Phòng chống bạo lực gia đình: Những người giữ "lửa"

THANH TÙNG 20/07/2015 11:32

Mỗi khi hôn nhân của các thành viên trong câu lạc bộ đứng bên bờ vực chông chênh vì xung đột, mâu thuẫn, vì bạo lực…, những con người ấy lại thầm lặng làm công việc của người “cời than” để giữ “ngọn lửa” gia đình. Họ là những địa chỉ tin cậy của phụ nữ, là thành viên của Ban chỉ đạo câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình, câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững… ở các địa phương. Họ đang từng ngày làm công việc mà nhiều người gọi là “vác tù và hàng tổng”.

Cô Trần Thị Liễu - một địa chỉ tin cậy góp phần hàn gắn rạn nứt gia đình ở thôn Võng Nhi, xã Cẩm Thanh, TP.Hội An.
Cô Trần Thị Liễu - một địa chỉ tin cậy góp phần hàn gắn rạn nứt gia đình ở thôn Võng Nhi, xã Cẩm Thanh, TP.Hội An.

Địa chỉ tin cậy

Thời gian gần đây, cuộc sống gia đình anh Đ.V.T. và chị L.T.C. (thôn Võng Nhi, xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) đã từng bước đi vào ổn định. Vợ chồng chí thú làm ăn, tăng gia sản xuất, chăm lo nuôi dạy con cái. Để xây dựng được cuộc sống gia đình êm ấm như hôm nay, anh chị đã phải vượt qua không ít sóng gió. Có thời điểm tưởng chừng như hôn nhân của họ đã đổ vỡ. Nhờ sự động viên, hòa giải của thành viên trong câu lạc bộ gia đình hạnh phúc thôn, mà đặc biệt là cô Trần Thị Liễu - một địa chỉ tin cậy ở thôn Võng Nhi  mà những rạn nứt của gia đình anh T. đã được hàn gắn. Nói về cô Liễu, chị Trần Thị Thiên - Chủ tịch Hội LHPN xã Cẩm Thanh cho biết: “Ở đây mọi người ai cũng tin tưởng cô Liễu. Dù sáng sớm hay nửa đêm gà gáy, cô Liễu cũng đứng ra giúp những chị em chẳng may bị chồng đánh đập, hành hạ và bảo vệ, bênh vực họ”.

Tham gia cách mạng từ năm 19 tuổi, sau đó phục vụ trong ngành công an, cô Trần Thị Liễu đã rèn luyện nếp sống chuẩn mực, chỉn chu, gần gũi với mọi người. Trở về địa phương tham gia hoạt động phong trào, không biết từ bao giờ cô Liễu trở thành người chuyên tư vấn, hòa giải các xung đột, mâu thuẫn của những đôi vợ chồng trẻ ở xóm dưới làng trên. Năm 2012, mô hình “địa chỉ tin cậy” mới triển khai thực hiện nhưng từ trước đó  rất lâu, với uy tín, sự từng trải và nhiệt tình, cô Trần Thị Liễu đã là chỗ dựa tin cậy của chị em phụ nữ thôn Võng Nhi. Chỉ riêng trong năm 2014 cô Liễu đã giúp đỡ tạm lánh, hòa giải cho 6 cặp vợ chồng trên địa bàn thôn. Cô Liễu chia sẻ: “Làm công việc này hay bị “mắng vốn”, nhưng riết rồi cũng quen. Vả lại mình nghĩ chị em tin tưởng, mình giúp được gì thì cố giúp, thấy cái sai mà không đứng ra lên tiếng, không bảo vệ được chị em thì cảm thấy bứt rứt lắm”.

Ông Nguyễn Văn Hàm - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho hay: “Sau hơn 3 năm triển khai, toàn tỉnh đã xây dựng được 105 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và nhóm phòng chống bạo lực gia đình với tổng số hơn 3.000 thành viên. Với sự hỗ trợ nhiệt tình, trách nhiệm của thành viên ban chủ nhiệm các câu lạc bộ, đã có 1.160 lượt người gây bạo lực gia đình được tư vấn, nhờ đó góp phần ngăn chặn, giảm tình trạng bạo hành trong gia đình”.

