Ghi nhận từ thực tiễn
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và Quyết định số 218-QĐ/TW về “Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” (gọi tắt Quy chế, Quy định); Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 40-CT/TU ngày 27.3.2014 về lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện, đồng thời tổ chức quán triệt trong cán bộ chủ chốt toàn tỉnh. Trên cơ sở đó, các cấp ủy đảng, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đã ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện. Qua đó có những đóng góp quan trọng vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Quyết liệt triển khai
Để thể hiện rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong việc tiếp thu ý kiến góp ý của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn tỉnh tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 2107-QĐ/TU “Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp tiếp thu góp ý của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân”. Thực hiện văn bản hướng dẫn trên, cấp ủy các địa phương và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt, chỉ đạo đảng ủy các xã, phường, thị trấn tổ chức hội nghị học tập, quán triệt Quy chế, Quy định; chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tại địa phương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến việc tổ chức học tập, quán triệt ở cơ sở. Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh đã chủ động tổ chức quán triệt, học tập Quy chế, Quy định đến cán bộ chủ chốt và chỉ đạo các cấp tổ chức quán triệt, học tập trong đoàn viên, hội viên.
Nhân dân thôn Hóa Phú (xã Đại An - Đại Lộc) tham gia diễn đàn “Nhân dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”. Ảnh: HÀN GIANG |
Đi đôi với việc tổ chức quán triệt, học tập, các cấp ủy đảng đã xây dựng và ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện Quy chế, Quy định. Các địa phương, đơn vị đã bám sát nội dung văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy và tình hình thực tế ở địa phương để triển khai thực hiện. Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, đồng thời chỉ đạo các cấp triển khai thực hiện gắn với điều kiện thực tiễn ở địa phương, cơ sở; tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ cấp huyện và cơ sở.
Đi vào thực tiễn
Trong thời gian qua, Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh đã sáng tạo, linh hoạt trong công tác tham mưu, chỉ đạo; xây dựng chương trình phối hợp với các ban ngành liên quan để thực hiện nội dung giám sát. Trong quá trình thực hiện, lựa chọn có trọng điểm các nội dung giám sát, phản biện xã hội gắn với các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh và những vấn đề được đông đảo nhân dân quan tâm như: tình hình kinh doanh mua bán, sử dụng phân bón vô cơ; giám sát kế hoạch và biện pháp phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới; việc thực hiện bảo hiểm y tế đối với trẻ em dưới 6 tuổi, hộ nghèo, cận nghèo, người cao tuổi; rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng… Qua giám sát, Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã có những kiến nghị xác đáng, kịp thời đề xuất điều chỉnh những quy định đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn đời sống xã hội; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước.
MTTQ Việt Nam huyện Đại Lộc tổ chức tọa đàm về vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận trong tham gia xây dựng nông thôn mới. Ảnh: H.L |
Cùng với việc triển khai các hoạt động giám sát, Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã tham gia phản biện đối với việc xây dựng các đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời triển khai việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền với nhiều hình thức như: góp ý trực tiếp hoặc qua hòm thư, tổ chức các buổi tọa đàm, thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân. Đặc biệt, tiến hành xây dựng kế hoạch để góp ý vào các dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là trong quá trình chuẩn bị, tổ chức đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Được và chưa được
Qua một năm thực hiện Quy chế, Quy định của Bộ Chính trị (khóa XI), nhìn chung các cấp ủy đảng trên địa bàn tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện khá đồng bộ và sâu rộng. Kết quả bước đầu đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc thực hiện Quy chế, Quy định về giám sát, phản biện xã hội và tổ chức cho nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Từ đó tạo sự thống nhất về nhận thức, phương pháp, cách thức triển khai đối với cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trên toàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ một số hạn chế. Có thể kể đến việc triển khai thực hiện Quy chế, Quy định còn chậm. Trong khi đó, một số văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện của các đoàn thể chính trị - xã hội còn sao chép theo Quy chế, Quy định, thiếu tính cụ thể hóa, từ đó dẫn đến có sự nhận thức khác nhau giữa các địa phương và khó thực hiện thống nhất. Quan trọng hơn, chưa có sự phối hợp đồng bộ và còn lúng túng trong việc triển khai tổ chức thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; chưa xây dựng quy định cụ thể của tổ chức, đoàn thể mình tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền…
Cần tạo chuyển biến
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện và đạt được nhiều kết quả lớn hơn, thời gian đến, cấp ủy đảng, chính quyền, sở, ban ngành, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh cần thực hiện tốt hơn công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Quy chế, Quy định. Từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của mỗi cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đồng thời tuyên truyền rộng rãi qua các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết và thực hiện. Định kỳ hàng năm, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát và phản biện xã hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; kịp thời bổ sung nội dung giám sát và phản biện xã hội (khi có yêu cầu). Mặt trận các cấp chủ trì, phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội đối với những nội dung có liên quan theo Quy chế; tổ chức góp ý và tập hợp ý kiến góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quy định.
Trong quá trình thực hiện, Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp có trách nhiệm báo cáo kịp thời kết quả giám sát và phản biện xã hội, các nội dung tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của nhân dân cho cấp ủy đảng, chính quyền. Các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội theo Điều 16 của Quy chế và quy định cụ thể của tổ chức, đoàn thể mình tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Điều 18 của Quy định. Đặc biệt, Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc tiếp thu và khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm của các đơn vị đã được giám sát…
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ chủ động phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội, các ban ngành, cơ quan, đơn vị cơ sở tiếp tục tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy tuyên truyền, tổ chức, thực hiện Quy chế, Quy định của Bộ Chính trị đạt được những kết quả thiết thực. Điều này sẽ góp phần quan trọng vào việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị, các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2015 và trong nhiệm kỳ 2015 - 2020.
NGUYỄN THỊ KIM DUNG
(Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy)