Khó ngăn chặn phá rừng giáp ranh

VÕ TRƯỜNG 24/07/2015 08:53

Làm việc với các cơ quan chức năng và các địa phương liên quan về tình trạng phá rừng, khai thác lâm khoáng sản trái phép vùng giáp ranh với huyện Bắc Trà My vào chiều 22.7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cho rằng, để kéo dài tình trạng này là do sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương, cụ thể ở đây là cấp xã, nhiều diện tích rừng bị phá chậm được phát hiện nên rất khó điều tra, xác định đối tượng…

Chưa kiểm soát được

Báo cáo của cơ quan chức năng tại buổi làm việc cho biết, tình trạng phá rừng, khai thác lâm khoáng sản tại khu vực vùng giáp ranh giữa huyện Bắc Trà My (chủ yếu ở các xã Trà Kót, Trà Đông, Trà Dương, Trà Đốc) với các huyện Phú Ninh, Núi Thành, Tiên Phước và Hiệp Đức đang diễn ra hết sức phức tạp. Nổi lên là phá rừng để làm vàng; phá rừng để san ủi, mở đường trái phép; phá rừng để khai thác gỗ…
Theo ông Nguyễn Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, từ năm 2010 đến nay, có hơn 30 vụ vi phạm rừng vùng giáp ranh, thiệt hại hơn 77ha rừng (trong đó thuộc địa bàn Bắc Trà My đã lập biên bản 30 vụ, diện tích thiệt hại trên 61,5ha). Tuy vậy, đến nay chỉ mới điều tra khám nghiệm hiện trường 5 vụ, diện tích trên 7ha, còn 25 vụ, diện tích rừng thiệt hại trên 54ha chưa được điều tra xử lý. Điều đáng nói, những vụ phá rừng này cơ quan chức năng địa phương đều biết, nhưng không thể kiểm soát hết được. Ông Nhuần dẫn chứng có vụ phá rừng ở Trà Kót phải đến hai tháng mới phát hiện. Như vậy làm sao truy được người phá. Hiện ở địa bàn này vẫn chưa hết nóng bởi đây là vùng giáp ranh với xã Tam Lãnh, nên tình trạng phá rừng vì mục đích làm vàng vẫn đang tái diễn ở nhiều nơi, chưa thể ngăn chặn được.

Nhiều khu vực rừng giáp ranh huyện Bắc Trà My đang là điểm nóng của tình trạng phá rừng, khai thác lâm khoáng sản. Ảnh: V.T
Nhiều khu vực rừng giáp ranh huyện Bắc Trà My đang là điểm nóng của tình trạng phá rừng, khai thác lâm khoáng sản. Ảnh: V.T

Ông Đặng Bá Dự - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho rằng, vấn đề quan tâm hiện nay vẫn là câu chuyện quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ khu vực hồ Phú Ninh. Việc phối hợp với nhau trong xử lý giữ rừng và đất rừng chưa tốt. Ông Dự nói: “Thường thì chúng ta hay bắt được người trồng cây trên diện tích rừng đã phá, còn người phá rừng thì đã cao chạy xa bay”. Ông Nguyễn Minh Khả - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cũng nêu ý kiến này: “Anh phá rừng rồi bỏ đi, giờ cơ quan chức năng chỉ bắt gặp anh trồng rừng nên sao đây? Bản chất anh phá rừng và anh trồng rừng trên diện tích rừng đã phá là một, cần xử lý nghiêm, nên thu hồi cả đất rừng và cây trên đó”.

