Việc người dân Phước Lộc (Phước Sơn) nghi mắc bệnh bạch hầu: Không nhận thức được bệnh tật

VĂN HÀO 17/07/2015 08:55

Liên quan đến những trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu tại các thôn 8A, 8B của xã Phước Lộc (Phước Sơn), ngày 16.7, chúng tôi tiếp cận các thôn này và ghi nhận ý thức phòng chống và điều trị bệnh tật của đồng bào vẫn còn nhiều lạc hậu.

Cúng trâu chữa bệnh

Căn nhà của anh Hồ Văn Thiên (thôn 8B, Phước Lộc) mấy hôm nay suốt ngày im ỉm khóa. Khi cán bộ y tế đến phát thuốc uống hay bất cứ người nào tới cũng phải đứng ngoài cửa. Chuyện là con gái anh Thiên - Hồ Thị Đẫy (SN2012) cũng có những triệu chứng đau ở vùng cổ như nhiều người dân khác trong làng nên gia đình quyết chạy vạy tiền để mua trâu về cúng bái. “Con tôi bị đau giống như những người khác vừa chết nên sợ lắm! Tôi sang làng bên mua con trâu hơn 20 triệu đồng để về cúng tế. Tất cả chi phí mua sắm gần 25 triệu đồng. Vì kiêng cữ nên trong vòng 10 ngày, tôi không cho bất cứ ai vào nhà” - anh Thiên nói.

Gia đình anh Hồ Văn Thiên vừa giết trâu cúng chữa bệnh cho con gái.  Ảnh: VĂN HÀO
Gia đình anh Hồ Văn Thiên vừa giết trâu cúng chữa bệnh cho con gái. Ảnh: VĂN HÀO

Ông Nguyễn Đức Toàn - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc cho biết, không chỉ gia đình anh Thiên mà nhiều hộ khác có người ốm vừa qua cũng mua heo gà về giết mổ cúng bái. “Nhận được tin báo hộ Hồ Văn Thiên chuẩn bị giết trâu chữa bệnh cho con, chúng tôi liền có mặt và ra sức vận động, giải thích nhưng trâu họ vẫn giết. Tuy nhiên sau đó, qua quá trình tuyên truyền, Hồ Văn Thiên cũng đã chịu để y bác sĩ khám bệnh cho con mình” - ông Toàn nói.

Sau khi xảy ra trường hợp tử vong đầu tiên liên quan đến triệu chứng đau cổ họng là Hồ Thị Nẩy (25 tuổi, thôn 8B), chính quyền, ban ngành, đoàn thể xã Phước Lộc đã trực tiếp lên thôn, lên rẫy thuyết phục bà con xuống Trạm Y tế xã khám bệnh. Ban đầu, công tác vận động rất khó khăn, nhưng sau đó xuất hiện thêm 2 trường hợp khác tử vong, bà con mới chịu đi khám bệnh.

“Cưỡng chế” đi khám bệnh

Tình trạng người dân có những triệu chứng của bệnh bạch hầu xảy ra ở 2 thôn 8A và thôn 8B, nhưng tập trung chủ yếu tại 8B. Thôn này có 18 hộ với hơn 100 nhân khẩu, đa số là người Bh’noong và 100% là hộ nghèo. Giữa năm 2014, người dân bỏ làng lên rừng sinh sống vì cho rằng chỗ ở là “đất xấu” nên xuất hiện nhiều “cái chết xấu”. Làng mới được dựng lên, tuy nhiên trước nhiều “biến cố” trong cuộc sống hiện nay của đồng bào, liệu có tái diễn cảnh bỏ làng? Về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Thuận - cán bộ xã Phước Lộc cho biết, những ngày gần đây, địa phương tập trung công tác an dân; cùng với đó cấp thuốc, sữa, mang nước uống đến tận nơi để bà con yên tâm chữa bệnh.

Từng có 4 người đào vàng tử vong với triệu chứng tương tự
Ông Nguyễn Chí Trung (SN 1955, gốc Hội An) lên Phước Lộc định cư từ năm 1991. Thời gian đó ông tham gia đào vàng trên núi gần địa bàn thôn 8B. “Năm 1997, có 4 người quê phía bắc cùng đào đãi vàng cũng đột nhiên chết với triệu chứng rất giống như tình trạng hiện nay. Họ bị sưng đỏ dưới cổ họng, mưng mủ và chết rất nhanh. Hồi đó tôi chỉ nghe nói là do hít phải khí độc” - ông Trung kể.

