Tri ân ở đất anh hùng

ĐOÀN ĐẠO - LÊ VY 13/07/2015 12:29

Núi Thành trong chiến tranh đã ghi dấu những chiến công vang dội, là mảnh đất anh hùng giàu truyền thống cách mạng. Chiến tranh đi qua, Núi Thành có hơn 4.600 liệt sĩ, hơn 1.200 thương bệnh binh và hàng nghìn người bị địch bắt tù đày. Bốn mươi năm từ ngày giải phóng, tri ân người có công với cách mạng, Núi Thành luôn làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa với sự chung tay góp sức của toàn xã hội.

Tuổi trẻ Núi Thành viếng hương Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ huyện. Ảnh: Đ.ĐẠO
Tuổi trẻ Núi Thành viếng hương Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ huyện. Ảnh: Đ.ĐẠO

Ấm lòng người có công

Trong căn nhà xây khang trang, bà Võ Thị Dược (SN1945, thôn Nam Cát, xã Tam Anh Nam) chia sẻ với chúng tôi niềm vui khi được hỗ trợ cải thiện nhà ở. Bà cho hay, ngôi nhà cũ trước đây xuống cấp, mưa tạt gió lùa, thân già một mình không có điều kiện sửa chữa. Bà Dược là đối tượng gia đình có công với cách mạng, hòa bình lập lại, bà trở thành phụ nữ đơn thân khi chồng mất và không có con cái. “Tháng 3.2014, Đoàn thanh niên Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai phối hợp với Đoàn thanh niên xã Tam Anh Nam hỗ trợ tôi 40 triệu đồng khởi công làm nhà. Những ngày làm nhà, bà con hàng xóm xúm xít lại góp công, lợp mái… Đoàn thanh niên xã còn cử đoàn viên lắp đặt hệ thống điện trong nhà trị giá hơn một triệu đồng, kinh phí cũng do các cháu tài trợ. Tôi chỉ mất ít tiền mua sắm vài ba vật dụng. Sự quan tâm của xã hội, thế hệ trẻ giúp vơi bớt nỗi đau chiến tranh, làm ấm lòng tuổi già này” - bà Dược kể.

Chúng tôi đến thăm mẹ Châu Thị Miễn (SN 1931, thôn Tịnh Sơn, Tam Mỹ Tây) có chồng và con hy sinh trong kháng chiến. Nhắc chuyện quá khứ, mẹ bảo: “Chiến tranh khổ lắm con ơi! Mẹ đi tù 3 năm, bị địch đánh gãy tay. Nhưng đau gì bằng mất chồng và con”. Mẹ kể, chồng mẹ làm trong ban kinh tế huyện, bị địch bắt năm 1968. Ông bị địch bắn chết ngay trước mặt mẹ. Dù những nếp nhăn còn hằn trên gương mặt, nhưng mẹ nhẹ nhàng nói: “Chiến thắng nào chẳng có hy sinh. Nếu quay lại thời gian đó mẹ vẫn sẽ ủng hộ chồng con đi theo kháng chiến”. Và những hy sinh của mẹ đã được đền đáp khi năm 2014 mẹ Châu Thị Miễn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; được Sư đoàn Bộ binh 315 nhận phụng dưỡng với mức 1 triệu đồng mỗi tháng. “Chồng con hy sinh vì độc lập của dân tộc, mẹ cũng không nghĩ đến ngày được đền đáp. Nhưng nay nhận được sự chăm lo, mẹ thấy ấm lòng. Và có lẽ chồng con mẹ dưới chín suối cũng sẽ vui khi mọi người quan tâm chăm lo cho mẹ chu đáo, nhất là khi tuổi đã xế chiều” - mẹ Miễn móm mém nói.

Ông Nguyễn Công Tiến - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Núi Thành cho hay, thời gian qua, gia đình liệt sĩ, người có công cách mạng ở Núi Thành được Nhà nước và xã hội quan tâm, tri ân bằng nhiều hành động thiết thực. Ngoài việc chăm sóc, phụng dưỡng người còn sống, các hội đoàn thể, nhân dân đã có nhiều hoạt động tri ân người đã nằm xuống như thường xuyên sửa sang nghĩa trang liệt sĩ, thắp nến tri ân…

Xã hội chung tay

Những năm qua, Núi Thành đã đẩy mạnh xã hội hóa, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân cùng tham gia chăm sóc, phụng dưỡng người có công với cách mạng. Đến nay, Núi Thành đã vận động các đơn vị phụng dưỡng 13/25 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và đang tiếp tục vận động để đảm bảo các mẹ còn sống trên địa bàn huyện được phụng dưỡng đến cuối đời. Ông Nguyễn Minh Thể - cán bộ chuyên trách LĐ-TB&XH xã Tam Anh Nam cho hay, từ khi chia tách xã năm 2005, công tác người có công trên địa bàn luôn được địa phương quan tâm. Các công tác lập hồ sơ chính sách ưu đãi, cấp chế độ hàng tháng, làm bảo hiểm y tế, thăm hỏi, tặng quà dịp lễ tết… luôn được thực hiện tốt. Riêng trong năm 2014, Tam Anh Nam  đã lập hồ sơ mai táng phí cho 3 trường hợp, chi thờ cúng liệt sĩ 52 trường hợp và truy lĩnh chế độ tù đày cho 4 trường hợp. Đồng thời triển khai rà soát chính sách người có công năm 2014 với tổng số 219 đối tượng và tổng hợp báo cáo về huyện. Hàng năm xã đều vận động đóng góp Quỹ đền ơn đáp nghĩa vượt chỉ tiêu giao, như trong năm 2014 đã vận động được gần 95 triệu đồng; vận động hỗ trợ xây 1 nhà tình nghĩa. Còn ông Trần Văn Vũ - Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Tây cho biết: “Địa phương đã kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp như Công ty CP Lâm sản Pisico Quảng Nam, Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn - Thanh Hóa, Sư đoàn Bộ binh 315 nhận chăm sóc phụng dưỡng 4 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống trên địa bàn xã. Thời gian tới, tiếp tục vận động nhận phụng dưỡng đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nữ”.

Ông Nguyễn Công Tiến - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Núi Thành cho biết: “Lãnh đạo huyện Núi Thành cũng như các xã, thị trấn trên địa bàn luôn quan tâm đến công tác người có công. Hàng năm, vào các dịp lễ tết, ngày Thương binh liệt sĩ, địa phương tổ chức thăm, tặng quà đối tượng người có công kịp thời, đầy đủ. Huyện luôn ưu tiên quan tâm đến việc giải quyết chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, không để xảy ra tình trạng tồn đọng”. Riêng trong năm 2014, Núi Thành đã thực hiện hỗ trợ làm 65 nhà ở cho người có công (theo Quyết định 22/QĐTTg của Thủ tướng Chính phủ) với tổng kinh phí gần 1,9 tỷ đồng; trong đó xây mới 17 nhà, sửa chữa 48 nhà. Tính đến tháng 7.2015, huyện đã hoàn thành hỗ trợ xây mới và sửa chữa 281 nhà ở cho người có công với cách mạng và tiếp tục bổ sung hồ sơ 174 trường hợp khác. Huyện cũng thực hiện tốt chế độ điều trị, điều dưỡng cho 906 trường hợp người có công…

ĐOÀN ĐẠO - LÊ VY

ĐOÀN ĐẠO - LÊ VY