Ô nhiễm môi trường di sản - Bài 2: Thách thức Cù Lao Chàm

LÊ QUÂN - KHÁNH LINH 28/07/2015 08:51

Lượng khách ngày càng tăng, số lượng nhà vệ sinh hạn chế, rác thải khó xử lý vì thiếu điện, hạ tầng không đáp ứng kịp, nếp sống thay đổi… khiến Cù Lao Chàm rơi vào tình trạng báo động ô nhiễm môi trường tự nhiên và cả văn hóa…

  • Ô nhiễm môi trường di sản - Bài 1: Phố cổ kêu cứu

Bài toán nước ngọt - nhà vệ sinh

Theo báo cáo của Trung tâm Xúc tiến du lịch TP.Hội An, chỉ trong 6 tháng đầu năm, lượng khách đến Cù Lao Chàm đã gần bằng tổng lượng khách của năm 2014, ước tính 183 nghìn lượt khách. Cá biệt, dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5 vừa qua, Cù Lao Chàm đón hơn 6.000 lượt khách. Như một điểm đến mới trong khoảng chừng 5 năm trở lại đây, Cù Lao Chàm cũng đã bắt đầu có những dấu hiệu của việc quá tải. Ông Trần Hưng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Cù Lao Chàm chia sẻ: “Thử tưởng tượng là 3.000 - 4.000 nghìn người ra đảo với dân số khoảng 1.500 - 2.000 người thì không thể nào phục vụ nổi. Hạ tầng không chắc chắn sẽ làm giảm chất lượng dịch vụ. Hậu quả là khách chưa đi thì nghe rất ham nhưng khi đi rồi, gặp chất lượng dịch vụ như vậy thì nguy cơ Cù Lao Chàm sẽ đánh mất danh tiếng”. Hiện tại, Cù Lao Chàm đang đối mặt với 2 vấn đề chính, theo các nhà lữ hành, việc xả nước thải của nhà hàng gây tù đọng thành ao lớn  tại Bãi Ông đã bốc mùi hôi. “Nếu không xử lý kịp thời thì Bãi Ông vỡ, cũng đồng nghĩa vỡ cả Cù Lao Chàm vì Bãi Ông chứa đến 3.000 - 4.000 nghìn khách” - ông Hưng nói.

Khách đông, lượng rác nhiều nên Phòng TN-MT phải huy động người dân, thanh niên đi vớt rác ven biển.Ảnh: T.QUÂN
Khách đông, lượng rác nhiều nên Phòng TN-MT phải huy động người dân, thanh niên đi vớt rác ven biển.Ảnh: T.QUÂN

Khách gia tăng, tạo áp lực mạnh mẽ lên môi trường và cuộc sống người dân trên đảo khi nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng suy kiệt, cạn dần. Dù chưa có thống kê cụ thể lượng nước khách tiêu thụ vào việc ăn uống, tắm rửa mỗi ngày là bao nhiêu nhưng hiện tại nhiều giếng trên đảo đã trở nên khô cạn, trong đó bể chứa nước gần 80 nghìn khối tại Bãi Bìm nay cũng đang đối diện với nguy cơ thiếu hụt. Nghiêm trọng hơn là môi trường sống đang ngày bị ô nhiễm, nhất là tại Bãi Ông và Bãi Làng với lượng rác thải từ khách mỗi ngày rất lớn và đi cùng với đó là ruồi muỗi phát sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân trên đảo. Rất nhiều khách sau khi tham quan bảo tàng, chùa và một vài di tích trên đảo, phải nhanh chóng tìm cách trốn tránh sự chào mời của các hàng quán hai bên đường làng. “Chúng tôi rời đảo chính để đến bãi tắm tại một đảo nhỏ cách đó chỉ 2 phút ca nô. Thế nhưng, ở bãi tắm này ca nô đậu kín, khiến cho nhiều du khách không khỏi thất vọng và e dè khi tắm ở nơi “2 trong 1” vừa có bến tàu, vừa là bãi tắm. Sự e dè này khiến rất nhiều du khách tiếc rẻ, quyết định bỏ qua tắm biển, thay vào đó là đi lặn biển, ngắm san hô tại một vịnh nhỏ cách không xa” - anh Lê Văn Anh (du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh) bộc bạch.

lượng khách ra đảo Cù Lao Chàm dịp 30.4 lên đến 6.000 khách/ngày.
lượng khách ra đảo Cù Lao Chàm dịp 30.4 lên đến 6.000 khách/ngày.

Hiện nay hàng nghìn khách tới Cù Lao Chàm mỗi ngày đều phải dùng chung một nhà tắm tập thể nhỏ xíu dành cho du khách. Cũng tương tự như vậy, vẻn vẹn 4 buồng WC công cộng trên Bãi Ông không thể nào đáp ứng được nhu cầu của từng ấy du khách. Khỏi phải nói về sự khó chịu của du khách khi nhẫn nại xếp hàng chờ đến lượt mình được vào… nhà vệ sinh. Ông Nguyễn Thanh Sơn (Phòng TN-MT TP.Hội An) cho biết: “Việc xử lý môi trường tại Cù Lao Chàm căng là do nơi đây điện lưới còn khó, mà để giải quyết hiệu quả vấn đề này thì phải xử lý theo công nghệ hiếu khí nên gây mùi hôi. Có nghĩa là tận dụng ô xy tổng hợp lại với chất hữu cơ có trong nước thải sinh hoạt để lượng khí thoát ra chỉ là CO2 và chất này thì không màu, không mùi và ít tác dụng đến môi trường. Tuy nhiên, giải pháp này cũng có hạn chế là cần phải vận hành bằng điện. Tóm lại vấn đề Cù Lao Chàm đối diện hiện nay là cơ sở hạ tầng để khách đi vệ sinh và xử lý nước thải chưa có”.

