Chàng trai say mê gỗ

NGUYỄN ANH 30/07/2015 08:53

Tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh (Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng) nhưng vì đam mê nghệ thuật, anh Trần Ngọc Nhựt (xã Bình Nguyên, Thăng Bình) đã lựa chọn theo đuổi nghề điêu khắc gỗ.

Trần Ngọc Nhựt đang thực hiện tác phẩm điêu khắc tại cơ sở của mình. Ảnh: NGUYỄN ANH)
Trần Ngọc Nhựt đang thực hiện tác phẩm điêu khắc tại cơ sở của mình. Ảnh: NGUYỄN ANH)

Hiện nay, anh Trần Ngọc Nhựt là chủ của cơ sở điêu khắc gỗ tại Thăng Bình. Chỉ tay vào tác phẩm kỳ công đã nửa tháng nay, Nhựt nói: “Cái khó nhất khi thực hiện một tác phẩm nghệ thuật là mình phải thổi được hồn vào tác phẩm, như vậy mới truyền được cảm hứng cho người xem”. Nhìn cơ sở khang trang của anh Nhựt, ít ai biết, để xây dựng được cơ sở như ngày hôm nay, anh đã phải trải qua nhiều khó khăn để theo đuổi đam mê. Tốt nghiệp đại học xong, anh lại khăn gói học nghề tại làng mộc Kim Bồng (Hội An). Dù gia đình bạn bè ngăn cản, anh vẫn tin vào sự lựa chọn của mình. Bỏ ra hai năm để học nghề, đến những làng nghề mộc học hỏi kinh nghiệm, anh đã có thể tự tay làm ra những sản phẩm điêu khắc từ đơn giản đến phức tạp. Anh quyết định đi làm thuê một năm để học hỏi kinh nghiệm và vững tay nghề hơn với mong muốn ấp ủ là mở xưởng sản xuất đồ mỹ nghệ do mình làm chủ. Với quyết tâm và niềm say mê gỗ, đầu năm 2014, anh Nhựt xây dựng cơ sở điêu khắc gỗ Nhựt tại thôn Liễu Trì (Thăng Bình). Qua nhiều lần quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ triển lãm trong nước và các tỉnh Nam Ninh, Vân Nam, Đông Hưng… (Trung Quốc), sản phẩm của Nhựt được nhiều người biết đến và đặt hàng. Những sản phẩm như tranh, tượng, lục bình, táo, măng cụt…do xưởng làm ra được nhiều người yêu thích và không chỉ được giới sành đồ mỹ nghệ trong tỉnh biết đến mà còn được nhiều người ở các tỉnh, thành phố trong nước như: Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Nội, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Sài Gòn… tìm đến đặt hàng. Để áp ứng kịp nhu cầu đặt hàng của khách, cơ sở anh đã thuê 6 thợ điêu khắc với mức lương từ 200.000 - 500.000 đồng/người/ngày. Anh Nhựt chia sẻ: “Lúc đầu tôi vấp phải nhiều khó khăn khi quyết định chọn cho mình hướng đi hoàn toàn trái với chuyên ngành học của mình. Đầu tiên là áp lực gia đình, bạn bè khi biết được quyết định của tôi. Thứ hai là vì chưa có kiến thức về nghề nên tôi phải học tất cả lại từ đầu với những kiến thức cơ bản nhất. Đến khi học được nghề, muốn mở xưởng thì không đủ vốn liếng. Tuy nhiên, với quyết tâm theo đuổi nghề đến cùng, tôi đã vượt qua mọi trở ngại để có được như ngày hôm nay”.  

Hiện nay, Trần Ngọc Nhựt không những tạo được thu nhập ổn định cho chính mình mà còn giúp nhiều thanh niên tại địa phương có mong muốn và yêu thích nghề điêu khắc gỗ theo học nghề tại cơ sở. Năm 2014, từ nguồn kinh phí khuyến công, anh Nhựt đã phối hợp với Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thăng Bình mở lớp đào tạo, truyền nghề cho nhiều thanh niên đam mê nghề điêu khắc gỗ trên địa bàn huyện Thăng Bình. “Lớp học nghề này gồm 6 thanh niên, hy vọng thông qua lớp học nghề, những thanh niên này sẽ vững vàng tay nghề để có thể kiếm được việc làm với thu nhập ổn định” - anh Nhựt nói.

NGUYỄN ANH

NGUYỄN ANH