Xác lập vị thế du lịch Quảng Nam

VĨNH LỘC 09/07/2015 08:34

Ngày 9.7.1960 Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam) ban hành Nghị định 26/CP thành lập Công ty Du lịch Việt Nam trực thuộc Bộ Ngoại thương, đánh dấu sự ra đời của ngành du lịch Việt Nam. Trải qua nhiều lần thay đổi tên gọi và sáp nhập với các cơ quan, đơn vị khác nhau, đến nay ngành du lịch đã vươn lên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều địa phương, trong đó có Quảng Nam.

Quảng Nam - điểm đến hấp dẫn du khách và đã trở thành một trong những trung tâm du lịch của cả nước. Ảnh: V.LỘC
Quảng Nam - điểm đến hấp dẫn du khách và đã trở thành một trong những trung tâm du lịch của cả nước. Ảnh: V.LỘC

Ngành kinh tế mũi nhọn

Du lịch Quảng Nam chỉ phát triển mạnh mẽ từ khi tái lập tỉnh với việc ra đời của Sở Thương mại và du lịch (năm 1997) và thật sự khởi sắc khi Hội An, Mỹ Sơn được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới (năm 1999). Lượng khách du lịch bắt đầu tăng đột biến với tỷ lệ bình quân hàng năm 20 - 25%, để chỉ trong gần 20 năm đã trở thành một trong 5 trung tâm du lịch của cả nước với lượng khách tăng từ khoảng 100 nghìn lượt (năm 1995) lên 3,7 triệu lượt vào năm 2014 và theo thống kê đầu năm 2015, Quảng Nam hiện có 7.342 phòng lưu trú với đầy đủ loại hình từ biệt thự du lịch, homestay đến khách sạn 5 sao… Tại một số nơi, sự phối hợp giữa chính quyền và doanh nghiệp đã hình thành nên nhiều tour, tuyến hấp dẫn như khám phá miền núi, trải nghiệm làng nghề, đêm rằm phố Hội, phố không động cơ, du lịch sinh thái làng quê, làng nghề… giúp mang đến cho du khách nhiều lựa chọn khi tham quan du lịch tại Quảng Nam.

Giám đốc Sở VH-TT&DL - Đinh Hài cho rằng, du lịch Quảng Nam cũng đang gặp thách thức về hạ tầng và nhân lực. Một số điểm đến rất hấp dẫn nhưng giao thông đi lại còn nhiều khó khăn. Nguồn nhân lực du lịch, nhất là đội ngũ quản lý còn thiếu và yếu, trong khi lực lượng này quyết định rất lớn đến sự thành công của mỗi điểm đến cũng như doanh nghiệp du lịch.

Du lịch phát triển cũng tác động tích cực đến đời sống của một bộ phận nhân dân tại những nơi có điểm tham quan. Thông qua các dự án du lịch, hạ tầng giao thông đã được đầu tư xây dựng không chỉ mang đến diện mạo mới cho ngành du lịch mà còn góp phần cải thiện đời sống dân sinh. Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định, thành công lớn nhất mà ngành du lịch mang lại cho Quảng Nam những năm qua là đã phát huy được lợi thế của một tỉnh có 2 di sản văn hóa thế giới, có sự ưu đãi về thiên nhiên, địa hình và các danh thắng, bờ biển, hải đảo… để qua đó có sự  phát triển liên tục đối với sản phẩm du lịch, lượng khách, giúp giải quyết công ăn việc làm mang lại thu nhập cho người dân, đóng góp vào nền kinh tế ngày càng cao. “Ngoài phát huy giá trị di sản, những năm gần đây ngành du lịch Quảng Nam còn tập trung phát triển theo hướng du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm. Trong đó du lịch cộng đồng đã chia sẻ được lợi ích cho người dân và người dân cũng đã tự giác tham gia vào các hoạt động, thay đổi nhận thức về kinh tế du lịch” - ông Hài nói.

Còn nhiều thách thức

Không phủ nhận, vai trò của du lịch rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của một vài địa phương trên địa bàn tỉnh… Tuy nhiên, phát triển du lịch cũng đang đối diện với không ít thách thức khi nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang dần bị biến dạng, nhất là ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quá trình hoạt động du lịch đã làm thương mại hóa mối quan hệ giữa người dân địa phương và du khách, giữa người dân với nhau trong cạnh tranh giá cả; mua bán trao đổi không lành mạnh; ảnh hưởng mạnh mẽ đến môi trường thiên nhiên và cảnh quan điểm đến, mà bài học nhãn tiền là các bãi biển công cộng tại Hội An bị thu hẹp hay sinh thái tại Cù Lao Chàm bị ảnh hưởng.

Theo ông Nguyễn Sự - Chủ tịch HĐND TP.Hội An, thách thức của du lịch Hội An hiện nay chủ yếu tập trung vào 3 vấn đề là môi trường  xã hội, môi trường tự nhiên, môi trường con người. Trong khi cơ sở hạ tầng yếu kém, lượng khách đến ngày càng đông cũng bắt đầu phát sinh nhiều vấn đề như chất lượng phục vụ không đến nơi đến chốn, việc kiểm soát hoạt động kinh doanh du lịch còn nhiều vướng mắc dẫn đến xử lý chưa tốt các vấn đề phát sinh. Du lịch phát triển cũng tác động đến nếp sống người dân theo hướng thị trường hóa, thay đổi biến dạng dẫn đến tình trạng chụp giựt. Một thách thức lớn khác hiện nay chính là bờ biển bị xâm thực, sạt lở, trong khi du lịch biển đang là chiến lược lớn được hướng đến. “Biển Cửa Đại đang bị sạt lở một cách nghiêm trọng dẫn đến mất nguồn tài nguyên về thiên nhiên du lịch, sức cạnh tranh cũng giảm đi. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến du lịch Hội An nói riêng, cũng như Quảng Nam nói chung” - ông Sự nói.

So với nhiều địa phương khác, bề dày du lịch Quảng Nam (trước đây là Quảng Nam - Đà Nẵng) không nhiều, nhưng những kết quả đạt được thời gian qua rất đáng trân trọng, khẳng định được vị trí trên bản đồ du lịch Việt Nam. Trong đó, TP.Hội An đã trở thành điểm đến yêu thích của du khách quốc tế khi liên tục lọt vào tốp bình chọn của các trang mạng du lịch uy tín toàn cầu. “Tuy vẫn còn những hạn chế nhất định, nhưng có thể khẳng định chặng đường qua đã đánh dấu sự phát triển vượt bậc của ngành du lịch Quảng Nam trong việc xác lập thương hiệu trên thị trường du lịch Việt Nam và quốc tế về một điểm đến thân thiện, an toàn và hấp dẫn. Chính điều này sẽ là cơ sở vững chắc để ngành du lịch Quảng Nam phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tiếp theo” - ông Đinh Hài nói.

VĨNH LỘC

VĨNH LỘC