Thôn 8B hôm chúng tôi vào, cảm giác nặng nề không còn bao trùm như cách đây khoảng một tuần. Đến thời điểm hiện tại, địa phương chưa phát hiện thêm trường hợp nào có biểu hiện đau ở cổ họng. Để thay đổi hẳn nhận thức trong cách chăm sóc sức khỏe, ý thức bệnh tật của người dân nơi đây không phải chuyện một sớm một chiều - như lời của Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đức Toàn. “Bị gãy tay, họ cũng cúng. Phụ nữ không chồng mà có thai thì phải ra ngoài rừng sinh con, sau đó mổ heo cúng làng mới được quay về. Ngay cả chuyện đau ở vùng cổ họng, họ cứ tổ chức cúng quảy, sau 10 ngày mà không khỏi bệnh thì mới chịu xuống trạm xá. Vì vậy, chúng tôi tăng cường phát huy vai trò của cán bộ thôn, xã để tác động. Vừa rồi nhiều người nhất quyết không chịu đi khám, nên chúng tôi buộc phải “cưỡng chế” đến gặp bác sĩ để được khám bệnh” - ông Toàn nói thêm. Còn việc tiêm phòng vắc xin, ông Toàn cho biết, đồng bào lâu nay không cho tiêm thuốc vào người trẻ nhỏ. Địa phương cũng chưa có điện nên vấn đề bảo quản vắc xin cũng rất khó khăn.

Chờ xác định căn nguyên

Để tránh tình trạng mang thuốc về nhà nhưng người bệnh không chịu uống, cán bộ y tế và chính quyền địa phương phải thực hiện việc giám sát ngay tại chỗ. Công tác phun tiêu độc khử trùng được thực hiện 2 ngày một lần.

Sáng 16.7, cả 6 bệnh nhân nghi nhiễm bạch hầu đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn bỗng nhiên một mực đòi về nhà nên trung tâm đành điều xe đưa về.
Sáng 16.7, cả 6 bệnh nhân nghi nhiễm bạch hầu đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn bỗng nhiên một mực đòi về nhà nên trung tâm đành điều xe đưa về.
Bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Y tế huyện đòi về nhà
Sáng 16.7, cả 6 bệnh nhân nghi nhiễm bạch hầu đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn bỗng nhiên một mực đòi trở về nhà. Chính quyền huyện Phước Sơn và cán bộ y tế thuyết phục họ ở lại tiếp tục điều trị nhưng tất cả không đồng ý. Ông Huỳnh Tấn Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn cho biết, các bệnh nhân này được điều trị tại bệnh viện 7 ngày, đáng lẽ 10 ngày mới xuất viện nhưng họ kiên quyết không đồng ý nên trung tâm đành điều xe đưa về. “Hiện bệnh lý của các bệnh nhân đang tiến triển tốt và chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi điều trị tại địa phương. Nếu có tình huống xấu xảy ra, trung tâm sẽ có biện pháp để điều trị kịp thời” - ông Dũng nói.
Bệnh nhân Hồ Văn Xéo (25 tuổi) chia sẻ: “Được bác sĩ khám bệnh, tiêm thuốc nên không còn đau ở cổ nữa. Việc ăn uống, nói năng chừ không còn khó như trước nữa nên chúng tôi về”. Ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế cho biết, Bộ Y tế vừa gửi công văn yêu cầu ngành y tế địa phương tăng cường công tác phòng chống, theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh tại xã Phước Lộc. Đối với 6 bệnh nhân đã về địa phương, việc khám bệnh, uống thuốc vẫn được triển khai tại cộng đồng cho đến khi nào tuyên bố chấm dứt dịch tại địa phương này.

Như chúng tôi đã thông tin, ngày 15.7, Sở Y tế có buổi làm việc với Viện Pasteur Nha Trang và nhận định đã xuất hiện ổ dịch bạch hầu tại địa bàn các thôn 8A, 8B. Theo chính quyền xã Phước Lộc, trước giờ trên địa bàn chưa từng xảy ra dịch bệnh này. Ông Nguyễn Đức Toàn cho biết, hiện có 2 công ty được cấp phép khai thác vàng tại địa phương; tình trạng đào đãi vàng trái phép đã giảm đáng kể. Ông Toàn khẳng định: “Về nguồn nước, các thôn này được đầu tư hệ thống nước sạch nên nguồn nước sinh hoạt đảm bảo, không có tình trạng nước thải xả từ việc đào vàng. Nhưng về vệ sinh ăn uống, đồng bào không quen với việc dùng nước đun sôi, chủ yếu uống nước tự nhiên”.

Theo người làng thôn 8B, tháng 5.2015 đã có 3 trường hợp tử vong cùng một triệu chứng và đều chết trên rẫy. Nhỏ tuổi nhất là trường hợp Hồ Văn Sừa (4 tuổi). Hồ Văn Biên - cha Sừa nói: “Đi làm rẫy nên đem con theo nhưng hôm đó hắn kêu bị đau ở cổ, rồi chết. Mấy bữa nay thấy có thêm nhiều người khác cũng chết nên rất lo”. Để người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống, việc tìm nguyên nhân gây bệnh vẫn đang được cơ quan chức năng, ngành y tế xác định. Hiện, có 8 y bác sĩ của huyện Phước Sơn và xã Phước Lộc túc trực tại các thôn 8A và 8B để tham gia điều trị theo phác đồ, tiếp tục theo dõi bệnh tình.

VĂN HÀO

VĂN HÀO