Tam Kỳ xây dựng đô thị sinh thái và nhân văn

TƯỜNG QUÂN 09/07/2015 12:27

Với quá trình đô thị hóa nhanh chóng, Tam Kỳ gánh chịu nhiều hệ lụy như: mất cân bằng dân số, ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên… Vì thế, thành phố đang nỗ lực xây dựng một chiến lược phát triển đô thị gắn với sinh thái và nhân văn trong tương lai.

Sông Trường Giang bị người dân lấn chiếm nuôi tôm gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến hệ sinh thái trên sông. Ảnh: T.QUÂN
Sông Trường Giang bị người dân lấn chiếm nuôi tôm gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến hệ sinh thái trên sông. Ảnh: T.QUÂN

Nhiều thuận lợi, lắm khó khăn

Trong lịch sử xây dựng và phát triển từ một huyện, thị xã đến thành phố, Tam Kỳ đã phải đối diện với nhiều hệ quả suy thoái môi trường sinh thái không nhỏ. Các con sông Trường Giang, Tam Kỳ dần trở nên ô nhiễm từ việc nuôi tôm, nuôi cá lồng bè tràn lan, không theo quy hoạch. Sông Bàn Thạch bị ô nhiễm nguồn nước, nạn bèo lục bình sinh sôi ảnh hưởng đến hệ sinh thái… Và cả sự nhận thức yếu kém của một bộ phận người dân khiến nhiều khu vực sông đầm đang đứng trước bờ vực suy thoái nghiêm trọng. Đơn cử như khu vực Bãi Sậy - Sông Đầm, nơi này đã mất đi nhiều giá trị sinh thái từ việc sản xuất nông nghiệp của người dân. Những cánh đồng lau sậy bị chặt phá để nhường chỗ cho các trại chăn nuôi gia cầm, hồ nuôi tôm. Hay như quá trình khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản bằng xung điện cũng đã làm cạn kiệt nguồn tài nguyên nơi đây. Ngoài ra, phải kể đến những yếu tố khách quan do hạn hán, lũ lụt thường xuyên cũng đã tàn phá nhiều giá trị sinh thái vốn có của Tam Kỳ.

Điều đáng mừng là Tam Kỳ vẫn còn tài nguyên nhân văn, du lịch khá phong phú, đa dạng với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, hấp dẫn và có nhiều di tích lịch sử văn hóa lâu đời. Trong đó, có khu di tích lịch sử cấp quốc gia Địa đạo Kỳ Anh, làng nghề chiếu cói Thạch Tân, bãi biển Tam Thanh hoang sơ, khu di tích Bãi Sậy - Sông Đầm còn nhiều tiềm năng sinh thái. Tam Kỳ còn có cánh đồng Nhong với những giá trị làng quê, có hệ thống sông suối, đồi núi với đa dạng hệ thực vật, động vật… Đây là những lợi thế mà TP.Tam Kỳ hoàn toàn có thể gắn kết trong sự phát triển đô thị, đảm bảo được sự cân bằng giữa con người và môi trường tự nhiên, là nền tảng vững chắc và tin cậy để TP.Tam Kỳ xây dựng trở thành một đô thị sinh thái trong tương lai.

Trong quy hoạch tổng thể với định hướng trở thành một thủ phủ xanh, Tam Kỳ đã tính đến việc phát triển gắn không gian ven sông Tam Kỳ, sông Bàn Thạch, hồ Sông Đầm… để tạo thành một hành lang xanh, bảo tồn không gian cảnh quan và các giá trị văn hóa làng quê gắn với phát triển nghỉ dưỡng du lịch sinh thái. Giáo sư Kim KwiGon - Giám đốc Trung tâm Đào tạo đô thị quốc tế tại Hàn Quốc sau cuộc khảo sát một số địa điểm trên địa bàn Tam Kỳ và tìm hiểu quy hoạch tổng thể của thành phố đã nhấn mạnh: “TP.Tam Kỳ có nhiều thế mạnh về tự nhiên và văn hóa để phát triển đô thị sinh thái gắn với phát triển du lịch xanh. Tuy nhiên, để có thể thực hiện được mục tiêu, thành phố cần có sự kết nối giữa cộng đồng địa phương với các chuyên gia, các cơ quan, ban ngành của chính phủ trong quá trình lập quy hoạch”.

Chú trọng nguồn nhân lực

Với những việc làm cụ thể, Tam Kỳ đang nỗ lực xây dựng một quy hoạch chiến lược phát triển thành phố với nhiều kế hoạch, phương án. Trong đó, đào tạo nguồn nhân lực cho cán bộ địa phương cũng như tìm cách để truyền tải những thông tin, chính sách của chính quyền địa phương đến người dân là một vấn đề được quan tâm hơn hết. Mới đây, UBND TP.Tam Kỳ đã phối hợp với Trung tâm Đào tạo đô thị quốc tế tại Hàn Quốc và Tổ chức định cư con người Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UN - Habitat) mở khóa đào tạo “Xây dựng chiến lược phát triển thành phố gắn với giá trị sinh thái và văn hóa” cho hơn 100 học viên là cán bộ của 13 xã, phường và các phòng, ban thành phố. Đây là khóa học có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc cung cấp kiến thức cũng như truyền tải những thông tin cần thiết và huy động sự hợp tác của cộng đồng địa phương để xây dựng một chiến lược phát triển TP.Tam Kỳ xanh, sinh thái và nhân văn trong tương lai.

Qua khóa học này, các chuyên gia cũng đã giới thiệu cho học viên những thành phố trên thế giới với các mô hình xanh hiệu quả. Như thành phố Bridgetown (Barbados) với mô hình quản lý vùng bờ biển và bảo tồn đất nông nghiệp, thành phố Ingersoll (Canada) với mô hình huy động thanh niên và chiến lược lao động, thành phố Portland với mô hình từ xám sang xanh, thành phố Columbia (North Carolina) với mô hình hợp tác vùng cho phát triển kinh tế địa phương… Học viên còn được học tập nhiều mô hình đô thị sinh thái tại Hàn Quốc với các chính sách phục hồi rừng ven sông, quản lý hệ sinh thái, du lịch sinh thái. Những kiến thức và thực nghiệm này sẽ giúp cho đội ngũ cán bộ của thành phố có một cái nhìn tổng thể để có thể đề xuất những biện pháp cụ thể giúp chính quyền TP.Tam Kỳ xây dựng một đô thị sinh thái phát triển bền vững trong tương lai. Ông Nguyễn Quang - Giám đốc chương trình UN - Habitat tại Việt Nam nhận định: “Có thể nói, trước hết thành phố được xây dựng bởi người dân, bởi cộng đồng. Và vai trò của Nhà nước là tạo điều kiện cho các đối tác phát triển, cùng tham gia trong quá trình phát triển đó. Vì vậy, nhận thức của cộng đồng về những giá trị sinh thái, giá trị nhân văn rất quan trọng. Bởi hơn ai hết, chính họ là những người sẽ duy trì, bảo dưỡng những giá trị đó; đồng thời là những người đóng góp cho chính sách, làm hoàn thiện chính sách phục vụ mục tiêu phát triển bền vững”.

TƯỜNG QUÂN

TƯỜNG QUÂN