Sống với A Vương
Ở A Vương nắng như thiêu đốt, cái cảm giác ngột ngạt như bủa vây khắp nơi. Vậy mà nhiều cán bộ công nhân viên vận hành thủy điện A Vương đã tự xem mình là một phần của nơi này và sống chan hòa với núi rừng.
Nắng mưa nghề thủy điện
Chuyến xe đổi ca từ Đà Nẵng đưa chúng tôi cùng các cán bộ kỹ thuật vận hành thủy điện A Vương (xã Ma Cooih, Đông Giang) lắc lư tiến về phía núi. Sau 2 giờ đồng hồ ngồi xe, qua những cung đường ngoằn ngoèo trên tuyến Hồ Chí Minh, chúng tôi đến được Nhà máy thủy điện A Vương. Anh Dương Minh Hải - Phó Quản đốc phân xưởng vận hành, tâm sự: “Anh em làm việc ở đây đa số đều là kỹ sư, một số xuất thân từ gia đình khá giả ở thành phố, để có thể coi nơi đây là ngôi nhà thứ hai của họ, thật sự là một “cuộc chiến nội tâm” lớn. Ngoài đường sá đi lại xa xôi thì nước sạch là vấn đề khó khăn, nguồn cung cấp phải lấy từng đợt tận thành phố. Chợ thì xa, từ nơi làm việc đến nơi dân cư đông đúc sinh sống gần nhất khoảng 40km đường đèo núi. Thức ăn tươi sống hầu như chỉ có trong các sự kiện do công ty tổ chức hoặc mỗi đầu tuần khi mà nhà bếp bắt đầu dự trữ”.
Cán bộ vận hành thủy điện hướng dẫn học sinh tại các làng định cư sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện. |
Với nụ cười trên môi, anh công nhân vận hành và cũng là người dẫn đường cho chúng tôi, nói dí dỏm: “Nắng để thấy quý những ngày mưa đấy các anh ạ. Nếu có dịp lên đây vào mùa mưa, các anh sẽ thấy như thế nào là mưa rừng. Mưa dai dẳng như không biết thời điểm ngừng, tất cả loài vật và con người ở đây chỉ biết đến hai từ: ẩm ướt”. Mùa mưa, anh em vận hành ở đây lại thêm nhiều nỗi lo, lo đường sá bị sạt lở, có khi cả mấy ngày trời mới thông được, lo nước về nhiều quá có thể gây lũ lớn sẽ ảnh hưởng đến bà con mình ở miền xuôi, trong đó có cả gia đình của họ.... Nói là vậy, chứ trời nắng với các anh cũng vất vả không kém. Không khí hanh khô ngột ngạt, tìm một ngọn gió, bóng cây cũng khó vì đất ở xung quanh nhà máy vận hành thủy điện chỉ toàn sỏi đá. Ít nhất vài ba lần các cán bộ làm việc nơi đây đã thử trồng vài loại cây che bóng mát và ăn quả quanh khu vực nhà máy nhưng đều thất bại. Phương án cuối cùng là chở đất, cát từ miền xuôi đổ phủ lên lớp đất đỏ sỏi đá nơi này để trồng cây xanh tạo bóng mát, kiểu nói vui như mấy anh là “chở củi về rừng”.
Cán bộ công nhân viên thủy điện A Vương trong một lần phát thuốc và khám bệnh miễn phí cho đồng bào. |
Phát triển từ sự hòa hợp
Đã gần 8 năm, kể từ ngày Nhà máy thủy điện A Vương đưa vào vận hành và cũng ngần ấy thời gian thích nghi, gắn bó để các anh trở thành một phần của đại ngàn. Cuộc sống vốn dĩ đa dạng và nhiều màu sắc, mỗi một nghề là một sắc thái tạo nên bức tranh cuộc đời nên nếu như ai đó muốn so sánh nghề này khổ hơn nghề khác cũng chỉ là tương đối. Không đơn giản mà anh kỹ sư vận hành Lê Hoàng Tuấn sinh ra và lớn lên tại TP.Đà Nẵng, với dáng người chắc nịch đầy sức sống, nước da ngăm đen do dãi dầu nắng mưa, ánh mắt sáng quắc mang hơi hướng của con người sống lâu năm vùng rừng núi, miệng luôn cười tự hào nói. “Đây là nhà của em các anh ạ”. Theo anh, cái cảm giác thân quen đó chỉ thật sự bộc lộ từ khi anh được lệnh điều động sang hỗ trợ đơn vị khác thuộc công ty làm nhiệm vụ. Khoảng thời gian này đã thật sự gợi trong anh nỗi nhớ nhung như mình đã chia xa một nơi yêu dấu. Với anh, hạnh phúc thật đơn giản và có được trong quá trình lao động; con người nếu biết thích nghi với hoàn cảnh sống sẽ cảm thấy thanh thản, yêu đời.
Người dân sống gần công trình hầu hết là đồng bào Cơ Tu, họ sống tập trung tại các khu làng tái định cư. Đời sống của công nhân, cán bộ vận hành nơi đây không ít thì nhiều vẫn gắn bó với cuộc sống của họ. Hình như ở nơi núi rừng càng hoang sơ, điều kiện càng thiếu thốn, tình cảm con người với nhau càng được thể hiện rõ nét. Có thể dễ dàng tìm thấy ở đây những câu chuyện về người dân sẵn sàng bỏ bữa cơm chỉ để giúp ai đó sửa chiếc xe máy, hay đơn giản hơn là mời người lỡ đường một bữa ăn, dù rằng chỉ thấy người ấy hơi quen đã từng đến làng… Điều mà ở phố thị rất hiếm gặp.
Đất cát từ miền xuôi đang tiếp tục gắn kết và hòa nhập với sỏi đá A Vương cũng như người mới và người cũ sẽ hòa hợp thành cuộc sống mới. Nhìn bóng mát, trái ngọt của cây xanh mà các anh vận hành chăm bón, chúng tôi như cảm nhận đây là kết quả giao thoa giữa cuộc sống đô thị và rừng núi hoang dã. Dẫu biết rằng để cây cối phát triển tốt, điều cần thiết là sự quan tâm chăm sóc của người trồng cây, cũng giống như anh em vận hành cần sự quan tâm về vật chất, tinh thần và sự đồng cảm từ nhiều phía. Nhưng bản thân một cây xanh trưởng thành, tự nó phải nếm trải và thích nghi với vô số khó khăn từ ngoại cảnh, khi đó sẽ vô cùng ý nghĩa và tốt đẹp bởi những cây xung quanh nó sẽ cùng phát triển lên xanh tốt...
NGỌC NHƠN - KHÁNH LINH