Cùng với đó, hàng chục lượt người dân Trà Nhiêu đã được đưa đi tập huấn tại Huế, Hội An về các kỹ năng giao tiếp, đón khách, nấu ăn, làm hàng lưu niệm... nhằm tạo ra đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp tại địa phương. Thông qua sự hỗ trợ của Sở VH-TT&DL và dự án WAP, trong 2 năm 2012 - 2013, hơn 40 chị em trong làng đã được tập huấn hướng dẫn cách làm sản phẩm thủ công như túi xách, mũ, dép… bằng cây cói để trình diễn cũng như bán cho khách làm quà lưu niệm.
Ông Trần Duy Năm - Trưởng ban Điều hành du lịch Trà Nhiêu nhớ lại, với một ngôi làng bao năm vất vả, người dân làm đủ nghề như dệt chiếu, đánh cá trên sông, buôn bán lặt vặt, làm mộc, làm biển… để kiếm sống thì việc làng trở thành điểm du lịch quả là một giấc mơ. Thời gian đầu lượng khách đến làng tương đối nhiều, chủ yếu từ Hội An sang. Tuy nhiên, sau những xôn xao vì có khách thì lại phát sinh vấn đề: dân làng được hưởng lợi gì khi các doanh nghiệp lữ hành cứ đưa khách đến rồi đi, trong khi đó ban điều hành dường như đứng ngoài cuộc? “Ban đầu làng đề xuất bán vé vào làng nhưng huyện không đồng ý, cho rằng cái này từ trước đến nay chưa ai làm, còn thu từ dịch vụ của từng gia đình thì cũng không được vì khách đến bồi dưỡng cho gia đình cũng chẳng bao nhiêu. Nói chung nguồn thu chẳng có gì vì chưa có quy định cụ thể, trừ những người cho thuê thúng chai vào rừng dừa bơi, đánh cá với giá 50 nghìn đồng/lần nhưng thực chất cũng không niêm yết giá cụ thể nên ai thích trả bao nhiêu thì trả” - ông Năm nói.
Theo ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, người dân có quyền bán vé vào làng nếu có một sản phẩm, dịch vụ tốt đáp ứng được nhu cầu khách với điều kiện HĐND xã cho phép. “Bán vé rồi lấy quỹ đó bảo tồn làng, bảo vệ cảnh quan, bảo vệ môi trường văn hóa, chỉnh trang đường làng ngõ xóm và phục vụ cho những người quản lý. Còn với doanh nghiệp thì làng phải mời họ lại để thương lượng, vì anh bán vé cho khách lấy tiền thì anh phải chia sẻ cho địa phương chứ. Vấn đề là hiện nay làng vẫn chưa có sản phẩm dịch vụ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nên khó thể đòi hỏi lấy tiền khách được, mà điều này thì phụ thuộc vào chính quyền địa phương và người dân nơi đó chứ không thể trông chờ vào Nhà nước vì Nhà nước chỉ giúp về mặt quy hoạch và chính sách chứ không thể làm thay tất cả” - ông Cường nói. |
Do không có nguồn thu nên ban điều hành cũng hoạt động èo uột theo kiểu “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” dẫn đến các thành viên dần chán nản. “Lúc đầu tôi nghĩ nên làm cái cổng làng để khi khách đến thì mình phát cho mỗi người một cái vé như đi vào khu du lịch nhưng không được, nên hiện tại vẫn bí, nhất là làm sao có tiền trả lương cho 2 người thường trực, ít nhất cũng vài triệu đồng để họ bám trụ ở đây” - ông Năm cho biết thêm.
Lúng túng tìm hướng ra
Theo ông Trần Duy Năm, cái được nhất của Trà Nhiêu sau 5 năm làm du lịch cộng đồng là đã giúp thay đổi nhận thức của bà con về các vấn đề như gìn giữ bảo vệ cảnh quan môi trường, thái độ ứng xử, đường làng ngõ xóm cũng cơ bản xanh sạch hơn… Tuy vậy, mục đích thay đổi sinh kế, mang lại thu nhập cho người dân thì vẫn chưa như mong đợi. “Thật tình chúng tôi rất lúng túng, thu của khách thì không biết làm cách nào cho hợp lý, còn đề xuất UBND huyện cho một cơ chế tạo nguồn thu thì vẫn chưa thấy gì. Trong khi cứ nói ban điều hành phải hướng dẫn người dân gìn giữ môi trường, bảo vệ an ninh trật tự cho khách đến tham quan nhưng hầu như ban điều hành không có một quyền lợi gì thì sao chúng tôi làm được?” - ông Năm nói.
Ông Nguyễn Tấn Thuật - Tổ trưởng tổ hợp tác dịch vụ Trà Nhiêu cho biết, trước đây Công ty Lữ hành quốc tế Lê Nguyễn (Hội An) có hợp tác với làng để đưa đón khách đến nhưng chỉ hỗ trợ phần mềm như tập gấp, trao đổi với khách, còn phần cứng là trang thiết bị thì làng tự lo, nhưng điều này với người dân rất khó do không có kinh phí. Hiện tại, Công ty Du lịch dịch vụ Hoa Hồng cũng đang có ý tưởng đưa khách sang tham quan và lưu trú trên sông nhưng cũng mới chỉ là dự kiến. “Bây giờ xã viên mạnh ai nấy làm, mình cũng không thu được gì do số tiền khách đưa họ cũng ít quá, lại lúc có lúc không. Chưa nói khách ở Hội An đi lẻ qua làng, thấy đó nhưng chịu, mà tụi tôi cũng đâu biết ngoại ngữ, nên chỉ còn cách là làm vài dịch vụ trội để khách đến bán vé nhưng ngặt một nỗi không biết làm cái gì đây” - ông Thuật cho biết.
Ông Đặng Văn Minh - Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Duy Xuyên cho rằng, việc huyện chủ trương thành lập Ban điều hành du lịch cộng đồng Trà Nhiêu vì nghĩ đây sẽ là đơn vị trung gian để giúp người dân xúc tiến với doanh nghiệp, cơ sở du lịch đến đầu tư hợp tác, nhưng do Trà Nhiêu mới chỉ ở dạng khởi đầu nên hiệu quả mang lại chưa cao chứ không phải lập ra ban điều hành để bán vé. “Phương án bán vé vào Trà Nhiêu là không khả thi vì đây là một điểm du lịch cộng đồng lấy tài nguyên sinh thái làm điểm thu hút khách để người dân mở các dịch vụ chứ không nghiêng về việc bán vé. Bây giờ muốn có nguồn thu chỉ có cách khuyến khích những mô hình mẫu thông qua các dịch vụ buôn bán nhỏ như mở cửa hàng ăn uống, giải khát, bán đồ thủ công mỹ nghệ…” - ông Minh gợi ý.
VĨNH LỘC