Trui rèn ở xã

LÊ THIÊN NGÂN 06/07/2015 08:42

Bằng sức trẻ và sự nhiệt huyết, hai trí thức trẻ người dân tộc Cơ Tu (thuộc dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch UBND xã) đã góp phần làm đổi thay những vùng đất khó.

1. Nhắc đến Tơ Ngol Tờ, người dân xã A Xan (huyện Tây Giang) ai cùng hết lời khen ngợi. Vì từ ngày được phân công về làm Phó Chủ tịch UBND xã A Xan, Tơ Ngol Tờ đã giúp bà con vùng biên giới thay đổi nếp nghĩ và cách làm ăn. Sau gần 3 năm làm Phó Chủ tịch UBND xã, Tơ Ngol Tờ góp phần thực hiện khá tốt công tác xóa đói giảm nghèo cho A Xan. “Với một xã vùng núi cao như A Xan, việc xóa đói, giảm nghèo cho người dân trở thành yêu cầu quan trọng, nhất là khi địa phương tin tưởng giao cho mình phụ trách lĩnh vực mà người dân vẫn gọi nôm na “mang lại no ấm cho bà con” - Tơ Ngol Tờ vui vẻ cho biết. Khi được phân công về A Xan, sau thời gian tìm hiểu, Tơ Ngol Tờ xác định, muốn xóa đói giảm nghèo, phải đổi mới hình thức làm ăn, cây giống, vật nuôi cho bà con, thay vì làm nương rẫy, thả rông như trước đây. Khảo sát thực địa, tìm hiểu thổ nhưỡng, anh vận động người dân trồng bắp lai. Năm đầu tiên (2012) chỉ có hơn 20ha bắp lai được trồng và đã mang lại hiệu quả kinh tế. Năm sau, diện tích tăng lên 70ha và năm 2014 đã là 100ha, năng suất đạt 35 - 40 tạ/ha.

Phó Chủ tịch UBND xã A Xan - Tơ Ngol Tờ.
Phó Chủ tịch UBND xã A Xan - Tơ Ngol Tờ.

Mới đây nhất, Tơ Ngol Tờ bắt tay xây dựng mô hình sử dụng phân xanh cho giống lúa lai. Lần đầu tiên, người dân Cơ Tu biết sử dụng phân xanh để trồng trọt. Mười hộ dân tham gia thí điểm trên diện tích hơn 6ha lúa lai, bón phân xanh mang hiệu quả cao, tăng năng suất lúa lên 35 tạ/ha. Thừa thắng xông lên, các mô hình khác lần lượt ra đời và đem lại hiệu quả. Anh vận động người dân trồng 10ha cây dược liệu đẳng sâm, 10ha cây tr’đin. Đây là hai loại cây bản địa có giá trị kinh tế cao. Anh còn vận động người dân trồng các loại cây ngắn ngày có giá trị kinh tế, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng như: đậu đen lòng xanh, đậu xanh ĐX 208, cải củ, cải xanh, lúa lai CNR02… Với sự hướng dẫn của anh, người dân trong xã phát triển chăn nuôi, chuyển đổi hình thức chăn nuôi thả rông nhiều rủi ro sang chăn nuôi tập trung theo hình thức trang trại. Đến nay, A Xan đã có 18 trang trại với 350 con bò, hàng nghìn con gia cầm, đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm cho địa phương và còn dư bán ra thị trường. Anh tâm sự: “Thấy dân làng mình khổ cực bao đời nay, từ ngày còn đi học, mình nuôi ước mơ được góp sức giúp dân làng thoát nghèo. Người làng còn khổ lắm, mình phải nỗ lực hơn nữa để đền đáp sự yêu thương, tin tưởng của làng”.

2. A Vương là xã nghèo của huyện Tây Giang với tỷ lệ hộ nghèo chiếm 70,6%. Hơn 2 năm nay, A Vương có Phó Chủ tịch UBND xã mới là Cơ Lâu Hiếu. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tây Giang, tốt nghiệp khoa Luật Đại học Vinh (Nghệ An), Hiếu về công tác ngay tại địa phương. Đây cũng là thời điểm huyện Tây Giang triển khai Dự án 600 của Thủ tướng Chính phủ. Khi lọt qua vòng tuyển chọn, anh được tập huấn 3 tháng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ quản lý nhà nước và được đi thực tế tại cơ sở để tìm hiểu cách làm một phó chủ tịch như thế nào. Sau khóa tập huấn, Hiếu được phân công về làm Phó Chủ tịch UBND xã A Vương.

Phó Chủ tịch UBND xã A Vương - Cơ Lâu Hiếu. Ảnh: LÊ THIÊN NGÂN
Phó Chủ tịch UBND xã A Vương - Cơ Lâu Hiếu. Ảnh: LÊ THIÊN NGÂN

Cơ Lâu Hiếu cho biết: “Đời sống của người đồng bào mình còn không ít hủ tục cần xóa bỏ, mình là người có kiến thức pháp luật, mình phải tuyên truyền cho đồng bào hiểu”. Ở một số bản làng, khi có người bị đau ốm họ không đi bệnh viện để khám và điều trị mà nhờ thầy cúng về nhà làm lễ để cầu mong chữa khỏi bệnh. Trách nhiệm của đội ngũ cán bộ ở đây là phải sát dân và nắm bắt thông tin để kịp thời giải quyết ý kiến đề xuất của nhân dân, qua đó làm tốt hơn công tác tuyên truyền. Theo anh Hiếu, để làm thay đổi suy nghĩ của bà con không thể chỉ trong một sớm một chiều, nhất là khi nếp nghĩ cũ đã ăn sâu vào tiềm thức của bà con, mà theo họ nếu thay đổi sẽ giống như làm một việc sai trái và sẽ gặp điều không may. Hiếu chia sẻ cách làm: “Mình phải dựa vào già làng, cùng tích cực vận động tuyên truyền đến người dân thông qua việc lồng ghép vào các buổi sinh hoạt thôn, những ngày lễ hội, ngày đại đoàn kết toàn dân. Từ đó, tạo sự lan tỏa, người dân trong thôn bản thấy được hủ tục đó không còn phù hợp cần phải xóa bỏ”. Cơ Lâu Hiếu còn được biết đến là đầu tàu gương mẫu, vận động cán bộ, thanh niên trong xã thực hiện phong trào tiết kiệm chi tiêu, giảm bớt rượu bia, tiệc tùng; trực tiếp chỉ đạo triển khai việc xây dựng gươl tại các thôn và tại xã.

Với mong muốn giúp dân thoát nghèo, Cơ Lâu Hiếu tận tình tư vấn, hỗ trợ nhiều gia đình tìm ra cách làm ăn mới. Anh mạnh dạn tham mưu các cấp lãnh đạo triển khai những mô hình kinh tế mới trong nhân dân, như thâm canh lúa nước, từ bỏ lối canh tác lạc hậu, mở rộng diện tích và áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi. Hiếu chia sẻ: “Khi về với địa phương nghèo, đòi hỏi người làm lãnh đạo phải am hiểu kiến thức nhiều lĩnh vực, có khả năng giải quyết nhiều vấn đề. Do vậy, bắt buộc các trí thức trẻ phải nỗ lực học tập, công tác và thực sự nhập cuộc chứ không thể làm việc với tinh thần thử nghiệm”. Ông Bríu Quân - Bí thư Đảng ủy xã A Vương cho biết, Dự án 600 đưa về A Vương một Phó Chủ tịch UBND xã năng động và tâm huyết. Chính quyền xã A Vương phấn khởi hơn vì có thêm một cán bộ trẻ, nhiệt huyết. “Cơ Lâu Hiếu tuy trẻ nhưng dám nghĩ dám làm, giúp đỡ dân làng phát triển kinh tế, tạo ra nhiều điều tốt đẹp cho người dân địa phương” - ông Bríu Quân nói.

LÊ THIÊN NGÂN

LÊ THIÊN NGÂN