Cá chết hàng loạt ở hồ điều hòa Nguyễn Du: Hồ nhiễm bẩn do nước thải

TRẦN HỮU 13/07/2015 08:11

Hầu hết nguồn nước ở các hồ có chức năng điều tiết môi trường  trên địa bàn TP.Tam Kỳ đều bị ô nhiễm, nặng nhất là hồ điều hòa Nguyễn Du lại xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt.

  • Cá chết hàng loạt trên hồ điều hòa
Cá rô phi chết nổi trắng ở hồ điều hòa Nguyễn Du. Ảnh chụp lúc 16 giờ ngày 11.7.Ảnh: TRẦN HỮU
Cá rô phi chết nổi trắng ở hồ điều hòa Nguyễn Du. Ảnh chụp lúc 16 giờ ngày 11.7.Ảnh: TRẦN HỮU

Bao bọc chung quanh là các bệnh viện lớn của tỉnh, hồ điều hòa Nguyễn Du có diện tích mặt nước rộng 4ha với chức năng điều tiết lượng nước mưa, tạo môi trường cảnh quan đô thị. Thế nhưng, công trình này lâu nay là “túi đựng” nước thải từ các cơ sở y tế, khu dân cư sinh sống. Người dân ở khối phố 5 (phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ) than thở, vào mùa nắng, nước chuyển màu vàng đục, kết thành lớp mỡ đặc quánh, rác rưởi trôi nhếch nhác; mùa mưa do nước từ bệnh viện thải ra hồ gây mùi hôi tanh rất khó chịu. Tại nhà sinh hoạt văn hóa khối phố 5 (phường An Mỹ) nằm sát hồ điều hòa này, có thời điểm người dân đến dự họp đều bức xúc vì mùi hôi thối.

Hơn tuần qua, hàng tạ cá rô phi chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước được người dân và các ngành chức năng của thành phố vớt được. Theo xác nhận của Ban quản lý các công trình công cộng TP.Tam Kỳ, hiện tượng cá chết ở hồ Nguyễn Du xuất hiện ở một số khu vực. Có ngày vớt được gần 1 tạ cá chết. Trước đây, các ngành chức năng xác định, nguồn nước và không khí ở hồ bị ô nhiễm nghiêm trọng do tình trạng tảo và rong rêu phân hủy, trong khi khâu xử lý rác thải thiếu đồng bộ và khoa học. Chiều tối 12.7, theo ghi nhận, quanh hồ mùi hôi tanh vẫn chưa được xử lý triệt để, cá chết còn xuất hiện ở nhiều khu vực. Tại miệng một cái cống dẫn nước từ hồ điều hòa chảy ra, xác cá rô phi to như bàn tay nổi trắng trên mặt nước.

Ông Trần Văn Cư, Trưởng phòng Tài nguyên môi trường TP.Tam Kỳ cho biết, chỉ nhận thông tin cá chết từ phóng viên chứ chưa nghe người dân địa phương phản ánh. Đơn vị sẽ cử người đến khu vực kiểm tra tình hình ô nhiễm và tìm hiểu nguyên nhân cá chết, sau đó sẽ có hướng xử lý. Trước mắt, địa phương đưa lực lượng môi trường đến vớt xác cá chết đi tiêu hủy. Còn lãnh đạo Sở Tài nguyên - môi trường khẳng định, độ pH nguồn nước các hồ điều hòa ở TP.Tam Kỳ không đảm bảo cho việc bảo tồn và phát triển của động vật thủy sinh, đặc biệt là hồ Nguyễn Du. Nguồn nước có tính kiềm mạnh được xác định do hồ tiếp nhận lượng nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý, nước thải các bệnh viện lân cận xử lý nhưng chưa đạt yêu cầu. Kết quả 12 đợt quan trắc năm 2014 tại hồ Nguyễn Du đều cho thấy, nguồn nước bị ô nhiễm amoni. Đặc biệt, mức độ ô nhiễm amoni có thời điểm vượt 39 lần giới hạn cho phép. Chất lượng nước các hồ điều hòa khu vực Tam Kỳ (hồ điều hòa Nguyễn Du, Duy Tân, hồ Ngã Ba) qua 4 năm (2010 - 2014) đều bị ô nhiễm. Hai năm gần đây mức độ ô nhiễm tại hồ Nguyễn Du rất nghiêm trọng, không thấy suy giảm so với các năm trước. Tình trạng ô nhiễm chất hữu cơ, amoni trên hồ Nguyễn Du gần đây có tính liên tục và kéo dài suốt trong năm. Trong khi đó, lượng dầu mỡ ở hồ Nguyễn Du đã vượt giới hạn cho phép nhiều lần. Đây là nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt và ô nhiễm không khí.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU