Lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn: Giảm chất lượng nước mặt
Các ngành chức năng đang rà soát, đánh giá tác động môi trường nguồn nước lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, nơi được xem bị đe dọa trực tiếp do hiện tượng thời tiết cực đoan.
Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích ứng với biến đổi khí hậu liên tục cảnh báo về thực trạng cũng như tương lai không mấy sáng sủa của dòng sông này rằng, khi việc xả lũ tùy tiện, kèm với lỗ hổng trong giám sát quy trình xả lũ các nhà máy thủy điện, thủy lợi… là nguyên nhân làm thay đổi dòng chảy với cường độ ngày càng khốc liệt. Nay mai người dân hạ du sẽ vẫn là đối tượng chịu thiệt hại chính. Phần lớn các nhánh sông nhỏ thuộc “sông mẹ” Thu Bồn đều bị giảm sút chất lượng nguồn nước, nhất là chất rắn lơ lửng. Cái giải pháp cứu sông hiện mới dừng lại ở khâu quan trắc, khảo sát, đánh giá…, trong khi diễn biến ô nhiễm nguồn nước gia tăng.
Chất lượng nguồn nước sông Thu Bồn giảm sút do nạn “sa tặc” và khai thác khoáng sản bừa bãi. Ảnh: H.PHÚC |
Theo khảo sát, các hiện tượng thiên tai và biến đổi khí hậu phức tạp làm ảnh hưởng đến cán cân nguồn nước lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Ngoài ra, hệ lụy của phát triển thủy điện thiếu bền vững tạo ra mâu thuẫn trong nhu cầu sử dụng nước, đe dọa an ninh nước. Phá rừng, khai thác khoáng sản, lấy nước bừa bãi, xả thải vô tội vạ… làm cho “sức khỏe” dòng sông đi xuống. Vì vậy, các nhà khoa học đưa ra nhiều biện pháp cần thực thi ngay, đó là đảm bảo dòng chảy tối thiểu, bảo vệ nghiêm ngặt rừng đầu nguồn, bảo vệ chất lượng nước, tuân thủ nguyên tắc xả thải ra nguồn, chống các hoạt động khai thác tài nguyên trên sông có thể gây sạt lở bờ, cân nhắc hợp lý các dự án thủy điện, cầu cảng, chuyển dòng chảy. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, việc vận dụng các biện pháp cấp bách trên không hề đơn giản. Bởi, các địa phương nằm trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn lâu nay vẫn… mạnh ai nấy khai thác, sử dụng tùy tiện tài nguyên sông.
Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng, khi chưa tìm được “tiếng nói chung” giữa các địa phương, thì cộng đồng dân cư đóng vai trò như chủ thể quyết định sự sinh tử của con sông. Các dự án khai thác và xả thải vào nguồn nước phải minh bạch thông tin, lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân liên quan. Trên thực tế, quy trình này gần như bị xem nhẹ, mặc dù từ Trung ương đến địa phương ban hành nhiều chính sách quản lý nước theo lộ trình cụ thể. Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và lồng ghép biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương trong tỉnh còn lúng túng, bị động do chờ vào nguồn phân bổ vốn hàng năm của ngân sách, nhà tài trợ. Vì thiếu hệ thống giám sát, quản lý chặt chẽ mà lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn nhiều năm rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”.
HỮU PHÚC