Chương trình giáo dục giảm nhẹ rủi ro thiên tai: Bổ ích và thiết thực

BÙI THỊ THANH MINH 23/07/2015 09:50

Năm học 2014 - 2015, chương trình giáo dục giảm nhẹ rủi ro thiên tai (RRTT) được tổ chức thí điểm tại Trường THCS Nguyễn Khuyến (phường An Phú, Tam Kỳ). Qua 1 năm thực hiện và nhận thấy những giá trị tích cực, Phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ đã lên phương án để tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình học tập này.

Rèn luyện kỹ năng sống

Phong phú, thiết thực và hấp dẫn, đó là những đặc điểm chung của một lớp học giảm nhẹ RRTT. Tiết học kéo dài 45 phút với phần lý thuyết và thực hành đan xen về 5 loại hình RRTT: bão, lũ lụt, sạt lở đất, động đất, sóng thần. Một lớp học được chia thành 5 nhóm nhỏ tương tác trong suốt giờ học. Bên cạnh đó, học sinh (HS) còn được thực hành một số kỹ năng như: phòng cháy chữa cháy; chuẩn bị túi dụng cụ khẩn cấp và họp gia đình; sơ cấp cứu khi gãy tay, chân, băng bó cầm máu vết thương; làm bao cát; khảo sát thực tế trường học và vẽ sơ đồ, lên phương án phòng chống… Lớp học khơi gợi sự ham muốn hiểu biết về tiến trình để đi đến hành động là kiến thức - quan tâm - mong muốn - hành động.

Giáo viên tiểu học tập huấn nhân rộng chương trình giáo dục giảm nhẹ RRTT và giờ thực hành phòng cháy chữa cháy. Ảnh: B.T.T.M
Giáo viên tiểu học tập huấn nhân rộng chương trình giáo dục giảm nhẹ RRTT và giờ thực hành phòng cháy chữa cháy. Ảnh: B.T.T.M

Điểm nổi bật của lớp học giảm nhẹ RRTT là sau phần học lý thuyết, các em sẽ trực tiếp được thực hành, được chạm tay vào thiên nhiên, bám sát vào thực tế để hoàn thành bài học. Một buổi học về túi dụng cụ khẩn cấp và họp gia đình đòi hỏi các em tư duy, sắp xếp những vật dụng cần thiết ưu tiên cho từng nhóm đối tượng khi sơ tán. Sau đó, các em phải trình bày, thảo luận để làm rõ các nguyên tắc ưu tiên cho từng nhóm đối tượng như phụ nữ có thai, người già, trẻ sơ sinh, người khuyết tật và bản thân mình. Trong công tác khảo sát thực địa, HS phải nắm được những đặc điểm về thời tiết, đất đai, xác định được các hướng đông - tây - nam - bắc, hình dung được các lối thoát hiểm. Để đạt được yêu cầu sau giờ học, HS phải vẽ được sơ đồ khảo sát và lên phương án phòng chống phù hợp với thực địa. Giờ học về phòng cháy chữa cháy, các em được trực tiếp sử dụng bình chữa cháy, dập đám cháy bằng cát, nước và bình CO2, đặt mình vào tình huống giả định để thực hành.

Tiếp tục nhân rộng

Lớp học nằm trong dự án “Nâng cao năng lực giảm nhẹ RRTT cho trường học và cộng đồng ven biển tỉnh Quảng Nam” do tổ chức SEED ASIA - Nhật Bản tài trợ không hoàn lại với kinh phí 219.927USD. Dự án này được UBND tỉnh giao cho Sở GD-ĐT quản lý, phối hợp triển khai thực hiện.

Thực hiện chỉ đạo của Sở GD-ĐT, bắt đầu từ năm học 2015 - 2016, Phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ triển khai nhân rộng chương trình giáo dục giảm nhẹ RRTT đến các trường tiểu học và THCS trên địa bàn thành phố. Nhà trường xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hàng năm gồm: nội dung chương trình dạy, thời khóa biểu, phân công nhân sự, bố trí phòng học… Điểm đáng chú ý là việc đa dạng hóa các hình thức giáo dục giảm nhẹ RRTT thông qua việc kết hợp ngoại khóa và nội khóa, tạo môi trường để HS thực hiện, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Thầy Bùi Tấn Nhã - Phó Trưởng phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ cho biết: “Kiến thức và cách phòng chống thiên tai là một trong những kỹ năng sống cần có cho HS. Điều này càng trở nên ý nghĩa khi biến đổi khí hậu toàn cầu đang là một thách thức lớn đối với sự tồn tại của loài người. Do đó, sự nhân rộng mô hình dạy học thiết thực này đang là điều chúng tôi hướng đến”.

Nhận xét về các lớp học, bà Hisayo Morikawa - đại diện tổ chức SEEDS ASIA tại Việt Nam chia sẻ: “Thời gian đầu tham gia hoạt động về giáo dục giảm nhẹ RRTT tại trường học Việt Nam, tôi thấy rằng HS khá bị động khi ngồi ở bàn và chờ hướng dẫn của giáo viên. Tôi ví bài học như là dòng nước chảy từ thượng nguồn về hạ nguồn một cách vô thức vậy. Sau đó, tôi nghĩ sự bị động này có thể thay đổi sang chủ động tùy vào kỹ năng, động lực, và trình độ của giáo viên. Tôi nhận thấy, làm việc theo nhóm rất hiệu quả, đặc biệt đối với các em HS thụ động trong lớp. Các em được phân công làm một nhiệm vụ sẽ có cơ hội bày tỏ ý kiến, đóng góp cho nhóm”. Cô giáo Nguyễn Thị Lệ Thu (Trường THCS Nguyễn Khuyến) cho biết: “Lớp học giảm nhẹ RRTT bao giờ cũng tạo được sự hứng thú, đam mê cho các em HS. Chương trình học không áp đặt, tạo ra khám phá mới mẻ về thiên nhiên, về cuộc sống. Điểm đặc biệt của chương trình học là các em có thể được thực hành ngay, được áp dụng vào thực tế và có thể chia sẻ những kiến thức được học đến bạn bè, người thân”.

BÙI THỊ THANH MINH

BÙI THỊ THANH MINH