Bờ sông ngập rác
Nhiều năm nay, bờ sông Trường Giang đoạn chảy qua địa phận thôn Long Thạnh Đông (xã Tam Hải, Núi Thành) luôn ngập trong rác. Rác thải từ chợ Tam Hải, từ các khu dân cư tuồn thẳng ra sông dồn ứ, gây ô nhiễm.
Bờ sông Trường Giang đoạn qua thôn Long Thạnh Đông dài hơn 2 cây số tiếp giáp với chợ Tam Hải bất đắc dĩ trở thành điểm tập kết rác thải từ chợ, từ các khu dân cư. Đi dọc bờ sông, dễ dàng nhận thấy những bè rác nổi lềnh bềnh, bốc mùi hôi thối. Vốn có địa thế đẹp, khung cảnh bình yên, một thời níu chân du khách nước ngoài tới chụp ảnh, ngồi câu cá, tìm hiểu về văn hóa truyền thống của làng… Thế nhưng, mấy năm nay, không khách du lịch nào tới nơi này hoặc nếu có lỡ tới thì chỉ biết lắc đầu ngậm ngùi. Chia sẻ với chúng tôi, ông Bùi Đức Thuận (một người dân thôn Long Thạnh Đông) ngậm ngùi: “Tháng trước, có một đoàn khách người Pháp qua làng, nhìn thấy dòng sông rác, họ sửng sốt kêu lên sao lại ô nhiễm vậy và sau đó lẳng lặng đi, không quay lại nữa”. Và không ít người dân trong làng có chung nỗi thất vọng như người phương xa ghé qua đây. Ông Mai Cang (một người dân địa phương) ngao ngán: “Vì sông nằm trước nhà nên ngày nào tui cũng bắt gặp người làng và dân nơi khác đem rác đổ sông. Ngay cả người dân ở thôn 7, cách đây tới mấy thôn vẫn cứ đem tới đổ. Các tiểu thương ở chợ thì khỏi phải nói, rác rưởi, đồ hư thối cứ thế mà đóng bao ném thẳng xuống sông; lên tiếng nhắc nhở, có người thì không nói năng chi, song có người lại gây sự bảo không đổ ở đây thì đổ ở đâu...”.
Sông Trường Giang, đoạn qua thôn Long Thạnh Đông, xã Tam Hải oằn mình bởi rác thải. Ảnh: BÍCH LIÊN |
Cũng theo ông Cang, lúc trước, để đảm bảo cảnh quan môi trường, có một số sinh viên, học sinh tình nguyện tới khu vực này lội xuống hốt rác, đem bỏ vào bao thấy tội nghiệp. Các tình nguyện viên đã bỏ tiền túi thuê xe chở rác đi, nhờ đó bờ sông được giải tỏa, đỡ đi được vài bữa, song chỉ vài ngày là đâu lại vào đấy. “Mấy bữa có gió thì nhờ gió đẩy đi xa, bớt hôi thối, còn không thì cứ ứ đọng ở đây, chịu không nổi. Bữa nay may là nước lớn nên rác mới nổi lềnh bềnh, chứ nước cạn thì bãi rác lộ thiên đầy ruồi nhặng, thấy là ăn cơm không nổi” - ông Cang nói.
Ông Phạm Minh Đồng - Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Long Thạnh Đông cho hay, không chỉ có rác thải, tình trạng ô nhiễm do nước thải từ chợ dân sinh cũng trở nên nghiêm trọng. Đáng nói, trước vấn nạn trên, Ban quản lý chợ Tam Hải, chính quyền địa phương vẫn chưa thể xử lý rốt ráo. Ông Đồng cho hay, trước kia, từ sự hỗ trợ của một dự án nước ngoài, một mô hình thu gom rác thải cộng đồng đã được triển khai ở Long Thạnh Đông, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân trong thôn. Từ nguồn hỗ trợ và nguồn thu từ cộng đồng, thôn đã cử ra 2 người thu gom rác thải, vận chuyển bằng xe thô sơ tới khu tập kết rác để xe cơ giới đến thu gom, chở về khu xử lý. Nhưng sau 2 tháng triển khai, mô hình không được tiếp tục duy trì do thiếu sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ chính quyền.
Trước tình trạng ô nhiễm dọc sông Trường Giang qua địa bàn xã, từ nguồn đầu tư của tỉnh 5 tỷ đồng, bãi chứa rác tập trung và lò đốt rác thải công nghiệp được quy hoạch xây dựng ở thôn Bình Trung (xã Tam Hải). Những tưởng việc quy hoạch bãi chứa rác và quy hoạch địa điểm lò đốt rác tập trung tại thôn Bình Trung trên diện tích 5.000m2 sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm và được đông đảo nhân dân đồng tình, song trên thực tế, nhân dân thôn Bình Trung lại phản đối kịch liệt bởi sợ ô nhiễm từ lò đốt rác ảnh hưởng tới khu dân cư, dù các khâu quy hoạch, giải tỏa đền bù đã được tiến hành xong. Ông Trần Ngọc Hữu - Chủ tịch HĐND xã Tam Hải xác nhận, tình trạng người dân thôn Bình Trung phản đối do lo sợ ô nhiễm từ lò đốt rác thải là có thật, địa phương đã nhiều lần tổ chức đối thoại, giải thích cho bà con hiểu về quy mô của lò đốt rác thải theo công nghệ tiên tiến này để họ chung tay hưởng ứng, nhưng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Được biết, mới đây Sở TN-MT, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Quảng Nam, UBND xã Tam Hải đã có buổi đối thoại với dân, song mọi sự vẫn chưa ngã ngũ. Thiết nghĩ, bài toán xử lý ô nhiễm ở Tam Hải nói chung và Long Thạnh Đông nói riêng, trước hết phải xuất phát từ sự vào cuộc và hành động quyết liệt của chính quyền địa phương các cấp trong việc nâng cao ý thức bảo vệ và gìn giữ môi trường từ mỗi người dân. Khi có sự chung tay từ cộng đồng, bài toán ô nhiễm mới có lời giải.
TRẦN BÍCH LIÊN