Nông Sơn đối mặt với khô hạn

TÂM LÊ 06/07/2015 09:11

Thời gian qua, nắng nóng xảy ra trên diện rộng khiến đời sống của người dân Nông Sơn gặp khó khăn.

Lom khom nhổ mót lúa non về cho bò ăn, ông Trần Trung (thôn Trung Thượng, xã Quế Trung) than thở: “Nắng nóng như ri đến người cũng héo huống chi là hoa màu. Nhìn lúa trên đồng được chăm bẵm từ đầu vụ, giờ khô cháy vàng khè mà đau lòng. Gần một triệu đồng tiền cày bừa, giống, phân bón trên cánh đồng 2 sào của tôi giờ đã mất trắng”.

Ruộng đồng nứt nẻ vì khô hạn.  Ảnh: T.L
Ruộng đồng nứt nẻ vì khô hạn. Ảnh: T.L

Không chỉ ông Trung mà hàng trăm hộ nông dân khác cũng đang xót xa vì ruộng đất khô hạn. Bốn sào đất ruộng ở đồng Hố Dừa và đồng Hóc Lầy của ông Đỗ Thành Long (thôn Dùi Chiêng I, xã Phước Ninh) cũng bị nắng thiêu đốt. Không những thế, 3 sào bắp của nhà ông cũng không khả năng cho thu hoạch. Ông cho biết tỉa lần thứ nhất thì hạn quá không mọc được, lần thứ nhì chưa kịp mừng thì giờ cây đã bị hư hết. Một số ít hộ dân may mắn có ruộng ở gần ao hay mạch nước suối thì tranh thủ tát nước vào ruộng để cứu cây lúa. Tuy nhiên, số nước ít ỏi đó cũng không thể chống chọi với cái nắng gay gắt, khi nước cạn, ruộng tiếp tục khô và lúa thì đứng trước nguy cơ mất trắng. Ông Lê Quốc Sỹ - Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Nông Sơn cho biết: “Vụ hè thu năm nay, toàn huyện gieo sạ 986ha lúa, trong đó lúa nước trời là 311,2ha. Trước diễn biến gay gắt của nắng hạn, toàn bộ lúa nước trời đã bị hư hại, nhiều diện tích hoa màu đang trong tình trạng khô héo do nắng hạn, nặng nhất là ở xã Quế Ninh, Quế Phước và Phước Ninh”.

Khô hạn đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nhưng nghiêm trọng hơn là đe dọa đến sức khỏe của người dân do thiếu nguồn nước sinh hoạt. Ông Đinh Thành Chung – Trưởng thôn Trung Thượng (xã Quế Trung) cho biết: “Khoảng 223 hộ dân trên địa bàn thôn lâu nay sử dụng nguồn nước ngầm từ khe Cà Tang, nhưng hiện nay khe cạn nước, mỗi nhà chia ra lấy một ít để uống, còn mọi sinh hoạt thì dùng nước sông. Đặc biệt, 32 hộ dân ở xóm 1 không có nước uống, phải ra bờ sông đào cát, lấy nước lắng về uống, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe”. Tình trạng tương tự diễn ra ở thôn Dùi Chiêng I (xã Phước Ninh) khi mọi sinh hoạt tắm rửa, giặt giũ đều diễn ra trên bến sông. Hệ thống nước tự chảy Xai Bà Đỉnh cung cấp nước cho thôn cũng cạn kiệt, nên nhiều hộ dân phải chạy xe máy xuống thôn Bình Yên để chở nước về uống. Còn tại xã Quế Phước, ông Lương Văn Bá – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Tình trạng thiếu nước trầm trọng làm cho đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Hiện nay toàn xã có 85 giếng đào, tuy nhiên chỉ còn khoảng 20 giếng còn ít nước, số còn lại khô cạn. Nhiều hộ thuê người đào giếng nhưng cũng thất bại vì không có nước. Để có nước sinh hoạt, người dân phải dùng nhiều biện pháp khác nhau như đào bãi sông lấy nước, gánh hoặc lấy xe bò chở nước ở những thôn lân cận về dùng”.

TÂM LÊ

TÂM LÊ