Đoàn tụ sau 40 năm
Cứ tưởng chỉ còn có thể gặp chồng và con trai thất lạc đã 40 năm ở thế giới bên kia, bất ngờ chồng trở về khiến bà Phan Thị Tý (85 tuổi, thôn Phước Thành, xã Quế Thuận, Quế Sơn) cùng con cháu và người dân trong vùng không khỏi bàng hoàng, xúc động.
Hơn một tháng qua, người dân xã Phước Thuận bàn tán xôn xao về câu chuyện ông Nguyễn Niết (87 tuổi) bỗng nhiên trở về tìm vợ và các con sau 40 năm lưu lạc. Mấy chục năm qua, hàng năm vào ngày 12.2 âm lịch gia đình bà Tý vẫn đều đặn làm giỗ cho ông Niết và con trai. Còn ông Niết mấy mươi năm qua sống nơi đất khách, cứ ngỡ vợ và các con đã chết trong cơn biến động nên cũng lập bàn thờ và sống trong day dứt, giày vò.
Căn nhà bà Tý từ ngày có ông Niết về rộn rã tiếng cười nói. Có khách, bà Tý lại tất tả ra đón. Dân làng bảo, từ ngày ông Niết về, bà Tý khỏe và tươi tỉnh hẳn ra. “Anh ơi, có người gặp hỏi chuyện”. Tiếng gọi chồng của bà Tý nghe vẫn ngọt ngào như thuở ông bà mới lấy nhau. Cả ông Niết và bà Tý tuy đã già nhưng còn khỏe mạnh và tỉnh táo. Nhắc đến câu chuyện lưu lạc của gia đình, ông bà đều rưng rưng nước mắt.
Ông Niết và bà Tý bùi ngùi kể lại chuyện gia đình thất lạc nhau. Ảnh: THANH NGUYÊN |
Lạc nhau trong biến cố
Trong câu chuyện ly tán của gia đình, ông bà không nhớ cụ thể xảy ra vào ngày nào, chỉ nhớ đó là một ngày tháng 2.1975. Ngày đó, ông bà sống nghĩa vợ chồng đã được hơn 20 năm, có 4 người con, trong đó con gái đầu Nguyễn Thị Ty đã 17 tuổi, con trai Nguyễn Văn Tuệ 10 tuổi, Nguyễn Văn Huệ 8 tuổi và con gái út Nguyễn Thị Liên còn ẵm ngửa.
Ông Niết kể, thời điểm đó tranh ác liệt, chính quyền cũ dồn dân và đưa lên những con tàu lớn di chuyển vào Nam. Ngày chạy loạn, bà Tý bồng Liên dẫn Ty và Huệ cùng dân làng xuống Hội An rồi ra cảng Đà Nẵng lên một chiếc tàu. Ông Niết cùng Tuệ bị tụt lại phía sau nhưng cũng đuổi kịp. Cả gia đình ông cùng hàng nghìn người được đưa lên một sà lan lớn ở trên biển để di chuyển vào Cam Ranh. Sau hai đêm một ngày lênh đênh trên biển mọi người trên sà lan bắt đầu lả đi vì đói và khát. Vì khát nên người dân phải múc nước biển lên lọc uống khiến và bị thổ tả chết rất nhiều. Cảnh tượng đó vẫn còn ám ảnh ông đến bây giờ. Khi sà lan chuẩn bị cập cảng, vì thương vợ con đang đói và khát, ông Niết theo ca nô qua tàu khác cố đi tìm nước uống cho vợ con. Nhưng khi quay lại ông chỉ thấy Tuệ ngồi một mình ở vị trí cũ. Ông tá hỏa đi tìm thì mọi người trên sà lan nói rằng vợ con ông đã chết và rơi xuống biển. Cố lật từng thi thể trên sà lan tìm vợ con nhưng không thấy, ông đành cùng cậu con trai xuống cảng, lang bạt từ đó.
Về phần mình, bà Tý kể, khi chờ chồng lâu không thấy, trong khi con gái út đang lả đi vì khát nên bà phải ẵm đi xin nước và tìm chồng. Nhưng rồi giữa biển người bà đã lạc mất chồng và 3 con. Sà lan cập cảng, ẵm con đi tìm chồng con suốt một ngày trời nhưng không thấy, bà đành bồng con đi bộ rồi xin xe về lại quê nhà. Mất gần tháng trời bà Tý và con gái út mới về đến Quế Sơn. Một tháng sau, Ty - con gái đầu của bà cũng tìm về quê. Riêng ông Niết, cùng 2 người con trai Tuệ và Huệ bặt vô âm tín.
Đều giỗ người còn sống
Ông Niết cho hay, sau khi xuống cảng Cam Ranh, ông và Tuệ sống cuộc sống lang bạt nay đây mai đó trong đói nghèo, túng quẫn. Ông xin ở nhờ nhà người dân rồi làm đủ thứ nghề để nuôi con qua bữa. Rồi ông và con xin được mảnh đất ở thôn Suối Cát, xã Cam Hiệp Nam (Cam Lâm, Khánh Hòa) để làm vườn. Cha con nương tựa vào nhau sống qua ngày. Mấy năm sau, ông gặp và lấy một phụ nữ cũng đã qua một đời chồng và có với nhau 4 người con. Vì đinh ninh rằng vợ con trước đã chết nên ông lập bàn thờ ngày đêm khói hương. Dù sống với vợ con thứ hai, nhưng nỗi nhớ thương vợ và các con khiến ông day dứt và ân hận mãi.
Về phấn bà Tý sau khi về quê, chờ chồng mãi không thấy bà quyết ở vậy nuôi con. Bà kể, khoảng 5 năm sau con trai là Nguyễn Văn Huệ cũng tìm về quê với bà. Huệ kể lại rằng bị lạc cha mẹ ở cảng, rồi theo dòng người lang thang phiêu bạt xuống Sài Gòn. May mắn được một gia đình nhận làm con nuôi, cho ăn học đàng hoàng. Nay, anh Huệ đã có gia đình, làm ăn và sinh sống tại Sài Gòn. Hằng năm vẫn về thăm mẹ và chị em.
Vì chờ chồng con mãi không thấy về, bà Tý và con đi xem bói, thầy bói phán rằng chồng và con đã chết. Bà Tý tin, lập bàn thờ hương khói chồng con, lấy ngày 12.2 âm lịch làm ngày giỗ. Từ đó bà Tý sống trong nhớ thương, chịu nhiều khổ cực nuôi hai người con là Ty và Liên khôn lớn.
Cuộc trùng phùng bất ngờ
Một ngày giữa tháng 5.2015, chị Liên - con gái út của bà Tý nay đã 43 tuổi - được một người quen đang làm việc tại UBND xã Quế Thuận báo tin cha cô vẫn còn sống. Lần theo câu chuyện này, chúng tôi được biết, trước đó có một nam thanh niên xưng là Nguyễn Văn Hải về xã xác minh lý lịch của cha để vào Đảng. Người này nói có cha tên là Nguyễn Niết, quê ở xã Quế Thuận nhưng chuyển vào sống ở Khánh Hòa nhiều năm nay. Cán bộ xã đã lật hết hồ sơ nhưng vẫn không tìm ra người nào còn sống trùng với lời khai của anh Hải nên không thể xác minh được. Không chờ được, anh Hải trở về Khánh Hòa và để lại số điện thoại nhờ cán bộ xã tiếp tục tìm, xác minh. Mấy ngày sau, người có trách nhiệm ở xã mới nhớ ra cha của chị Liên đã mất tích có nhiều điểm trùng với lời khai của anh Hải thông báo cho chị biết, đồng thời đưa số điện thoại cho người nhà tự liên hệ với gia đình ông Niết đang ở Khánh Hòa. Linh tính cha mình còn sống chị Liên điện thoại thì Hải nói chuyện. Cả hai xác nhận nhau cùng có cha tên Nguyễn Niết (cùng cha khác mẹ) và Hải cho biết cha mình có người con riêng tên Tuệ. Qua một vài câu hỏi, chị Liên nhận định đúng là cha và anh trai đã thất lạc. Lập tức chị Liên và chị Ty bắt xe vào Khánh Hòa để xác thực. “Tôi đã điện thoại gặp Tuệ xin địa chỉ cụ thể để hẹn gặp ở Khánh Hòa. Vào đến nơi tôi nhận ra ngay cha mình và em trai. Mừng mừng tủi tủi, cả nhà chỉ biết ôm nhau khóc không nói được lời nào” - chị Ty kể.
Cách đây hơn một tháng, ông Niết được con cháu dẫn về quê tìm lại vợ con đã thất lạc sau 40 năm. Về đến nhà, nhìn người vợ năm nào nay đã già yếu, các con đã trưởng thành, ông Niết cảm xúc dâng trào. Và chính tay ông Niết hạ bức di ảnh của mình trên bàn thờ gia đình xuống. Hôm ông Niết về, dân làng kéo đến chật nhà chia vui với cuộc đoàn tụ ngập trong nước mắt của gia đình.
“Suốt mấy chục năm qua tôi sống trong day dứt và giày vò. Giờ được về quê hương gặp lại vợ con, dù có muộn màng nhưng thấy mãn nguyện lắm rồi. Giờ ở Khánh Hòa hay ở Quế Sơn tôi đều có con cháu đề huề, đó cũng là niềm vui và hạnh phúc” - ông Niết bùi ngùi nói.
THANH NGUYÊN