Tiêm vắc xin và tăng cường công tác truyền thông cho người dân vùng dịch
Trước tình hình dịch bệnh bạch hầu đang bùng phát tại 2 thôn 8A và 8B của xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, bác sĩ chuyên khoa I Trần Văn Hoàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Tiêm vắc xin là phương pháp duy nhất để phòng bệnh. Những bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu tại 2 thôn 8A và 8B của xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn đều là những người trước đây chưa tiêm phòng vắc xin phòng bệnh. Mặc dù họ đã được cán bộ y tế vận động nhiều lần nhưng do quan niệm sai lầm và hủ tục lạc hậu nên không ai chịu chủng ngừa. Để ngăn chặn dịch bệnh tiếp tục lây lan, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đang lập kế hoạch tiêm chủng cho tất cả người dân chưa được chủng ngừa tại 2 thôn 8A và 8B của xã Phước Lộc trong thời gian sớm nhất”. Ông Hoàn cũng cho biết thêm, công tác truyền thông phòng chống bệnh bạch hầu theo chuẩn của Bộ Y tế đã được triển khai đến vùng dịch. Trước yêu cầu cấp thiết từ Sở Y tế, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh cũng đã tuyên truyền nội dung khuyến cáo phòng bệnh bạch hầu trên sóng phát thanh đồng thời xây dựng các thông điệp phòng bệnh bạch hầu phát trên sóng truyền hình Đài Phát thanh truyền hình tỉnh để nâng cao kiến thức giúp cho người dân biết cách tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Thông tin từ Bộ Y tế, bệnh bạch hầu trước đây lưu hành khá phổ biến ở hầu hết địa phương trên cả nước; từ khi vắc xin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc xin phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Hiện bệnh bạch hầu vẫn chưa được loại trừ, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh. Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: Quinvaxem hoặc DTP, Td đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Lịch tiêm chủng vắc xin DTP hoặc Quinvaxem:
Mũi thứ 1: tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi
Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng
Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng
Mũi thứ 4: khi trẻ 18 tháng tuổi.
PHÚC VIỆT