Hội An xây dựng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch: Bắt đầu từ văn hóa…
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.Hội An (diễn ra từ ngày 22 đến 24.7), Bí thư Thành ủy Hội An - ông Kiều Cư khẳng định, Đảng bộ sẽ tăng cường phát huy dân chủ, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu; huy động các nguồn lực, tiếp tục xây dựng Hội An phát triển bền vững theo định hướng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch.
Theo ông Kiều Cư, Hội An sẽ không còn là Hội An nữa nếu như chúng ta không nhận diện mình bằng những hành động cụ thể. Con đường cha ông đã chọn và các thế hệ hôm nay tiếp tục chọn là hoàn toàn đúng. Mục tiêu không có gì khác, nhưng phương pháp, bước đi, cách làm cần thay đổi cho phù hợp hiện tại. Bởi văn hóa không bao giờ dừng lại, mà là kế thừa, tiếp thu có chọn lọc để tạo nên bản sắc. Hội An đã từng đón khách quốc tế, từng biến cái của thiên hạ thành cái của mình, làm giàu cho văn hóa địa phương mà không hề bị biến dạng. Xưa thế nay sẽ vẫn vậy. Bản lĩnh văn hóa Hội An sẽ ngày càng được gìn giữ và phát huy.
P.V:Thưa ông, mục tiêu thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch đã được thể hiện như thế nào trên thực tế?
Ông Kiều Cư: Năm tiểu vùng kinh tế - xã hội được Đại hội Đảng bộ XVI của thành phố xác định đã có những bước chuyển tích cực. Khu vực đô thị trung tâm tiếp tục giữ vai trò trọng điểm về phát triển kinh tế dịch vụ. Hạ tầng đô thị được đầu tư ngày càng hoàn thiện hơn, mở ra không gian phát triển mới của thành phố. Khu vực đô thị cận trung tâm tiếp tục định hình về mặt đô thị theo hướng phát triển công nghiệp sạch, thương mại, dịch vụ du lịch và nông nghiệp sinh thái. Khu vực bờ biển - ven sông được quy hoạch, từng bước hình thành các khu dân cư mới theo hướng đô thị dịch vụ, phát triển kinh tế biển. Khu vực làng quê thay đổi gắn với chủ trương mở rộng không gian du lịch, phát triển làng nghề, nông nghiệp sạch. Cù Lao Chàm - vùng lõi khu dự trữ sinh quyển thế giới đã có sự phát triển đột phá về du lịch, dịch vụ theo hướng gắn kết sinh thái - nhân văn.
Chương trình giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản. Ảnh: N.KHA |
Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP.Hội An tiếp tục khẳng định tính đúng đắn, phù hợp với xu thế hiện đại. Nhóm ngành dịch vụ - du lịch - thương mại tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo và thúc đẩy sự phát triển của thành phố với tỷ trọng 64,82%. Mạng lưới này phát triển đúng định hướng, đa dạng ngành nghề, khai thác hợp lý tài nguyên sinh thái, văn hóa và lợi thế cạnh tranh. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 31,3 triệu đồng năm 2015, tăng 1,54 lần so với năm 2010.
P.V:Sức ép lớn nhất Đảng bộ thành phố phải đối mặt trong hiện tại là gì, thưa ông?
Ông Kiều Cư: Kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nông thôn, hải đảo, đô thị đã trở thành bước đột phá, tạo tiền đề cho sự phát triển đồng bộ giữa các khu vực. Mục tiêu cho 5 năm tới là sẽ hoàn thành điều chỉnh, quản lý chặt chẽ quy hoạch chung về xây dựng đô thị Hội An đến năm 2030 theo định hướng “sinh thái - văn hóa - du lịch”, phát triển năng động, giàu bản sắc, hiện đại và bền vững. Xây dựng thành phố đạt chuẩn loại 2, vừa bảo tồn nguyên trạng khu phố cổ, vừa chỉnh trang, mở rộng liên hoàn các khu đô thị sinh thái mới, các đô thị biển, các khu vực cảnh quan sinh thái làng quê và tiếp tục tạo bước đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Điều chỉnh phân vùng phát triển thành 3 khu vực: đô thị, biển đảo, làng quê. Tuy nhiên giải bài toán này theo đúng tinh thần nghị quyết Đảng bộ là hết sức khó khăn, phức tạp.
