Du lịch trong chiều sâu văn hóa

ĐĂNG NGUYÊN 21/07/2015 09:01

Gắn giá trị văn hóa làng truyền thống của đồng bào Cơ Tu với công tác giữ rừng, giữ môi trường sinh thái,... đang là hướng đi mới giúp huyện Tây Giang nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa bản địa, từng bước hình thành các sản phẩm du lịch cộng đồng bền vững.

  • Dấu ấn vùng biên
  • Một cách "rèn" cán bộ
  • Đổi thay, từ những nếp nhà
Tây Giang xây dựng định hướng phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống.  Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Tây Giang xây dựng định hướng phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Nhiều tiềm năng du lịch

Cùng với không gian kiến trúc văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu bản địa, các địa danh lịch sử, cụm địa đạo A Nông, môi trường sinh thái rừng pơmu, rừng cây di sản,... là những tiềm năng giúp Tây Giang hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng, thu hút du khách. Trong đó, nổi bật là sản phẩm du lịch trải nghiệm đang dần hình thành, theo hành trình “phượt” gần 20km đường rừng đến với làng Aur (xã A Vương) để cùng khám phá văn hóa, cuộc sống và cảnh quan thiên nhiên đầy kỳ thú.

Tây Giang, hiện có 2 thế mạnh văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng, đó là không gian văn hóa làng Cơ Tu và rừng cây di sản. Đây là 2 trong số tiềm năng giúp địa phương tạo được lợi thế, cơ hội phát triển và khả năng đáp ứng được với loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở vùng miền núi. Khi nhu cầu mở rộng, loại hình du lịch cộng đồng ngày càng phát triển, đòi hỏi chính quyền địa phương phải cụ thể hóa việc hình thành sản phẩm phù hợp với tiềm năng và có định hướng phát triển du lịch lâu dài, bền vững. Vì thế, không đâu khác, chính đồng bào bản địa là những chủ thể giúp du lịch cộng đồng phát triển theo chiều sâu văn hóa. Muốn phát triển du lịch cộng đồng, đẩy mạnh phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập cho người dân,... cần phải chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy văn hóa làng, văn hóa truyền thống đặc trưng của đồng bào Cơ Tu. Bởi một khi văn hóa làng được giữ vững, sẽ tác động đến nhận thức của người dân, tạo cơ hội hình thành các sản phẩm du lịch cộng đồng thu hút du khách.

Ông Pơloong Plênh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch Tây Giang chia sẻ, địa phương luôn xác định xây dựng du lịch phải từ văn hóa làng Cơ Tu, tức là xây dựng và phát triển con người, văn hóa Cơ Tu tiến bộ ở tầm cao mới. “Không xa rời, bỏ quên văn hóa gốc, không lạ lẫm nhưng cũng không lai căng với văn hóa mới, không tách rời môi trường tự nhiên, nhất là những cánh rừng nguyên sinh, nói không với động thực vật quý hiếm... là những quan điểm rõ ràng của địa phương trong việc đưa khai thác sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với giữ rừng sinh thái” - ông Plênh nhấn mạnh. Sau thành công từ cách làm du lịch cộng đồng theo nhóm hộ ở thôn Voòng (xã Tr’Hy) tại Đỉnh Quế, đã mở ra hướng đi mới trong việc khai thác hiệu quả từ sản phẩm du lịch cộng đồng vùng cao. Cùng với không gian làng truyền thống Cơ Tu, cánh đồng lúa Chuôr ở A Xan, làng Aur (xã A Vương),... khu du lịch sinh thái Đỉnh Quế giờ đây trở thành điểm hẹn của nhiều du khách, trên hành trình khám phá và trải nghiệm ở vùng đất Tây Giang hùng vĩ.

Bảo tồn văn hóa làng

Những năm qua, cùng với việc khai thác du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, huyện Tây Giang đã tích cực chú trọng đến công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến giá trị văn hóa làng Cơ Tu và rừng cây sinh thái, rừng cây di sản. Cũng theo ông Pơloong Plênh, đồng bào Cơ Tu rất coi trọng đến văn hóa làng, xem đó là không gian riêng của mỗi làng, dân cư bản địa. Vì vậy, việc bảo tồn ngoài sự giúp sức của chính quyền địa phương, cũng cần có sự “hợp tác” của chính chủ thể văn hóa, để từng bước khôi phục và giữ gìn. “Chúng tôi xác định, muốn giữ được văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu trước hết cần phải giữ cho được giá trị văn hóa làng gắn với việc giữ rừng, giữ môi trường sinh thái” - ông Plênh nói.

Không loại trừ khả năng ảnh hưởng và sự giao thoa văn hóa trong việc đưa khai thác các sản phẩm du lịch đặc trưng của đồng bào vùng cao để phục vụ du khách. Tuy nhiên, vấn đề không phải ở chỗ giao thoa như thế nào, ảnh hưởng ra sao, mà nằm trong cách nghĩ, cách làm và cách khai thác tiềm năng làm sao phù hợp với lợi thế và cơ hội phát triển của từng vùng, từng địa phương, làng bản. Bởi vậy, khai thác tiềm năng cần đi đôi với công tác quản lý và bảo vệ, tránh tình trạng vì lợi ích trước mắt mà “quên” đi công tác bảo tồn, phát triển. Để văn hóa vùng cao tiếp tục được gìn giữ, phát huy, năm 2014 Huyện ủy Tây Giang đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/HU về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Tây Giang đáp ứng với yêu cầu phát triển nhanh và bền vững”.

Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho rằng, ngoài việc lồng ghép từ những chương trình mục tiêu giảm nghèo để hỗ trợ kinh phí đầu tư phục hồi các làng nghề, khôi phục không gian gươl, moong truyền thống,... địa phương cũng chú trọng đến công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch bố trí dân cư phù hợp với tiến trình phát triển vùng và hình thành các khu dân cư đạt chuẩn văn hóa. “Hàng năm, thông qua các đợt tổ chức lễ hội ăn mừng lúa mới, duy trì các làn điệu dân ca Cơ Tu, nói lý - hát lý truyền thống, các hội thi điêu khắc thi ẩm thực,... đã từng bước góp phần cho công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào vùng cao Tây Giang thêm phát triển” - ông Blúi cho hay.

ĐĂNG NGUYÊN

ĐĂNG NGUYÊN