Tận diệt cây xá xị

HOÀNG YÊN - PHẠM TRỌNG 16/07/2015 09:18

Từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện Phước Sơn rộ lên tình trạng người dân địa phương vào rừng tìm đào gốc cây gỗ xá xị để bán, khiến loại cây này có nguy cơ bị tận diệt.

Ào ạt vào rừng

Những ngày đầu tháng 7, lên xã Phước Đức, Phước Mỹ của Phước Sơn sẽ chứng kiến cảnh nhiều người dân, đặc biệt là thanh niên đổ xô vào rừng đào gốc cây xá xị để bán. Đi dọc hai bên đường vào các thôn 3 và 4 (xã Phước Đức), thôn 1 (xã Phước Mỹ) chúng tôi nhận thấy hàng trăm gốc cây xá xị để la liệt trước nhà của người dân. Đây là những gốc cây xá xị được người dân đào về bán cho các cơ sở chuyên chế tác đồ thủ công, mỹ nghệ từ gốc cây xá xị làm cảnh trưng bày trong nhà.

Một bộ bàn ghế làm từ cây xá xị. Ảnh: P.TRỌNG
Một bộ bàn ghế làm từ cây xá xị. Ảnh: P.TRỌNG

Anh Hồ Văn Hiền (thôn 1, xã Phước Mỹ), một người chuyên đi đào gốc xá xị cho biết, ngày trước rừng còn nhiều cây xá xị, mỗi ngày anh vào rừng là có thể đào được gốc xá xị đem về bán. Nhưng nay, khi thị trường xá xị được ưa chuộng, có quá nhiều người vào rừng tìm kiếm, làm cho loại cây này trở nên khan hiếm và đắt đỏ. “Để có những gốc xá xị đẹp, giá cao, chúng tôi phải băng rừng, vượt suối mấy ngày trời, thậm chí cả nửa tháng, nguy hiểm đến tính mạng mới có. Nếu đi đào các gốc nhỏ thì tự mình đào, còn gặp gốc to, phải trở về nhà huy động người vào đào cùng. “Trúng mánh” thì kiếm vài triệu đồng, không thì được mấy trăm nghìn đủ ngày công mình làm. Với người dân địa phương chúng tôi, số tiền này là rất lớn nên bất chấp nguy hiểm vào rừng tìm đào gốc cây xá xị” - anh Hiền nói.

 Tại nhà anh Hồ Văn Trang (thôn 4, Phước Đức) có nhiều gốc cây xá xị từ nhỏ đến lớn, với đủ giá từ vài chục nghìn đồng đến vài triệu đồng, thậm chí có gốc hàng chục triệu đồng. Anh cho biết, mấy hôm trước đã đào được một gốc xá xị có đường kính gần 2m, người ta trả giá 14 triệu đồng nhưng anh vẫn chưa bán. Gia đình còn khá nhiều gốc cây khác dùng để đục tượng trang trí với giá mỗi gốc vài triệu đồng. Để có những gốc cây xá xị đẹp, bán được nhiều tiền, người đi tìm gốc xá xị phải vào sâu trong rừng tìm kiếm, nếu phát hiện thuê người vào đào đem gốc về bán. Có khi đào được một gốc xá xị người dân phải huy động một nhóm người đào trong vài ngày liên tục, rồi thuê thêm người vận chuyển về nhà. Theo anh Trang, thời điểm hiện tại, gốc xá xị rất được giá do vào mùa xây dựng, người ta mua về trang trí nội thất trong nhà. Tuy vậy, không phải gốc xá xị nào cũng được giá, chỉ có những cây có hình thù đẹp mới bán được giá cao.

Nhiều gốc xá xị có hình thù khác nhau. Ảnh: H.YÊN
Nhiều gốc xá xị có hình thù khác nhau. Ảnh: H.YÊN

Khó kiểm soát

Tại trung tâm thị trấn Khâm Đức có hàng chục cơ sở mua bán gốc xá xị. Anh Trần Quốc Anh (một chủ cơ sở mua bán gốc xá xị) cho biết, ban đầu người dân chỉ chơi gốc cây khô, nhưng do thị trường ưa chuộng loại cây này nên họ đã đào cả gốc xá xị tươi đem bán. Gốc xá xị có mùi thơm và có hình dáng kỳ quái nên được nhiều người thích mua về trưng bày trong nhà. Mỗi gốc xá xị có mỗi kiểu dáng khác nhau, tùy theo sự ưa chuộng của mỗi người nên giá cả cũng không theo một quy định nào. Gốc có giá cao nhất lên đến 20 triệu đồng còn thấp nhất là vài trăm nghìn đồng.

Ông Hồ Văn Đông - Chủ tịch UBND xã Phước Đức cho biết, người dân tranh thủ lúc nhàn rỗi lên rừng tìm gốc xá xị về bán. Trước đây, họ chủ yếu là tìm những gốc cây đã bị rục, bị bỏ quên trong lòng đất. Do nhu cầu thị trường lớn, người dân tự ý vào rừng sâu đào những gốc xá xị tươi. “Chúng tôi tịch thu khi họ đem gốc xá xị về nhà. Tuy nhiên, đa số người dân ở đây là hộ nghèo, cũng vì miếng cơm mà họ bất chấp để khai thác trái phép, số lượng người đi đào quá đông và đào được là họ bán ngay, rất khó cho lực lượng chức năng địa phương xử lý. Chúng tôi đang chờ ý kiến của UBND huyện để giải quyết vấn đề này” – ông Đông nói.

 Ông Trần Lanh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn cho biết, cây gỗ xá xị thuộc nhóm V. Gỗ được người dân chưng cất lấy tinh dầu từ vỏ, thân cây xá xị dùng pha nước uống và làm thuốc. Một số nơi, người ta dùng tinh dầu xá xị để xoa bóp chữa thấp khớp, đau nhức. Vì vậy, hiện nay gỗ và tinh dầu xá xị có giá trị cao vì nó thuộc loại quý hiếm, chuyên dùng để làm tượng hoặc đồ mỹ nghệ, trang trí nội thất cao cấp, có nơi giá lên đến vài chục triệu đồng/m3. Riêng tinh dầu xá xị được chưng cất từ vỏ, rễ và thân cây có giá bán vài trăm nghìn đồng/lít. Gốc xá xị có mùi rất thơm, thiên nhiên lại ban phát cho các khu rừng ở huyện Phước Sơn khá nhiều loại cây này. Hiện nay, cây gỗ xá xị có nguy cơ bị tận diệt do người dân đổ xô vào rừng đốn hạ và đào bật gốc một cách không thương tiếc. Người dân ở đây chỉ đào gốc cây xá xị làm đồ mỹ nghệ, còn thân và vỏ thì vứt bỏ rất lãng phí. Ông Lanh nói: “Lực lượng kiểm lâm chúng tôi khó có thể kiểm soát hết số người dân vào rừng đốn hạ cây xá xị. Trong thời gian tới, chúng tôi quyết tâm sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đồng thời sẽ cùng với địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động bà con không tham gia việc đào gốc xá xị tươi để loài cây quý này không bị tận diệt và vắng bóng trên địa bàn huyện”.

HOÀNG YÊN - PHẠM TRỌNG

HOÀNG YÊN - PHẠM TRỌNG