“Tư tưởng chỉ đạo của lãnh đạo thành phố là hướng tập trung cho cơ sở, giải quyết mọi vấn đề tại cơ sở chứ không thể giải quyết những bức xúc của cơ sở từ trên bàn giấy của các văn phòng!” (Ông Kiều Cư – Bí Thư Thành ủy Hội An) |
Thách thức lớn nhất chính là nguồn lực thành phố hạn hẹp. Trước đây, nguồn lực Hội An tương đối lớn nhưng bây giờ so với nhiều huyện, tổng thu ngân sách thành phố không lớn, không nhiều nên việc đầu tư trở lại, xây dựng cơ sở hạ tầng gặp nhiều khó khăn. Tất cả đầu tư cơ sở hạ tầng hiện tại đều dựa vào nguồn trung ương, tỉnh. Biển lở, bãi tắm mất, khách sạn bị uy hiếp, kéo theo sự sụt giảm du lịch. Muốn bảo vệ thì phải cần tìm ra cách riêng. các nhà khoa học đều khẳng định việc kè, chống lở hiện tại đều tốn kém, không hiệu quả. Nhưng họ vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân cụ thể. Mà không tìm ra nguyên nhân sạt lở thì làm sao có cách khắc phục? Nếu đầu tư ổn thỏa thì sẽ tốn cả nghìn tỷ đồng. Điều này nằm ngoài khả năng của thành phố. Kinh tế tăng trưởng khá nhưng sức cạnh tranh, hiệu quả thấp. Chất lượng tăng trưởng chưa cao, thiếu bền vững, tiềm năng kinh tế biển khá lớn nhưng chưa được đầu tư, khai thác hợp lý. Hiện tại Cù Lao Chàm quá tải, thiếu các tiện nghi phục vụ. Cơ sở hạ tầng đường đi vào phố cổ nhếch nhác. Cầu đường qua sông tạm bợ, kẹt xe liên tục. Nếu không xây dựng được hạ tầng giao thông kiên cố, thông thoáng thì đừng nói gì đến mở rộng phát triển… Tất cả điều này đã được nhìn thấy, nhưng chưa biết làm gì để tháo gỡ khó khăn khi nguồn vốn quá hạn hẹp.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.Hội An lần thứ XVI đã xác lập ba khâu đột phá (cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và cải cách hành chính, môi trường đầu tư) đúng hướng sẽ được tiếp tục thực thi trong Đại hội lần thứ XVII này. Giải pháp đầu tiên và quan trọng là quyết tâm chủ động tìm nguồn. Từ nguồn lực của trung ương, tỉnh và huy động từ các tổ chức kinh tế, xã hội khác, chứ không còn cách nào khác nữa.
P.V: Giá trị của Hội An không chỉ nằm ở phố cổ mà còn ở khí chất văn hóa của người Hội An. Nhưng mới đây, thành phố đã không được xếp vào tốp những thành phố tốt nhất châu Á. Phải chăng Hội An đã bắt đầu cũ, đánh mất sự hấp dẫn trong mắt du khách?
Ông Kiều Cư: Không hiểu sao Hội An lại không được bình chọn như các năm trước. Điều đó có nghĩa thành phố đã chưa thể tạo được sự hài lòng cho du khách. Có nghĩa là còn có những mặt yếu, tồn tại cần được khắc phục, nhất là tạo sự an toàn, thân thiện cho du khách. Tính cách văn hóa người Hội An là điểm riêng có so với nơi khác. Thân thiện vẫn là cốt cách không dễ bị pha loãng, dù hiện tại có khá nhiều người từ nơi khác đến mua nhà, sinh sống, buôn bán… Bản lĩnh người Hội An được hun đúc bởi chiều sâu văn hóa, luôn biết “đãi cát tìm vàng, gạn đục khơi trong, gìn vàng giữ ngọc”, là tố chất quyết định thành công hướng tới xây dựng một thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch.
Phát triển Hội An bắt đầu từ văn hóa, từ phố cổ, nghĩa là từ quá khứ, di sản. Hội An đã từng hội nhập, giao lưu từ hơn 500 trước. Lịch sử đã tái hiện, nhưng tính cạnh tranh quyết liệt hơn, cơ hội lẫn tính phức tạp cũng nhiều hơn. Cuộc giao lưu kinh tế, văn hóa mang theo các giá trị tốt đẹp lẫn không phù hợp với truyền thống cũng không phải là ít. Người Hội An đã biết chắt lọc để tiếp nhận, biến những giá trị tốt đẹp đó thành của mình. Ngược lại, cũng có một bộ phận không biết “đãi cát tìm vàng” để “gìn vàng giữ ngọc” nên dần dần bị thương mại hóa, bị sức cạnh tranh của cơ chế này làm tha hóa. Một sự mất mát rất vô hình. Sự lẫn lộn đó làm biến dạng nếp sống, thậm chí còn tạo nên vết sẹo, vết xước không cần thiết.
P.V:Ước vọng của thành phố trong tương lai?
Ông Kiều Cư: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hội An đều mơ ước đến sự phát triển. Mỗi người dân phải giàu, không chỉ vật chất mà giàu cả giá trị nhân văn và đời sống tinh thần, giữ gìn được những gì Hội An đang có. Những chủ trương của Đảng bộ, sự quản lý điều hành của chính quyền và nỗ lực của nhân dân Hội An đã đưa ngành du lịch trở thành động lực, mũi nhọn kinh tế thành phố sẽ tiếp tục mang tính cộng đồng để mỗi người dân Hội An đều được hưởng lợi từ du lịch. Một thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch xét cho cùng là sự ứng xử giữa con người với con người, với thiên nhiên. Con người cần xử sự với thiên nhiên một cách có văn hóa để bảo vệ cảnh quan, bảo vệ môi trường, chứ không phải tàn hại môi trường… Còn du lịch là kinh tế, nhưng muốn làm giàu lên thì phải giữ được văn hóa bởi du lịch Hội An phát triển từ văn hóa, từ sự kết nối với quá khứ. Đó mới là cái đích của sự phát triển bền vững. Chính sự đoàn kết, thống nhất đã giúp thành phố vượt qua những khó khăn hiện tại. Đảng bộ lãnh đạo, chính quyền điều hành và phục vụ nhân dân thành phố đã tạo niềm tin trong nhân dân. Những hạn chế sẽ quyết tâm xử lý. Cái gì quan trọng thì làm trước, có thể phân kỳ, không thể ôm đồm, dàn trải để gánh nợ. Tư tưởng chỉ đạo của lãnh đạo thành phố là hướng tập trung cho cơ sở, giải quyết mọi vấn đề tại cơ sở chứ không thể giải quyết những bức xúc của cơ sở từ trên bàn giấy của các văn phòng!
P.V: Xin cảm ơn ông!
NAM KHA (thực hiện)