Công bố "điểm đen" môi trường

TRẦN HỮU 07/07/2015 09:23

Dù có nhiều nỗ lực “giải cứu” môi trường, nhưng công bố quan trắc mới đây của Sở Tài nguyên – môi trường cho thấy vẫn còn nhiều vùng bị ô nhiễm nặng với mức độ đáng báo động.

Nước ô nhiễm

Sông Trường chảy qua các xã Trà Tân, Trà Đốc, Trà Giác, Trà Sơn (Bắc Trà My) mùa này rất nông, nhiều đoạn cạn kiệt nước. Nguồn nước ở khu vực Nước Oa (Trà Tân) nhuốm màu trắng bạc. Ngành tài nguyên - môi trường huyện Bắc Trà My giải thích, đây là hệ lụy của tình trạng khai thác thiếc trái phép suốt thời gian dài. Nguồn nước sau khi dùng để làm xói lở đất trong quá trình khai thác quặng thiếc đã ồ ạt xả ra khe suối, hoặc đưa xuống sông. Tương tự, ở nhiều khu vực trên sông Vu Gia, Bồng Miêu, nguồn nước vào mùa khô cũng chuyển màu đỏ quạch... Báo cáo của Trung tâm Quan trắc thuộc Sở Tài nguyên – môi trường cho thấy, sự gia tăng nồng độ chất rắn lơ lửng (TSS) trên hệ thống sông Vu Gia cao điểm nhất vào tháng 5. Tại xã Ta Bhing (Nam Giang) thuộc sông Thanh, nồng độ TSS là 376mg/lít (vượt giới hạn cho phép 12,5 lần), sông Bến Giằng là 332mg/lít (vượt 11 lần), hợp lưu sông Bung với sông Cái là 102mg/lít (vượt 3,4 lần), sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 86mg/lít (vượt 2,9 lần).

Nguồn nước sinh hoạt hàng ngày bị nhiễm bẩn. TRONG ẢNH: Người dân thôn An Khuông, xã Tam Xuân 2 thường xuyên sử dụng nước nhiễm phèn.Ảnh: T.HỮU
Nguồn nước sinh hoạt hàng ngày bị nhiễm bẩn. TRONG ẢNH: Người dân thôn An Khuông, xã Tam Xuân 2 thường xuyên sử dụng nước nhiễm phèn.Ảnh: T.HỮU

Khu vực Giao Thủy - Câu Lâu (ngã ba Giao Thủy, cầu Câu Lâu), do ảnh hưởng từ dòng Vu Gia nên hàm lượng chất rắn lơ lửng đã vượt mức giới hạn cho phép. Tại điểm Giao Thủy, tháng 5 là 68mg/lít (vượt 2,3 lần), tháng 8 vượt 1,7 lần, đợt 1 tháng 10 vượt 3,3 lần. Tại cầu Câu Lâu, tháng 10 vượt 1,7 lần.  Tại hầu hết vị trí quan trắc vào các thời điểm trên các nhánh sông đều có hàm lượng cyanua ở mức thấp hoặc không phát hiện. Tuy nhiên, hai điểm có hàm lượng cyanua vượt giới hạn cho phép như sông Bồng Miêu vào thời điểm tháng 8.2014 hàm lượng cyanua là 0,056mg/lít, vượt 5,6 lần giới hạn cho phép; sông Trường qua địa bàn huyện Hiệp Đức vượt 2,3 lần giới hạn cho phép. Theo nhận định của cơ quan quan trắc, nguyên nhân nguồn nước bị ô nhiễm chất rắn lơ lửng, hóa chất cyanua là vì tình trạng khai thác vàng trái phép, xả chất độc vô tội vạ ra môi trường. Đáng mừng là năm 2014, các điểm quan trắc thuộc vùng hạ lưu sông Thu Bồn (gồm sông Hoài, sông Bà Rén, sông Ly Ly) không còn ô nhiễm TSS vào những thời điểm quan trắc. Riêng sông Vĩnh Điện ô nhiễm TSS ở mức nhẹ.

Chưa cải thiện

Kết quả quan trắc năm 2014 cũng chỉ ra sự lo ngại về tình trạng ô nhiễm dầu mỡ, chất hoạt động bề mặt. So với mức quy định, thì hầu hết sông, nhánh sông trên sông Thu Bồn đều có hàm lượng dầu mỡ vượt giới hạn cho phép vào các thời điểm khác nhau. Cụ thể, phía thượng lưu tại sông Bồng Miêu có 11/12 mẫu vượt quy chuẩn 2,2 - 5,6 lần; khu vực Giao Thủy - Câu Lâu tại ngã ba Giao Thủy có 12/12 mẫu vượt 2,5 - 4,8 lần; tại cầu Câu Lâu có 12/12 mẫu vượt 2,3 - 5,8 lần. Phía hạ lưu tại sông Hoài vượt tiêu chuẩn 1,9 - 7,2 lần; sông Vĩnh Điện phía dưới cống thoát nước khu công nghiệp có 12/12 mẫu vượt 4,2 - 13 lần... Tương tự, lấy mẫu nước tại các hồ trên địa bàn TP.Tam Kỳ, phần lớn đều bị ô nhiễm nặng chất hữu cơ. Tháng 5, hồ Duy Tân bị ô nhiễm chất hữu cơ COD vượt 9,4 lần; BOD5 vượt 15 lần. Hồ Nguyễn Du và hồ Ngã Ba qua quan trắc cũng bị nhiễm chất chất hữu cơ có thời điểm vượt gấp hơn 6 lần. Theo bà Lê Thị Tuyết Hạnh – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, qua kết quả chỉ số quan trắc, chất lượng nước các hồ điều hòa khu vực Tam Kỳ qua 4 năm (2010 - 2014) đều bị ô nhiễm. Năm 2014,  tình trạng ô nhiễm chất hữu cơ, amoni, dầu mỡ trên hồ Nguyễn Du có tính liên tục, kéo dài, không hề được cải thiện so với các năm trước.

Quan trắc mẫu nước giếng tại một số điểm thuộc khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh thì đa số bị ô nhiễm amoni và coliform. Trong đó, các Khu công nghiệp Tam Hiệp, Điện Nam – Điện Ngọc và Cụm công nghiệp Tây An có mức độ ô nhiễm coliform cao nhất. Ngoài ra, thị trấn Núi Thành mức độ ô nhiễm coliform có thời điểm vượt 43 - 80 lần. Riêng một số khu vực tại Cẩm Nam (TP.Hội An), coliform tháng 5 vượt đến 230 lần, tháng 8 vượt 80 lần.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU