ILO: Lao động Việt Nam trẻ tuổi, năng động

NAM VIỆT 27/07/2015 15:51

(QNO) - Đa số lao động Việt Nam thuộc thành phần trẻ tuổi, năng động, sẵn sàng di chuyển tại các thị trường lao động trong nước để tìm việc làm.

Trên đây là báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam vào tuần qua. Cụ thể, hiện nhóm thanh niên trẻ tuổi và năng động là nhóm lớn nhất trong số 18 triệu lao động làm công ăn lương tại Việt Nam hiện nay. Đó là những đặc điểm rất cần thiết trong cơ cấu lao động, đáp ứng nhu cầu thị trường việc làm trong bối cảnh hiện nay cũng như cho những năm sau này, tạo động lực phát triển kinh tế quốc gia. Những người làm công ăn lương thường được đảm bảo bằng các hợp đồng lao động chính thức, nhờ đó có điều kiện làm việc cũng như vị thế trong cơ cấu  kinh tế - xã hội tốt hơn.

Tổng Giám đốc ILO tại Việt Nam - ông Gyorgy Sziraczki nói, trong tổng số lực lượng lao động hiện có tại Việt Nam thì số nhân công kiếm việc trong nền kinh tế chính thức vốn đang được mở rộng, theo hướng xuất khẩu năng động nhất, đó là trong lĩnh vực xuất may mặt và điện tử. Lao động di cư trong nước chiếm xấp xỉ 38% lao động làm công ăn lương, với tỷ lệ lao động nữ (48%) rời quê hương đi làm việc cao hơn nam giới (32%).

Thống kê của ILO còn cho hay, cứ 10 lao động làm công ăn lương thì có 7 người đã kết hôn. Đó là nhờ vào tầm quan trọng của các chính sách thân thiện với gia đình, bao gồm chế độ nghỉ thai sản và khả năng sắp xếp công việc linh hoạt, nhằm thu hút và duy trì nguồn nhân tài. Cũng vậy, hãng tin kinh doanh Bloomberg nhận định, kết cấu dân số trẻ và chi phí nhân công thấp đang là những “điểm cộng” giúp Việt Nam trở thành công xưởng mới của châu Á. ILO dự báo, nếu như vào năm 2005, số lượng lao động làm công ăn lương chỉ ở mức 13,5 triệu (tương đương 29% tổng số việc làm) thì đến năm 2025, con số này sẽ đạt mức 25 triệu người, tức khoảng 44% tổng số việc ở Việt Nam.

Tuy nhiên, ILO thừa nhận sự tồn tại tình trạng mất cân bằng giới trong cơ cấu các ngành nghề. Điển hình như, lao động nữ thường chiếm áp đảo trong lĩnh vực may mặc trong khi nam giới áp đảo trong ngành xây dựng, thủy hải sản. Ngoài ra, một trong những hạn chế mà Việt Nam cần nhiều cố gắng, nỗ lực khắc phục trong thời đại hội nhập, đó là nhiều lao động hưởng lương có trình độ học vấn tương đối thấp, như mới tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc thấp hơn. Việc đào tạo kỹ năng nghề nhiều nơi còn chưa tương xứng với nhu cầu của thị trường lao động. Nhưng dẫu sao, 18% số lao động làm công ăn lương đã bắt đầu học đại học và cao hơn và tỷ lệ này tiếp tục tăng.

Tổng Giám đốc Gyorgy Sziraczki cho rằng, việc phát thảo tình trạng lao động Việt Nam của ILO nhằm giúp Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách tiếp tục có những chính sách, giải pháp phù hợp hơn trong giáo dục, đào tạo lao động, sử dụng lao động đáp ứng hình phát triển kinh tế của quốc gia, kể cả cho tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế hiện đang diễn ra rất nhanh chóng. Qua đó giúp cải thiện và nâng cao thu nhập cũng như chất lượng cuộc sống cho người lao động, kích thích kinh tế đất nước.

Theo kế hoạch, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCN) phối hợp với (ILO) sẽ có báo cáo về Dự án xây dựng báo cáo thị trường lao động thường niên của VCCI vào cuối năm nay. Được biết, báo cáo sẽ tập trung vào vấn đề kĩ năng lao động và mối tương quan với năng suất lao động, một vấn đề mà Việt Nam rất quan tâm.

NAM VIỆT

NAM VIỆT