Khống chế lượng khách ra đảo\

Ông Trần Ánh - Phó Bí thư Thành ủy Hội An nói vui rằng, bây giờ kiếm thợ xây dựng ở Cù Lao Chàm còn khó hơn tìm kỹ sư. “Chưa nói giá ngày công cao gấp rưỡi trong đất liền, bây giờ muốn xây dựng gì phải kêu người trong đất liền ra. Trước đây, 90% dân Cù Lao Chàm làm nghề đánh cá ven bờ, đời sống rất khó khăn, thậm chí mùa biển động là thiếu đói nhưng bây giờ đã trở nên khá giả hơn rất nhiều nhờ du lịch. Vì vậy lối suy nghĩ và nếp sống cũng trở nên thay đổi” - ông Ánh nói. Nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch. Bây giờ đến Cù Lao Chàm, từ người hái rau rừng, đan võng ngô đồng tới tiểu thương đều ở tâm thế của người lao động du lịch. Kiểu làm du lịch tự phát, thiếu kỹ năng khiến phần đông du khách đến Cù Lao Chàm thất vọng. Lực lượng ngư dân “lên bờ” để làm du lịch ngày càng đông. Chưa kể sản vật tự nhiên tại Cù Lao Chàm ngày càng trở nên khan hiếm, việc được thưởng thức một “đặc sản” tại đây cũng trở nên khó khăn.

Bà Đinh Thị Thu Thủy - Trưởng phòng Thương mại và du lịch Hội An cho rằng, mục tiêu phát triển du lịch bền vững tại Cù Lao Chàm đang phải đối diện với áp lực khách gia tăng quá lớn. Trong đó, việc giải quyết các vấn đề môi trường như xử lý rác thải, diệt ruồi muỗi ngày càng phức tạp và tốn kém. “Chúng tôi đã từng mời Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh ra đảo bơm thuốc diệt ruồi muỗi 2 ngày hết 5 triệu đồng nhưng sang ngày thứ 3 thì ruồi muỗi xuất hiện lại” - bà Thủy nói. Còn theo ông Nguyễn Văn An - Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp (Cù Lao Chàm, Hội An), vấn đề “đau đầu” nhất của xã hiện nay là xử lý lượng rác thải mỗi ngày trên đảo khi mà điểm xử lý trước đây tại Eo Gió đã quá tải. Áp lực Cù Lao Chàm đang phải đối diện, nặng nhất là môi trường tự nhiên, điều thứ 2 khiến không ít người trăn trở, chính là lực lượng phục vụ du lịch tại đây. “Lượng khách ra quá nhiều nhưng lượng cung thì không đủ sức, kể cả dịch vụ, phương tiện vận chuyển, thứ hai là đội ngũ lao động đáp ứng cho hoạt động du lịch chưa đủ tầm kể cả về lượng cũng như chuyên môn” - ông Trần Ánh nói thêm.

Để phần nào đó giải quyết tình trạng ô nhiễm ngày một báo động tại Cù Lao Chàm, từ ngày 1.7.2015, TP.Hội An hạn chế số lượng khách ra đảo mỗi ngày. Theo đó, trong khoảng thời gian từ 7 - 14 giờ hằng ngày, số lượng khách ra đảo không vượt quá 3.000 khách. Trước đây, để cạnh tranh và đưa được nhiều khách ra đảo, nhiều doanh nghiệp cho ca nô quay đầu liên tục vừa gây sự quá tải lượng người lên đảo, vừa không an toàn cho khách; thậm chí có nhiều trường hợp theo hợp đồng, khách ra đảo buổi sáng đến sau 14 hoặc 15 giờ mới vào bờ thì trong thực tế khoảng 12 giờ chủ phương tiện (ca nô) đã gọi khách rời đảo. Mục đích của việc cắt bớt thời gian tham quan của khách trên đảo là tranh thủ vào bờ sớm để đón khách khác ra đảo kịp trong ngày. Điều này đã gây không ít phiền toái cho các du khách khi phải rút ngắn hành trình để lên ca nô về đất liền. Chủ trương cấm quay đầu phương tiện ra đảo đồng nghĩa với mỗi phương tiện chỉ được xuất phát một lần (riêng doanh nghiệp nào có 1 - 2 ca nô thì cho phép quay đầu một lần đảm bảo tối thiểu mỗi doanh nghiệp được 3 chuyến trong ngày); số khách còn lại được vận động chuyển sang qua trưa có thể chiều về hoặc ở lại qua đêm nhằm giúp giãn khách ra đảo trong một thời điểm. Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng sụt giảm nguồn tài nguyên thiên nhiên trên đảo, hiện nay thành phố đã cấm khai thác cua đá trong mùa sinh sản, còn những cua đá được khai thác phải được dán tem sinh thái, đáp ứng đúng kích thước theo quy định.

Biện pháp khống chế khách ra đảo cũng chỉ là phương án tạm thời, một khi chưa tìm ra cách giải quyết rốt ráo thì những thực trạng đáng buồn lâu nay tại Cù Lao Chàm vẫn luôn thường trực!

LÊ QUÂN - KHÁNH LINH

Bài cuối: Tìm cách làm sạch môi trường
Tìm kiếm các tổ chức quốc tế, tổ chức các hội thảo khoa học tìm cách xử lý rác thải, tuyên truyền nâng cao ý thức… đang được chính quyền tại các khu vực di sản tích cực thực hiện để trả lại một môi trường sạch.

LÊ QUÂN - KHÁNH LINH