Theo chủ trương của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, nhiều mô hình “địa chỉ tin cậy” được thành lập trên địa bàn tỉnh đã kịp thời giúp đỡ, bảo vệ những nạn nhân của tình trạng bạo lực nói chung và bạo lực gia đình nói riêng. Chỉ tính trên địa bàn TP.Hội An, hiện đã có 20 “địa chỉ tin cậy” ở 13 xã, phường đi vào hoạt động hiệu quả. Các “địa chỉ tin cậy” đã vận động, hỗ trợ và giúp đỡ thành công 18 trường hợp bị bạo lực gia đình, tham gia hòa giải thành 6 vụ việc liên quan đến các vấn đề tranh chấp tài sản, bất hòa trong gia đình. Không chỉ là người có uy tín trong cộng đồng, những người làm “địa chỉ tin cậy” còn phải có kiến thức, kỹ năng, năng lực hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, có cơ sở vật chất có thể bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân.

Giữ lửa ấm gia đình

Không chỉ có phụ nữ làm công tác vận động, hòa giải, phòng chống bạo lực gia đình, nhiều nam giới cũng đã tích cực tham gia công việc này. Tủ sách pháp luật của câu lạc bộ Phòng chống bạo lực gia đình thôn Phước Cẩm, xã Bình Tú (Thăng Bình) là điểm đến thường xuyên của các thành viên câu lạc bộ. Đặc biệt, đối với những người trực tiếp đi vận động, tuyên truyền như ông Trịnh Xuân Đông - Chủ nhiệm câu lạc bộ thì việc tìm hiểu pháp luật để nâng cao kiến thức luôn được quan tâm. Ông Đông cho biết: “Bên cạnh việc sống gương mẫu, chuẩn mực, chúng tôi phải thường xuyên cập nhật kiến thức, nắm vững những thông tin pháp luật cần thiết. Nhờ vậy, hiệu quả tuyên truyền, hòa giải ngày càng được nâng cao. Từ 21 thành viên trong những ngày đầu thành lập năm 2011, đến nay câu lạc bộ đã thu hút 40 gia đình tham gia. Ban chủ nhiệm câu lạc bộ đã hòa giải thành công 6 vụ, trong đó có xung đột vợ chồng, tranh chấp giữa anh chị em, mẹ kế con chồng”.

Tủ sách pháp luật là điểm đến thường xuyên của các thành viên của câu lạc bộ Phòng chống bạo lực gia đình thôn Phước Cẩm, xã Bình Tú (Thăng Bình). Ảnh: THANH TÙNG
Tủ sách pháp luật là điểm đến thường xuyên của các thành viên của câu lạc bộ Phòng chống bạo lực gia đình thôn Phước Cẩm, xã Bình Tú (Thăng Bình). Ảnh: THANH TÙNG

Bên cạnh công tác hòa giải, tư vấn, ông Đông cùng với Ban chủ nhiệm câu lạc bộ Phòng chống bạo lực gia đình thôn Phước Cẩm tổ chức sinh hoạt định kỳ hằng tháng. Nội dung những buổi sinh hoạt thường xuyên đổi mới với nhiều hình thức để thu hút các thành viên và tăng hiệu quả hoạt động. Ngoài tuyên truyền giáo dục về đạo đức lối sống trong gia đình, những văn bản pháp luật như Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới…, Ban chủ nhiệm câu lạc bộ còn tổ chức cho các thành viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt để cùng nhau phát triển kinh tế, tạo cơ sở bền vững để giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Mặc dù gặp không ít phiền toái, lại chủ yếu làm việc vì sự tín nhiệm của bà con chứ kinh phí hỗ trợ của Nhà nước chẳng đáng bao nhiêu, nhưng những người làm “địa chỉ tin cậy” cũng như ban chủ nhiệm các câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình đang từng ngày góp phần hàn gắn những đổ vỡ, nhen nhóm “lửa ấm” trong từng gia đình để gia đình mãi là chốn đi về yêu thương của mỗi người sau những nhọc nhằn mưu sinh.

THANH TÙNG

THANH TÙNG