Khó xử lý

Ông Lê Trí Hiệu - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho hay, hiện việc xử lý tình trạng phá rừng rồi khai thác lâm, khoáng sản trái phép chưa có một quy định chung nào từ tỉnh; vì vậy mỗi huyện xử lý mỗi cách. Trên lĩnh vực này huyện Tiên Phước đã ban hành 111 quyết định thu hồi đất, tài sản trên đất với diện tích trên 294ha nhưng hầu hết đều vắng chủ. Việc xử lý tài sản trên đất gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, có những rừng keo 8 - 9 năm tuổi, huyện đã ra quyết định thu hồi đất, giờ đất vô chủ chẳng lẽ lại buộc huyện phải quản lý cả cây rừng. Nhưng quản lý  thì quản lý làm sao nổi. Thế mới tiếp tục tái diễn tình trạng rừng bị lén lút khai thác. Về vấn đề này Tiên Phước đề nghị tỉnh giao cho địa phương xử lý, bán những cây gỗ keo trên những diện tích đất rừng đã thu hồi nộp ngân sách, giao đất lại cho chính quyền sở tại. Ý kiến này được sự đồng tình của nhiều địa phương.

Đề nghị bịt “tuyến đường lâm tặc”
Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo 2 huyện Bắc Trà My và Phú Ninh xem xét, triển khai bịt tuyến đường mòn mà người dân địa phương thường gọi là “tuyến đường lâm tặc” nối từ dốc Chữ A (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh) kéo dài đến dốc Núi Kẽm (xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My). Tuyến đường này trước đây do Công ty Vàng Bồng Miêu mở đường thăm dò vàng, giờ chủ yếu phục vụ cho đối tượng phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép. Biện pháp bịt là giao nhân dân trồng rừng trên tuyến đường này.

Thêm nữa, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng đang diễn ra tại các vùng giáp ranh hiện nay theo ông Nguyễn Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức là hết sức tinh vi. Đối tượng lấn chiếm đất rừng chỉ việc rải hạt keo, sau đó đốt rừng và như thế chỉ một thời gian keo con sẽ mọc lên…, và họ có được rừng keo. Còn phá rừng thì họ phá từ trong ra, khi phát hiện cũng là lúc rừng cơ bản đã phá xong. Cũng theo ông Hoa, một trong những nguyên nhân nóng lên tình trạng phá rừng để trồng rừng là vì giá keo lên cao, giá cao su xuống thấp và nhu cầu cần đất sản xuất của dân rất lớn. Bởi vậy, một trong những giải pháp có tính bền vững là UBND tỉnh nên tính toán sớm thanh lý những diện tích rừng dự án 327 (sau là 661), giao lại cho dân sản xuất. Bởi hiện diện tích đất rừng dạng này khá lớn nhưng không hiệu quả. Ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam cho biết thêm: “Đối tượng khai thác ở vùng rừng của huyện này, nhưng khi lực lượng chức năng phát hiện thì dạt qua huyện kia. Nhiều lúc anh em phát hiện, di chuyển lên đến hiện trường thì các đối tượng đã lẩn trốn hay bỏ sang địa phận khác. Trong khi đó lực lượng kiểm lâm địa bàn rất mỏng, có kiểm lâm phụ trách đến 2 xã nên công tác tuần tra theo yêu cầu thường xuyên ở vùng giáp ranh là lực bất tòng tâm”.

Trên tinh thần lắng nghe, ghi nhận sự phản ánh đề xuất từ các địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn yêu cầu các cơ quan chức năng, huyện Bắc Trà My cũng như các huyện Tiên Phước, Núi Thành, Phú Ninh, Hiệp Đức cần tập trung vào cuộc bằng tinh thần hết sức quyết tâm để ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác lâm khoáng sản trái phép đang diễn ra hết sức phức tạp hiện nay. Cạnh đó, Sở NN&PTNT cần chủ trì phối hợp với UBND các huyện nói trên rà soát lại việc cấp đất lâm nghiệp địa bàn vùng giáp ranh thời gian qua, đồng thời xây dựng quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng. UBND tỉnh cũng giao Công an tỉnh phối hợp với các địa phương và lực lượng công an các huyện điều tra, xử lý dứt điểm các vụ phá rừng, đặc biệt các vụ vi phạm ở vùng giáp ranh, những vụ phá rừng, khai thác lâm khoáng sản có đối tượng bảo kê…

VÕ TRƯỜNG

VÕ TRƯỜNG