Lại phập phồng lo trường lớp
Còn khoảng một tháng nữa là bước vào năm học mới 2015 - 2016, nhưng không ít trường học ở Quảng Nam đang trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng, gây nguy cơ mất an toàn cho học sinh và giáo viên.
Hư hỏng, bong tróc
Thời gian qua, dãy phòng học 2 tầng của Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (xã quế Phú, Quế Sơn) ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Các học sinh của trường phải học tập trong những căn phòng chật chội, cũ kỹ với những mảng tường loang lổ… Nhiều điểm xuất hiện vết nứt, gãy và các khe hở lớn, có chỗ lòi cả lõi sắt bên trong. Dọc hành lang các phòng học, những mảng tường bong tróc, chực rơi bất cứ lúc nào, rất nguy hiểm cho các học sinh trong những giờ ra chơi.
Thầy Nguyễn Văn Liễn - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Cừ cho biết, ngôi trường được xây dựng vào năm 1983, theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Sau hơn 30 năm đưa vào sử dụng, các dãy phòng học nay đã xuống cấp nghiêm trọng. “Năm học 2014 - 2015, nhà trường được UBND tỉnh hỗ trợ 400 triệu đồng để sửa chữa phòng học. Số tiền này chỉ đủ gia cố phần mái để chống thấm dột, gắn thêm cửa vào một số phòng học ở tầng 2, còn phần kết cấu bên trong thì trường không có khả năng xử lý. Thời gian qua, trường đã rất cố gắng duy trì cơ sở vật chất để dạy và học” - thầy Liễn nói.
Trường Phổ thông DTNT Hiệp Đức nằm bên miệng vực rất nguy hiểm cho học sinh (ảnh lớn).Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Quế Sơn) xuống cấp nặng, trần bị bong tróc nham nhở. Ảnh: LÊ NGUYỄN |
Năm học mới 2015 - 2016, Trường THPT Nguyễn Văn Cừ sẽ có hơn 1.200 học sinh các khối lớp theo học. Nhưng với điều kiện trường lớp xuống cấp, hư hỏng nặng như vậy không đảm bảo an toàn cho học sinh và thầy cô giáo trong trường. Ông Lê Công Ánh - Phó ban Đại diện Hội cha mẹ học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Cừ cho biết: “Phụ huynh chúng tôi rất lo lắng khi con em mình phải học trong ngôi trường xuống cấp như vậy. Ngày mưa thì nước dột ướt hết, tường và trần bong tróc rất nguy hiểm. Chúng tôi rất mong cấp trên sớm sửa chữa cơ sở vật chất để các em học sinh bước vào năm học mới được an toàn”.
Nằm trên bờ vực
Đó là Trường Phổ thông dân tộc nội trú (DTNT) Hiệp Đức, nằm trên địa bàn xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức. Trường Phổ thông DTNT Hiệp Đức được thành lập vào tháng 9.2003, trên cơ sở tách ra từ Trường THCS Nguyễn Bá Ngọc. Do bị xuống cấp nên ngày 16.3.2012, UBND tỉnh phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng lại trường, gồm khối nhà lớp học 12 phòng và san nền trên diện tích sử dụng đất 16.137m2; tổng mức đầu tư hơn 7,6 tỷ đồng từ vốn ngân sách nhà nước.
Sau một năm xây dựng, khối phòng học gồm 12 phòng của Trường Phổ thông DTNT Hiệp Đức được hoàn thành cuối tháng 5.2015 (giai đoạn 1, kinh phí thực tế trên 10 tỷ đồng). Tuy công trình chưa được bàn giao, nhưng tại một số điểm sát mép hố phía sau xuất hiện vết nứt, nhà trường phải dùng xi măng để gia cố, đồng thời huy động học sinh trồng cỏ quanh các chân tường để tránh bị xói lở. Cạnh đó, hành lang phía trái của khối phòng học dù mới xây dựng nhưng đã phải 2 lần sửa chữa do bị bong tróc gạch khiến thầy cô và học sinh nhà trường không khỏi lo lắng. Thầy Trần Văn Hoàng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT Hiệp Đức cho biết: “Trong thiết kế, nhà trường cũng đã nhiều lần đề nghị đơn vị thi công và chủ đầu tư xây dựng phải đảm bảo an toàn cho học sinh của trường, bởi các em học và ăn ở gần như 24/24 giờ tại trường. Nhà trường đề nghị làm thêm khung bảo vệ trước phòng học cũng như rào chắn để đảm bảo an toàn cho các em”.
Khối 12 phòng học của trường chưa bàn giao nhưng đã gặp sự cố đáng lo ngại, bởi nó được xây dựng bên... vực thẳm. Lý giải việc chọn vị trí xây dựng này, thầy Trần Văn Hoàng cho biết, do nhà trường đề xuất, thống nhất với chủ đầu tư và đơn vị thi công. Chọn vị trí này để có diện tích làm sân chơi và xây dựng nhà chức năng cho học sinh trong giai đoạn 2 của dự án. “Chúng tôi đề nghị chủ đầu tư, UBND tỉnh có giải pháp để đảm bảo an toàn khi bàn giao đưa vào sử dụng công trình khối phòng học mới của trường” – thầy Hoàng nói.
LÊ NGUYỄN