Xây dựng mô hình truyền thông phòng chống cúm A tại trường học
(QNO) - Ngày 3.7, Sở KH-CN tổ chức nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình truyền thông phòng chống Cúm A tại trường học”, do Th.S. Nguyễn Thị Liên, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe (Sở Y tế) chủ trì.
Qua 2 năm triển khai, đề tài đã tiến hành điều tra thực trạng kiến thức, thái độ, hành vi của học sinh các trường phổ thông về phòng chống Cúm A và đề xuất các giải pháp thực hiện, xây dựng mô hình phòng chống Cúm A (Influenza) tại trường học. Được biết, virus Cúm A có thể lây nhiễm cho tất cả mọi người bất kể tuổi tác, với nhiều hình thức gây dịch khác nhau: dịch nhỏ có chu kỳ 2-4 năm, dịch lưu hành ở địa phương hoặc đại dịch trên toàn thế giới có chu kỳ khoảng 10 năm. Hiện, các phân tuýp kháng nguyên của virus Cúm A đang lưu hành trên toàn cầu là A/H1N1 và A/H5N1. Trong đó, nhóm trẻ ở độ tuổi từ 5-9 có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất, tuy nhiên nhóm trẻ mắc bệnh nặng và tỷ lệ tử vong cao lại ở nhóm trẻ dưới 2 tuổi, người già là nhóm người có nguy cơ cao. Mặc dù Cúm A hết sức nguy hiểm, song có thể phòng tránh được bằng các biện pháp: vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống; hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh; tăng cường sức khỏe và khả năng phòng bệnh bằng ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý…
Qua 2 năm (2013-2015), ban chủ nhiệm đề tài đã triển khai thí điểm mô hình truyền thông thay đổi hành vi phòng chống Cúm A tại 2 trường học của huyện Duy Xuyên là Trường THCS Sào Nam và Trường THCS Phù Đổng, nơi từng xuất hiện dịch Cúm A. Qua điều tra, khảo sát thái độ hành vi trên hơn 400 học sinh tại nhà trường về ý thức rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang để phòng bệnh, không ăn tiết canh, trứng gia cầm chưa được nấu chín… ban chủ nhiệm đề tài đã xây dựng được mô hình phòng tránh Cúm A tại 2 trường học trên. Cụ thể như, biên soạn tài liệu và cấp phát tài liệu đến học sinh, giáo viên; tổ chức truyền thông nói chuyện dưới cờ về cách thức phòng tránh dịch Cúm A; hỗ trợ kinh phí mua xà phòng cho 2 trường... Hiện, 2 trường học trên đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống Cúm A, mỗi lớp học cũng đã thành lập được tổ vệ sinh do ban cán sự lớp đảm trách phối hợp kiểm tra, giám sát việc rửa tay bằng xà phòng…
Theo đánh giá, đề tài không giàu tính khoa học song ý nghĩa thực tiễn đem lại rất lớn. Mô hình truyền thông cộng đồng phòng chống Cúm A trong trường học cần nhân rộng ra nhiều trường học trên địa bàn Duy Xuyên và tỉnh Quảng Nam.
HOÀNG LIÊN