Đổi thay, từ những nếp nhà

THÀNH CÔNG 21/07/2015 09:15

Không chỉ có điện, đường, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, xây dựng nông thôn mới (NTM) với người dân vùng cao Tây Giang là những đổi thay từ trong góc bếp, dưới những nếp nhà, khi cái đói, cái khổ dần lùi xa…

  • Dấu ấn vùng biên
  • Một cách "rèn" cán bộ
  • Du lịch trong chiều sâu văn hóa
Diện mạo làng mới Anoonh của xã nông thôn mới A Nông. Ảnh: PHƯƠNG GIANG
Diện mạo làng mới Anoonh của xã nông thôn mới A Nông. Ảnh: PHƯƠNG GIANG

Làng mới trên đất cũ

Lũ trẻ con ríu rít chạy đùa trên con đường bê tông dọc làng Anoonh (xã A Nông). Dưới mái gươl, tiếng trống, tiếng chiêng ăn mừng tiệc chung rộn rã, giục dân làng đến chia nhau từng xâu thịt, từng nắm cơm nếp mùa. Những năm trước đây, khi cái đói còn ám ảnh, tiệc chung chừng như chỉ xuất hiện mỗi khi có dịp lễ trọng đại của cả làng. Giờ đã khác.

Đến nay, tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM trên toàn huyện Tây Giang là 724,423 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 55 tỷ đồng. Tính đến tháng 6.2015, bình quân mỗi xã trên địa bàn huyện đạt 8,3 tiêu chí NTM, trong đó xã A Nông đã hoàn thành 19 tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2014.

Là người luôn dõi theo những bước đi của làng, già Arâl Đúch (83 tuổi) có thể kể rành rọt những đổi thay của Anoonh nhờ NTM, nói tường tận chuyện từng nóc nhà mới, từng cánh đồng lúa nước, ao cá, đàn bò… của người dân từ khi chủ trương tái định cư, phát triển sản xuất được đưa về làng. “Ngày đó còn khổ lắm. Ở nhà lợp lá cọ, phên nứa, làm rẫy thiếu ăn, thiếu muối, không có ti vi, xe máy như bây giờ đâu. Nhờ Nhà nước hỗ trợ xây dựng NTM, dân mới được ở nhà kiên cố, biết làm ruộng, chăn nuôi, không còn vất vả như trước” - già Đúch nói.

Thay cho những ngôi làng mọc chênh vênh trên sườn núi, nhà cửa tạm bợ, dột nát, không có đường giao thông, điện, nước, hơn 80 mặt bằng tái định cư được huyện Tây Giang quy hoạch và xây dựng đã mang về một diện mạo mới cho vùng cao. Vẫn là làng truyền thống, xây dựng theo hình tròn, ôm lấy mái gươl ở giữa, nhưng đến ở làng mới dân được bố trí đất, vườn, hỗ trợ dựng nhà ở kiên cố, bán kiên cố, có điện, nước sạch sử dụng. Xóa đi nỗi lo lắng thường trực mỗi mùa mưa bão, những ngôi làng mới mọc lên dần ổn định đời sống người dân miền núi, mở ra cơ hội tiếp cận một cuộc sống đầy đủ, tiện nghi hơn. Đến nay, A Nông là xã đầu tiên không chỉ của Tây Giang mà là của cả vùng miền núi của tỉnh hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, tạo nên chuyển biến lớn trong nhận thức của người dân. Cùng với A Nông, những ngôi làng ở các xã khác trên địa bàn Tây Giang được bố trí, sắp xếp bài bản, trong đó có không ít làng mới mọc trên đất cũ, từng bước đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu. Đổi thay từ NTM là đổi thay ở từng góc bếp khi cái đói không còn hiện hữu, từng nóc nhà kiên cố vững chãi hơn, hay những bản làng sạch đẹp, khang trang hơn. Như chia sẻ chân chất của anh Bh’ling Trưa - Trưởng thôn Arớt (xã A Nông): “NTM giúp dân ăn ngon hơn, ở sướng hơn, làng đẹp hơn. Còn mua được ti vi, xe máy, làm ra được nhiều lúa gạo, nhiều heo bò, hết khổ, hết đói”.

Ông Alăng Bao - Bí thư Đảng ủy xã A Nông chia sẻ: “Cán bộ huyện, xã luôn bám dân tại hộ gia đình, bám việc tại cơ sở, tranh thủ sự đóng góp xây dựng của người dân, nhất là những người có uy tín. Nhờ đó, quá trình xây dựng NTM được người dân hết sức đồng tình, ủng hộ, giúp mang lại một diện mạo mới cho từng bản làng ở vùng cao. Được hưởng lợi ích trực tiếp từ quá trình xây dựng NTM, người dân càng thêm tin tưởng vào Đảng, vào Nhà nước, nhờ đó những chủ trương, chính sách mới dễ dàng đi vào đời sống hơn”.

Khởi sắc vùng cao

Theo ông Bhling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, những năm qua, chủ trương của huyện là tập trung đầu tư cơ sở vật chất quan trọng, đồng bộ vì mục đích giảm nghèo nhanh, bền vững và xây dựng NTM. Bám sát cơ sở, xây dựng có trọng tâm, trọng điểm và giải pháp cụ thể, nhanh chóng là những tiền đề giúp quá trình thực hiện nhiệm vụ này được triển khai thông suốt. “Huyện Tây Giang chủ trương “lấy thôn làm điểm, dân làm gốc, thôn NTM làm mục tiêu” nên công tác chỉ đạo, điều hành đều bám sát theo quy hoạch kinh tế - xã hội, dựa vào thực tiễn địa bàn 3 vùng rõ rệt. Qua đó, việc đầu tư phát triển phù hợp với điều kiện, tiềm năng của từng vùng phát huy được lợi thế, tạo động lực thi đua trong giảm nghèo, phát triển kinh tế nhanh và bền vững” - ông Mia cho biết.

Chủ trương tận dụng ưu thế từ rừng, tạo động lực phát triển kinh tế, xây dựng nền tảng bền vững để xóa đói nghèo được Tây Giang cụ thể hóa bằng quy hoạch phát triển sản xuất theo mô hình “3 vùng”. Theo đó, “vùng 1” tập trung ở các xã vùng thấp, ưu tiên trồng cây cao su làm chủ lực, đẩy mạnh diện tích keo lai, lúa nước, ba kích, rau màu các loại; chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá nước ngọt; đầu tư phát triển làng nghề truyền thống, dịch vụ, du lịch. “Vùng 2” ở các xã gần trung tâm huyện, có khả năng phát triển nông nghiệp kết hợp  phát triển dịch vụ và du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng… “Vùng 3” là các xã biên giới, địa hình phức tạp, được quy hoạch và tập trung phát triển cây dược liệu (sâm Ngọc Linh, đẳng sâm), măng rừng, thảo quả, rau sạch, táo mèo, lúa nước bản địa (Prông, Xươn, Ađíp, Ađướp)… Sản phẩm sản xuất ở “Vùng 3” là sản phẩm tinh của cây dược liệu chế biến, với tinh thần “hàng nhẹ thu nhập cao” cho người dân. Song song với đó, cửa khẩu biên giới Tây Giang - Kà Lùm được khai thông, mở ra cánh cổng cho cơ hội phát triển tiềm năng kinh tế nông - lâm nghiệp của Tây Giang trong những năm sắp đến.

THÀNH CÔNG

THÀNH CÔNG